(vhds.baothanhhoa.vn) - “Nơi mặt trời không lặn” được Nguyễn Duy Chinh tuyển chọn từ 6 tập thơ đã in trước đây, chủ yếu là những bài thơ anh viết về thời chiến tranh mà anh tâm đắc gửi gắm.

Nguyễn Duy Chinh về “Nơi mặt trời không lặn”

“Nơi mặt trời không lặn” được Nguyễn Duy Chinh tuyển chọn từ 6 tập thơ đã in trước đây, chủ yếu là những bài thơ anh viết về thời chiến tranh mà anh tâm đắc gửi gắm.

Nguyễn Duy Chinh về “Nơi mặt trời không lặn”

“...Ngơ ngẩn một lần trai

Quần áo ướt thơm lẫn mùi con gái

Đêm về

Sốt rét

Còn mơ...”

Thế đấy chiến tranh tàn khốc nhưng tình yêu vẫn mãnh liệt, vượt lên trên cái chết để tồn tại. Không biết những người lính làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975 ai còn ai mất; ai đọc được những câu thơ này? Nếu đọc được, chắc họ sẽ gặp lại hình ảnh của mình trong chiến tranh, thoát được đạn bom ác liệt lại gặp những cơn sốt rét, thậm chí sốt rét ác tính đã cướp đi rất nhiều người con ưu tú của dân tộc này.

“...Lọc cọc xe thồ cười vang dốc khỉ

Nắng xém câu hò Thanh Hóa

Mưa ướt câu quan họ mở đường

Khúc hát nào san lấp hết hố bom...”.

Hình ảnh đoàn dân công hỏa tuyến tải vũ khí, phương tiện chiến đấu cho bộ đội ngoài chiến trường không chỉ có ở thời chiến dịch Điện Biên Phủ. Những người thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn dưới bom đạn, thậm chí không ít cô gái trinh nguyên đã ngã xuống cho huyết mạch giao thông. Cộng hưởng với đạn bom kẻ thù là thời tiết quá khắc nghiệt ở Làng Ho, Cổng Trời, Dốc Khỉ... nơi cửa ngõ Trường Sơn. Những câu thơ:

“...Chớp chiều Đường Chín

Máu đỏ sông Ba Lòng

(...) Tả tơi cõng bạn xuyên rừng...

Dù hình ảnh này không hiếm gặp trong văn thơ viết về chiến tranh, nhưng khi đọc ta không thể không trầm lặng suy tư. Người đã trải qua như Nguyễn Duy Chinh vừa thấy mình may mắn còn được sống, vừa xót thương cho đồng đội ngã xuống nơi chiến trường khốc liệt. Nguyễn Duy Chinh muốn nhắc nhở chúng ta không được quên vì sao có cuộc sống thanh bình hôm nay. “Nơi mặt trời không lặn” là bài thơ dài được tác giả viết và hoàn thành trong khoảng thời gian hơn 35 năm, từ 1971 đến 2006. Khoảng thời gian quá dài ấy, dù anh đã cố gắng sắp đặt nhưng vẫn lộ ra sự chắp nối.

Viết về chiến tranh, Nguyễn Duy Chinh có nhiều bài khá hay, ngôn từ thanh thoát, cấu tứ khúc chiết. Trong đó có bài Nhật ký sân ga:

...Những người lính

Chưa vợ

Chưa yêu

...

Sốt ruột

Chuyện chiến trường

...

Người được yêu

Cũng tất bật vội vàng

Mấy đứa tôi

không phòng

Đôi mắt cứ lang thang.

Bài thơ câu từ dung dị ghi lại sinh động cảnh người lính ở sân ga chờ tàu để lên đường ra trận. Người thì vấn vít bên người yêu, người bịn rịn chia tay vợ trẻ... nhưng nổi bật là các chàng lính trẻ chưa có người yêu hay là chưa biết yêu cứ vô tư nhìn chỗ này, ngắm chỗ kia như không có gì xảy ra và họ sốt ruột chuyện chiến trường. Nên nhớ đó là năm 1973, năm diễn ra sự kiện ký Hiệp định Paris để đình chiến. Nhiều người đã viết về những cuộc chia tay trong chiến tranh, nhiều dòng thơ ý thơ hay. Nhà thơ Nam Hà, trong bài Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi, có câu: “Khi chia tay không hề rơi nước mắt/ Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”. Nhà thơ Nguyễn Mỹ có bài “Cuộc chia li màu đỏ”: Không che được nước mắt cô đã chảy/ Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời... như chưa hề có cuộc chia li. Mỗi tác giả có cách hành văn, diễn đạt khác nhau nhưng họ chung một niềm tin vào sự chiến thắng. Nguyễn Duy Chinh khai thác ở một góc độ khác, tưởng rất giản đơn mà lại sâu sắc về sự dũng cảm, nhiệt huyết được cống hiến của tuổi trẻ.

Chiến tranh qua đi, trở về với đời thường, đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền... thơ Nguyễn Duy Chinh thêm nhiều trăn trở, suy tư và tâm trạng. Trận chiến đấu với cơm áo quả là đầy gian nan. Xã hội chuyển mình thì cảm xúc nhà thơ cũng hòa nhập với cuộc sống hay cách nói khác là đẫm mình với cuộc sống:

“Đừng nhìn ta bằng ánh mắt nghèo

Đừng tìm ta buổi sáng

Ta không ở chung cư

Không thuê nhà tạm

Nhà mái trùm ấm cả mùa đông.

