(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng mỗi năm số thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành cũng lên đến vài chục loại, gây nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy hại khôn lường từ vấn nạn thuốc giả

(VH&ĐS) Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng mỗi năm số thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành cũng lên đến vài chục loại, gây nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng.

Nhức nhối nạn thuốc giả

Những lô, mẫu thuốc giả liên tiếp được phát hiện thời gian qua khiến cho người tiêu dùng bất an, lo ngại. Điển hình, như năm 2015 Đội Quản lý Thị trường số 9 đã phối hợp với Phòng CSGT đường bộ, đường sắt phát hiện 57.000 viên thuốc tân dược không rõ nguồn gốc. Các viên thuốc không có ký hiệu tên thuốc, nơi sản xuất, đơn vị nhập khẩu, không có chứng từ; tháng 8/2016 Sở Y tế Thanh Hóa ra văn bản về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi 2 loại thuốc là Hoàn an thai, lô SX: 01, NSX 16/3/2015, HSD 15/03/2017, số đăng ký: VD-1755-12 do Cty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái sản xuất. Loại thuốc thứ 2 là Viên nang cứng Cảm Xuyên Hương, lô SX 03, NSX 18/12/2015, HSD 27/12/2018, số đăng ký V483-H12-10 do Cty TNHH dược phẩm Hà Thành sản xuất.

Theo các chuyên gia y tế thì thuốc giả gây ra tác hại lớn cho sức khỏe người bệnh như khiến bệnh chuyển biến nặng, phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc giả còn gây ra tình trạng vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh.

Trường hợp anh Nguyễn Văn Thao (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) vẫn còn sợ hãi khi kể lại việc bản thân không may dùng phải thuốc giả. Phát hiện mình bị viêm niêm mạc dạ dày, điều trị ổn định tại BV Đa khoa tỉnh, anh về điều trị tại nhà. Sau khi hết thuốc BV cấp, anh mua thuốc tại cửa hàng gần nhà theo đơn bác sĩ kê. Chỉ hai ngày sau khi dùng thuốc, anh xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, chướng bụng, sau đó là đi ngoài ra máu, anh được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời sau đó.

Hiện nay, trên thị trường thuốc giả tồn tại ở 4 dạng: thuốc giả hoàn toàn; giả hoạt chất; thuốc kém chất lượng và thuốc giả mẫu mã.

Được biết, Thanh Hóa có trên 3.000 cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Trong 9 tháng năm 2016, Trung tâm kiểm nghiệm Thanh Hóa (Sở Y tế) đã tiến hành phân tích, kiểm nghiệm chất lượng của 1.104 mẫu. Trong tổng số 937 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được kiểm nghiệm có 19 mẫu thuốc không đạt chất lượng (chiếm 2,3% số mẫu kiểm nghiệm); 3 mẫu thuốc giả đó là thuốc đông dược Đức Tế Hoàn, cephalexin và chymotropcin (là những thuốc kém chất lượng, hết số đăng ký, giả mẫu mã); 20 mẫu thực phẩm chức năng không đạt chất lượng. Qua phân tích, kiểm nghiệm 167 mẫu (112 mẫu gửi và 58 mẫu lấy) do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường, công an và các cơ sở sản xuất gửi đến kiểm tra thực hiện việc công bố chất lượng sản phẩm, các mẫu kiểm tra đoàn liên ngành, các mẫu ngộ độc thực phẩm... có 9 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 15,5%).

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Ngăn chặn nạn thuốc giả là một bài toán không hề dễ. Trong đó, cần chú trọng đến việc nâng cao ý thức của nhân dân trong việc mua và sử dụng thuốc theo đơn, tránh việc mua thuốc tùy tiện, không đến những cơ sở uy tín, được cấp phép của cơ quan chức năng. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc tân dược.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở bán thuốc.

Ông Phạm Ngọc Thơm - Phó Giám đốc Sở y tế Thanh Hóa cho biết: Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, trong đó đoàn kiểm tra chuyên ngành đều có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng tháng và đột xuất. Đặc biệt, tăng cường việc kiểm tra vào những thời gian trọng điểm như trước, trong và sau tết. Ngoài ra, Trung tâm kiểm nghiệm còn xây dựng kế hoạch kiểm tra lấy mẫu hàng tuần, hàng tháng (trong 9 tháng đầu năm số mẫu trung tâm lấy để kiểm nghiệm tăng 120% so với cùng kì năm ngoái), trong đó tăng cường việc kiểm tra đối với thuốc hay có vấn đề về chất lượng như kháng sinh, vi sinh, dược liệu và thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, thuốc có hoạt chất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường, bảo quản...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn nạn thuốc giả thì các chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc không thể đứng ngoài cuộc.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]