(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi không nhớ đã bắt đầu và gắn bó với vị coffee phin tự bao giờ. Cái vị mỗi sáng nơi góc phố nhỏ tấp nập, nhộn nhịp. Một ly coffee từng giọt tí tách hòa chung cảm xúc cùng bản nhạc Trịnh không lời đã trở thành cái gì đó thân thuộc, nhuốm màu thương nhớ.

Dư vị coffee phin…

Tôi không nhớ đã bắt đầu và gắn bó với vị coffee phin tự bao giờ. Cái vị mỗi sáng nơi góc phố nhỏ tấp nập, nhộn nhịp. Một ly coffee từng giọt tí tách hòa chung cảm xúc cùng bản nhạc Trịnh không lời đã trở thành cái gì đó thân thuộc, nhuốm màu thương nhớ.

Dư vị coffee phin…

(Ảnh minh họa)

Sau những ngày bị “cô vít” phải cách ly, tôi lại nổ máy chiếc xe Dream cũ lang thang khắp những phố phường thân thuộc. Như con chim sổ lồng tìm lại cảm giác tự do, hít hà sự thoáng đãng, và xua đi nỗi nhớ!…

Đường Lê Lai là sự nhộn nhịp, đông đúc của nhiều trường học, chợ búa, khu dân cư. Đường Lê Hoàn khoác chiếc áo mới của sự tấp nập người mua, kẻ bán sau những ngày giãn cách. Đại lộ Lê Lợi được xem là đẹp nhất của đô thị xứ Thanh…

Hỏi còn con phố nào nhất thì đó là Hàng Than. Con phố của những quán cafe truyền thống.

Phố Hàng Than không thênh thang như những con phố sầm uất khác của TP. Thanh Hóa. Nó chật chội mà đến hai chiếc xe ô tô cỡ nhỏ cũng khó cựa mình tránh nhau. Tôi cố len mình thật sớm vào mỗi sáng cuối tuần để có một chỗ ngồi quen thuộc. Góc nhỏ với chiếc bàn gỗ lim xưa cũ, giản dị được chủ quán sưu tầm, bày biện. Tôi không quan tâm không gian bên trong quán thế nào, nhưng không gian qua khung cửa với dòng người tấp nập qua lại thì gợi cho tôi nhiều chiêm nghiệm.

- Chị cho em một ly coffee phin nâu đá nhé!

Một vài lần và dần thành thói quen, chị phục vụ không cần hỏi nữa. Thực ra tôi không quá sành sỏi về coffee. Tôi chỉ là thích uống coffee phin và cảm nhận nó theo cách riêng của mình.

Có lần tò mò tôi hỏi một ly coffee phin pha ngon phải pha như thế nào, chị chủ quán mỉm cười khi bảo đó là bí quyết riêng, song có thể nôm na: để pha một ly coffee đúng vị, người ta sử dụng một lượng coffee được rang, xay cho vào phin tùy theo sở thích của từng người mà lượng coffee đậm, nhạt khác nhau. Một lượng nước sôi vừa đủ, qua phin, coffee sẽ được chiết xuất thành từng giọt, cho ra một ly có màu nâu đậm.

Với nhiều người, họ thích coffee đen đá, bỏ ít đường. Tôi thì nhất quyết phải cho thêm chút sữa đặc. Cái vị đăng đắng, đầm đậm của coffee hoà với sự ngọt ngào của sữa đọng lại nơi đầu lưỡi nồng nàn mà ngây ngất…

Tìm hiểu thêm về văn hóa coffee phin, tôi nhớ trên một trang mạng xã hội có nói: Coffee được du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp. Nhưng cách pha chế và thưởng thức coffee thì lại ghi dấu ấn riêng biệt của người Việt Nam. Coffee phin Việt Nam đã trở thành một đặc trưng văn hóa riêng mà không lẫn với quốc gia nào.

Bao năm vẫn vậy, dù nhịp sống hiện đại khiến mọi thứ trở nên xô bồ, gấp gáp, con người ta chẳng có nhiều thời gian để chờ đợi để có một ly coffee phin mà lựa chọn cho mình những ly coffee pha sẵn, pha qua máy. Riêng tôi và đâu đó ở góc quán thân thuộc này vẫn còn đó những người chung sở thích - một ly coffee phin, nâu đá.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]