(vhds.baothanhhoa.vn) - Kiều Vượng sinh ra từ một vùng quê của huyện Quảng Xương đầy nắng gió và sóng biển mặn mòi. Học xong phổ thông, ông sớm bước vào cuộc sống thanh niên xung phong (TNXP) đầy sôi động từ những năm sáu mươi bảy mươi của thế kỉ trước, cộng với năng khiếu văn chương để rồi Kiều Vượng có truyện ngắn đầu tay Lạc biển (1976).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà văn Kiều Vượng với Trường Đại học Hồng Đức

Kiều Vượng sinh ra từ một vùng quê của huyện Quảng Xương đầy nắng gió và sóng biển mặn mòi. Học xong phổ thông, ông sớm bước vào cuộc sống thanh niên xung phong (TNXP) đầy sôi động từ những năm sáu mươi bảy mươi của thế kỉ trước, cộng với năng khiếu văn chương để rồi Kiều Vượng có truyện ngắn đầu tay Lạc biển (1976).

Hơn chục năm tham gia lực lượng TNXP và hơn bốn mươi năm vừa hoạt động văn nghệ vừa làm quản lí văn nghệ, ông đã cho ra mắt độc giả 6 tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 6 tập bút kí, 1 tập phóng sự, 1 kịch bản phim và 3 tập thơ. Chừng ấy đã thừa đủ để làm nên một đời văn Kiều Vượng. Đây là những gặt hái trên “cánh đồng bất tận” suốt một dải đất miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mà chủ yếu là ở quê Thanh - “Nơi mẹ đẻ ra tôi”!

Sáng tác ở nhiều thể loại văn học, nhưng với ông không phải để thể nghiệm mà là sự trải nghiệm, là sức viết và cách phát hiện, cách đánh giá hiện thực. Ông từng đắn đo tính toán “Day dứt hơn là tác phẩm viết ra mô tả làm sao để mình được sống yên ổn khi một số người trong bộ máy công quyền đang tha hóa vô độ... Khi có quá nhiều tiền họ bất chấp tất cả”. Nhưng chính ông cũng đã vượt lên cái ranh giới do dự ấy. Ông tâm niệm “Nhà văn sinh ra là để chống lại mọi thứ cường quyền hắc ám đặng góp phần làm giảm bớt đi những đau khổ của con người”. Quan niệm về thiên chức người nghệ sĩ của Kiều Vượng không mới. Nhưng giữa những biến động của cuộc sống hiện đại với cuộc đấu tranh chống tiêu cực thì câu nói của ông là vô cùng quí giá, thể hiện trí tuệ, nhân cách và bản lĩnh của người cầm bút hôm nay. Vì vậy, những sáng tác của ông đã góp phần làm cho diện mạo văn học (nhất là văn xuôi hiện đại) Thanh Hóa thêm đặc sắc, phong phú. Ngòi bút Kiều Vượng tỏ ra sắc sảo khi ông nói đến bão tố ở những vùng đất mà nếu chỉ nhìn bên ngoài khó có thể nhận ra những vùng gió xoáy đẩy con người đến tận chân tường... Cái tâm của người cầm bút, của Kiều Vượng là người đi cùng trong vùng gió bão!

Qua những tác phẩm của ông, người đọc dễ dàng nhận ra những mảng đề tài, cùng tên đất tên người và những sự kiện ngồn ngộn chất liệu của hiện thực nóng bỏng. Vì vậy, có thể khái quát được rằng Kiều Vượng là nhà văn của xứ Thanh, nhà văn của TNXP, nhà văn của những cung đường, nhà văn của những dòng sông...

Khi Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định thành lập Trường Đại học Hồng Đức (9/1997), nhà văn Kiều Vượng vui niềm vui chung cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Với cương vị là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung, ông thực sự là nhịp cầu kết nối giữa Trường ĐH Hồng Đức và Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 1999, Tiến sĩ Cao Danh Đằng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức) và Nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã kí bản Ghi nhớ về hợp tác, kết nghĩa giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trường Đại học Hồng Đức. Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan đỡ đầu Khoa Khoa học xã hội (KHXH) Trường Đại học Hồng Đức về sáng tác và nghiên cứu văn học; cung cấp các ấn phẩm (chủ yếu là báo Văn nghệ); dành mỗi quí một trang trên Văn nghệ Trẻ đểđăng tải các bài nghiên cứu, các sáng tác của cán bộ, giảng viên và sinh viên; tổ chức giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà văn, nhà thơ với các giảng viên, sinh viên trong khoa mỗi năm ít nhất một lần. Đối với Trường ĐH Hồng Đức, nhà trường sẽ chủ trì các chương trình nghiên cứu, hội thảo về các nhà văn, nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Gần hai mươi năm qua, thành quả rực rỡ của quan hệ hợp tác kết nghĩa vô tư, trong sáng giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trường Đại học Hồng Đức mà trực tiếp là Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung và Khoa KHXH đã được khẳng định. Đều đặn mỗi tuần ông Kiều Vượng cử người đem báo xuống khoa KHXH (3 số báo Văn nghệ và 3 số báo Văn nghệ Trẻ). Không nói đến giá trị kinh tế, chỉ về ý nghĩa tinh thần thôi đã là rất lớn rồi, không thể đem đong đếm được! Cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa KHXH có thêm nguồn tư liệu bổ ích, được cập nhật về thời sự văn học, về văn chương trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập chuyên ngành Ngữ văn và các môn khoa học xã hội khác.

