(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm nào cũng vậy, việc các di tích bị biến dạng do trùng tu vẫn luôn tốn không ít giấy mực của truyền thông, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và là bài học không mới ở nhiều địa phương. Trùng tu không chỉ là công cuộc cứu giữ các giá trị nguyên bản mà còn để các thế hệ sau tiếp tục phát huy.

Nhìn lại công tác trùng tu, tôn tạo di tích

Năm nào cũng vậy, việc các di tích bị biến dạng do trùng tu vẫn luôn tốn không ít giấy mực của truyền thông, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và là bài học không mới ở nhiều địa phương. Trùng tu không chỉ là công cuộc cứu giữ các giá trị nguyên bản mà còn để các thế hệ sau tiếp tục phát huy.

Nhìn lại công tác trùng tu, tôn tạo di tíchĐền Bà Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần sau trùng tu.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh Đền thờ, bia ký Trịnh Khả (xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc), ông Trịnh Đức Chuông, người có hơn 10 năm trông coi đền, cho biết: Năm 1993, niềm vui đến với bà con Nhân dân xã Vĩnh Hòa nói chung và con cháu họ Trịnh nói riêng khi Đền thờ, bia ký Trịnh Khả được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trịnh Khả (1391-1451) vốn là một danh tướng tài ba, có tài thao lược trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi. Ông cũng là một trong những bậc khai quốc công thần, làm quan dưới ba triều vua Lê. Khi vua Lê Thánh tông lên ngôi, đã lệnh cho làng Kim Bôi, tổng Sóc Sơn (nay là làng Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc) lập đền thờ ông.

Song, cũng phải gần 20 năm sau ngày được công nhận di tích, đến năm 2012, đền thờ mới được cấp một nguồn kinh phí tu bổ để làm hệ thống tường rào, sân. Nguồn kinh phí ấy chưa đủ để chống xuống cấp đền thờ. Mái nhà tiền đường bị thủng, bên trong phải che bạt, dùng thân cây tre, luồng để chống đỡ; nhà hậu cung nhiều đoạn tường nứt nẻ, mái ngói bong tróc...

Đó là câu chuyện của hơn 10 năm về trước. Nhưng khiến người ta rất nhớ, bởi di tích không dễ hình thành, mà lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Để bảo vệ di tích, năm 2017, sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích, con cháu dòng họ Trịnh đã tài trợ gần 9 tỷ đồng để tôn tạo phần hậu điện và bàn giao cho UBND huyện Vĩnh Lộc quản lý từ năm 2019. Phải khẳng định rằng, riêng với trường hợp Đền thờ, bia ký Trịnh Khả, nếu không có sự vào cuộc của bà con trong dòng họ thì rất có thể đền thờ đã không được bảo vệ. Thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục kêu gọi kinh phí để hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình như: tiền đường, trung đường, khuôn viên.

Nếu Đền thờ, bia ký Trịnh Khả nhờ có sự huy động nguồn xã hội hóa mà được bảo vệ thì với di tích đền bà Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần bằng nguồn ngân sách của Nhà nước, sau khi trùng tu đã phát huy được giá trị di tích. Đền thờ Quốc Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần tại thôn Thượng Vôi, xã Xuân Hòa có từ thế kỷ thứ 15. Tương truyền, đền thờ trước đây được làm bằng gỗ, gồm 5 gian, chạm trổ hoa văn, mái lợp ngói mũi, nhà hậu cung 3 gian, bằng gỗ lợp ngói. Năm 2015, đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ông Trịnh Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Năm 2020, bằng nguồn ngân sách của huyện và tỉnh là 15 tỷ đồng, nhà tiền đường, hậu cung đã được xây dựng khang trang hơn nhiều. Trong khuôn viên rộng 4.500m2, đền thờ luôn được trông coi, đáp ứng nhu cầu của bà con Nhân dân và khách thập phương. Đặc biệt, hằng năm, ngày 24-3 âm lịch, ngày húy kỵ của bà cũng trở thành ngày lễ hội để Nhân dân đến đây chiêm bái, tìm hiểu về di tích và cuộc đời Quốc thái mẫu.

TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã từng khẳng định: “Trùng tu di tích là nghề chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt”. Bởi vậy mà công việc này không hề dễ dàng, đặc biệt với Thanh Hóa, tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Riêng di sản vật thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.535 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có 856 di tích đã được xếp hạng các cấp gồm đầy đủ 4 loại di tích: di tích lịch sử; di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ; danh lam thắng cảnh. Từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, trong những năm qua đã có rất nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo. “Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đến nay Sở VH,TT&DL được giao làm chủ đầu tư 16 dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phục hồi các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt trọng điểm, gồm: 12 dự án chuyển tiếp từ những nhiệm kỳ trước và 4 dự án triển khai nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, 7 dự án hoàn thành, phê duyệt quyết toán; 5 dự án chuyển tiếp, khởi công mới và 4 dự án chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó là các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích do các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư. Cụ thể: Từ năm 2017 đến tháng 9-2023, có 170 di tích đã được lập hồ sơ bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo; trong đó, 126 di tích đã hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy giá trị (33 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và 93 di tích cấp tỉnh)”, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết. Nhìn vào con số thống kê ấy phần nào cho chúng ta thấy một vài tín hiệu đáng mừng về việc ứng xử với di sản, từ đó để di sản có thể phát huy giá trị.

Mỗi di sản văn hóa là một trầm tích, một chứng nhân quan trọng của lịch sử, ở đó người ta thấy được một thời kỳ văn hóa, thấy được truyền thống tốt đẹp và trí tuệ của cha ông. Đi qua thời gian, chiến tranh, điều kiện môi trường, các di tích khó tránh khỏi việc xuống cấp và hư hại. Là địa phương có số lượng di tích lớn, tỉnh Thanh Hóa dành nhiều sự quan tâm, vào cuộc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Để được như mong muốn là bài toán quá khó, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và Nhân dân.

Có số lượng di sản lớn và đa dạng (di tích lịch sử, tâm linh, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng...) với nhiều cấp quản lý (trong đó có cả di tích thuộc sở hữu cá nhân), những năm qua, huyện Thọ Xuân đã nỗ lực trong việc huy động các nguồn vốn và đa dạng cách làm. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Trùng tu di tích ngoài thủ tục khá phức tạp, còn có những khó khăn về kinh phí, cách thức tổ chức. Một công trình được trùng tu, tôn tạo bị điều chỉnh bởi rất nhiều quy định, có thể phù hợp với quy định này nhưng chưa phù hợp với quy định khác. Nguyên nhân chính của sai sót trong quá trình trùng tu là do khi tổ chức thực hiện chúng ta chưa nghiên cứu hết. Ngoài ra, quy định quá chặt chẽ nên có hiện tượng lướt, lách; do kinh phí không đủ, nên phải huy động từ nguồn vốn xã hội, mà các nhà tài trợ thì có tâm lý kiểu: “ai bỏ tiền người đấy có quyền có tiếng nói”.

Còn nhớ, năm 2007 khi trùng tu lớn Đền Lê Hoàn (làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân), có một câu hỏi cần được giải đáp nhưng đã tốn nhiều cuộc họp, nhiều người tham gia. Đó là có hay không có lưỡng long chầu nguyệt trên nóc đền? Căn cứ vào tư liệu lịch sử và tấm bia do Phùng Khắc Khoan soạn, đền thờ được xây dựng vào năm Hoàng Định thứ 2 (1602) triều vua Lê Kính tông. Theo giới chuyên môn, việc để 2 con rồng sẽ khiến nhiều người cho rằng đền mới được xây dựng từ thời Nguyễn. Trong khi ý kiến của cộng đồng dân cư là phải có lưỡng long chầu nguyệt, hình ảnh ấy họ đã nhìn thấy từ nhỏ và được nghe ông bà kể lại qua nhiều thế hệ.

“Đền Lê Hoàn được xây dựng và còn lưu giữ nhiều hiện vật thời Lê nhưng hai con rồng là kiến trúc của thời Nguyễn, phải chăng ngụ ý rằng thời Lê xây dựng nhưng thời Nguyễn đã có cuộc đại trùng tu và đưa dấu ấn vào. Từ điều này, chúng ta cũng nên nghĩ tới việc: Hai, ba trăm năm sau, thế hệ con cháu có thể nhận diện được dấu ấn nào là của thế kỷ XX mà chúng ta đã làm, đã tu bổ... để thể hiện sự quan tâm, ứng xử với di tích. Ngoài yếu tố gốc, còn có sự tiếp biến của mỗi thời kỳ khác nhau”, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, giải thích.

Di tích chỉ “sống” được khi nó có một “sức khỏe” thực thụ với một cái gốc vững chắc và những cành nhánh tỏa vươn. Điều đó đòi hỏi hệ thống chính quyền cần hiểu và ứng xử với di tích một cách văn hóa. Có thể khẳng định, những năm qua, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Kiều Huyền - Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]