...

Phút lặng thầm cũng chen lẫn

hương hoa

Khoảng sân nhỏ gió lùa như đồng bãi

Nét mực bay đi, câu thơ nào ở lại

Chợt tiếng chim thánh thót qua lỗ thủng nhà ta”.

(Tiếng chim qua lỗ thủng)

Bài thơ thật nhuốm màu Đỗ Phủ. Nhưng Đỗ Phủ ước cho mình có căn nhà đẹp và ước làm cho nhiều người có nhà đẹp, một ước mơ đầy tính nhân văn. Còn nhà thơ Nguyễn Duy Chinh trong hoàn cảnh của mình căn nhà bỗng biến thành thiên đường với trăng sao đầy nhà chen lẫn hương hoa và tiếng chim thánh thót. Chỉ có nhà thơ mới giàu xúc cảm, trí tưởng tượng và sự lãng mạn đến thế!

Khó khăn rồi cũng qua đi. Khi ở trong căn nhà khang trang giữa phố, ông lại hướng tới những chuyến đi từ thiện. Một lần đến chợ Đồng Tâm ông gặp hình ảnh mẹ mình từ gần 70 năm trước:

...Con đã đến ngã ba Đồng Tâm

Nơi ngày xưa mẹ xuôi ngược kiếm tiền.

...

Con chẳng nhớ mấy mùa mẹ đã

lên đây

Chập chờn đêm mấy mùa ngủ chợ

Chồn chân vượt qua ngày khốn khó.

(Chợ Đồng Tâm)

Đọc lướt qua, chúng ta vẫn nghĩ bài thơ nói về tình cảm mẹ con, là hình ảnh người mẹ vượt khó khăn, buôn bán kiếm tiền nuôi con. Nhưng ngẫm kỹ, từ Vạn Hà bên bờ sông Chu quê ông muốn đến chợ Đồng Tâm (Bá Thước) xa cả trăm cây số, thời ấy chủ yếu vẫn là hai bên đường rừng heo hút, rậm rạp, âm u với bản làng thưa thớt. Nếu đi đường thủy phải xuôi đò sông Chu đến ngã Ba Bông rồi ngược lên sông Mã thác ghềnh nhiều ngày mới đến chợ Đồng Tâm nơi vùng cao hẻo lánh. Đêm đến màn trời chiếu đất cùng hàng hóa ngủ chợ chờ bán hàng... thật là gian khó, thật là nguy hiểm!

“...Chúng con cứ vô tư lớn lên

Bằng những giọt mồ hôi và nước mắt

của mẹ

Rơi xuống đất này

Ướt đẫm chợ Đồng Tâm” .

(Chợ Đồng Tâm)

Những câu thơ của Nguyễn Duy Chinh giàu xúc cảm, khiến nhiều người bỗng nhớ mẹ mình một thời xa ngái.

Cuộc sống cứ đi theo chiều của nó, có những lúc buồn thương, nhưng cũng không ít sự vui vẻ, tươi mới:

“...Khi mùa thu vừa gần vừa xa

Trải nắng vàng quyến rũ.

...

Khi ta chẳng còn gì phải lo

Cái nỗi lo muôn đời nhân thế.

...

Thơ viết sáng nay

Mùa xưa vừa trở lại

Ngập ngừng đợi em về

Gọi mùa gom lại bốn mươi năm”.

Đọc xong ta thấy nhẹ lòng cùng tác giả, có lẽ người đã bước đến cái ngưỡng của cuộc đời thanh thản.

Khi tuổi xế chiều, sau những bươn trải giữa dòng đời từ trong chiến tranh đến những tháng năm lo toan cơm áo... tác giả đến với suy ngẫm tâm linh.

“Ta không được

Và người cũng chẳng mất

Còn nguyên tất cả đấy thôi.

...

Đời sông còn chảy

Được, mất kết thành lóng lánh

những phù sa

Đêm giao mùa

Lặng im nghe

Có kẻ đầu thai vào những lời thì thầm từ cỏ”. (Giao mùa)

Ít dòng ngắn ngủi mà tâm trạng ưu tư, nén dồn trắc ẩn, tác giả phải ba lần dùng lời giải thích ngôn từ từ khái niệm tâm linh Phật pháp. Đọc xong ta bỗng nhận ra chàng lính trẻ vô tư chờ tàu ra chiến trường khói lửa đạn bom, người thợ cơ điện với tay nghề bậc sáu bươn trải dọc ngang một thời kiếm sống đã tóc bạc nhưng không phải “người lính già đầu bạc kể mãi chuyện nguyên phong” mà đang ngồi lặng lẽ buông bỏ được thua trần thế hướng về cõi tâm linh cực lạc.

Gấp tập thơ lại, ta có thể nhận ra Nguyễn Duy Chinh là một nhà thơ khoáng đạt, dí dỏm, hóm hỉnh. Gần 60 năm làm thơ, Nguyễn Duy Chinh đã ra mắt 7 tập sách, có 6 bài đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội và có 3 tập thơ được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông. Đó là những ghi nhận xứng đáng cho một đời làm thơ bền bỉ đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Bài và ảnh: Trịnh Minh Châu (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]