Đáp lại tấm thịnh tình đó, nhận trách nhiệm trước Ban giám hiệu Trường Đại học Hồng Đức, Khoa KHXH đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học với hàm lượng chất xám rất cao như đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Đó là Hội thảo khoa học được tổ chức vào năm 1999 về Mười truyện ngắn hay của báo Văn nghệ năm 1998.

Ngày 6/4/2001, Khoa KHXH tổ chức Hội thảo khoa học về Thơ Hữu Thỉnh - nhà thơ chiến sĩ. Nhiều bài viết chất lượng, sâu sắc và hay của giảng viên và sinh viên đã để lại ấn tượng tốt đẹp về một hội thảo. Có thể phác thảo chân dung Hữu Thỉnh qua thơ ông: đó là một tâm hồn lo nghĩ, đa cảm đa tình, hồn hậu và tự nhiên...

Cuối năm 2001, Khoa KHXH tổ chức Hội thảo khoa học về Nhà văn Nam Cao nhân kỉ niệm 50 năm ngày mất của ông (30/11/1951- 30/11/2001).

Tháng 12/2003, nhân kỉ niệm một năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu (9/12/2002 - 9/12/2003), với sự giúp đỡ của nhà văn Kiều Vượng, Khoa KHXH tổ chức Hội thảo khoa học Tố Hữu - Thơ ca và Cách mạng. 57 tham luận của cán bộ, giảng viên, sinh viên càng minh chứng cho sức lan tỏa và lay động của hồn thơ Tố Hữu đối với nhiều thế hệ độc giả yêu thơ ông.

Ngày 10/11/2007, nhân dịp Kỉ niệm mười năm thành lập Trường ĐH Hồng Đức, nhà trường giao cho Khoa KHXH tổ chức Hội thảo khoa học Kiều Vượng: Tác giả - Tác phẩm. Đây là một hội thảo được chuẩn bị công phu, huy động được nhiều cán bộ và sinh viên tham gia nghiên cứu, viết bài, khám phá những vấn đề về nội dung, đề tài, nghệ thuật, thể loại trong những sáng tác của ông. Gần 30 bài viết, dù ở phương diện nào, tất cả đều chung một nhận định: Qua những sáng tác của Kiều Vượng chúng ta thấy được một tấm lòng nặng nghĩa với cuộc đời, với con người và một mong mỏi về tình thân nhân thế và nhân quả cho cuộc đời...

Gần 30 bài viết vẫn chưa thể khai thác hết những gì mà tác phẩm Kiều Vượng đã thể hiện. Gia tài văn chương của ông như một “vỉa quặng” mà nhiều cán bộ giảng dạy tiếp tục nghiên cứu về văn chương ông; nhiều sinh viên ĐH Hồng Đức đã chọn tác phẩm của ông làm đề tài khóa luận tốt nghiệp.

Sống giữa đời thường, nhà văn Kiều Vượng ân tình lắm. Ông tặng chúng tôi những cuốn sách hấp dẫn, những tập thơ hay. Những năm còn khó khăn, ông tặng chúng tôi những chiếc đèn, những tấm lịch để bàn. Sinh viên Ngữ văn lên Văn phòng báo Văn nghệ mượn tài liệu, xin sách, đọc báo... ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Nghe tin ông mất, các em sinh viên ấy (đã ra trường), từ Tĩnh Gia, Quảng Xương, Yên Định, Ngọc Lặc... cũng kịp về thắp cho ông một nén hương trong khóe mắt cay cay...

Mới đó thôi mà đã thành người thiên cổ rồi, ông Kiều Vượng ơi!

Th.s Lê Xuân Soan (nguyên Phó Trưởng khoa Khoa KHXH)


Th.s Lê Xuân Soan (nguyên Phó Trưởng khoa Khoa KHXH)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]