Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, công nghệ theo yêu cầu mới
Để đáp ứng nhu cầu, bắt nhịp với xu thế ngày càng đổi mới từ thực tiễn, thời gian qua các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư một cách mạnh mẽ các trang thiết bị, máy móc công nghệ.
Các cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đang nỗ lực đầu tư trang thiết bị, máy móc.
Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1); sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.
Ông Trần Xuân Bình, Trưởng khoa thực hành Trung tâm Dạy nghề - Đào tạo, sát hạch lái xe (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết: Việc đầu tư trang thiết bị, máy móc là một trong những yêu cầu, xu hướng tất yếu. Hiện tại Trung tâm đang nỗ lực thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, phòng máy được xây dựng bổ sung đảm bảo về quy mô diện tích, không gian phù hợp theo quy định, sẵn sàng lắp đặt và đưa vào vận hành các máy móc, trang thiết bị phần mềm mô phỏng, cabin học lái ô tô…
Cũng theo ông Bình, để đáp ứng được yêu cầu trong công tác đào tạo, sát hạch, đơn vị luôn chủ động và không ngừng đầu tư một cách mạnh mẽ việc thực hiện việc lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát bài lý thuyết ngăn chặn tình trạng tiêu cực; các bài thi được giám sát trực tuyến qua hệ thống camera truyền dữ liệu trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Các phòng máy mới tại Trung tâm Dạy nghề - Đào tạo, sát hạch lái xe (Học viện Cảnh sát Nhân dân) được đầu tư.
Học viên Nguyễn Thị Hạnh (học viên tại Trung tâm Dạy nghề - Đào tạo, sát hạch lái xe, Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết: “Nếu sớm được áp dụng phần mềm mô phỏng, cũng như trang bị hệ thống cabin học lái, sẽ giúp cho học viên có thêm nhiều những trải nghiệm quý với các tình huống xảy ra trên đường, cũng như nắm bắt luật giao thông trước khi thực hành lái xe trên đường”.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông - Vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa) cho biết: Đơn vị hiện có khoảng hơn 2.000 học viên đang theo học, với tổng xe tập lái là 215 xe đào tạo, sát hạch. Thời gian qua, cùng với sự đổi mới chung, nhà trường cũng đã đầu tư cơ bản các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và sát hạch lái xe.
Đặc biệt, hàng năm đơn vị cũng tích cực trong việc thanh lọc phương tiện cũ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện xe mới…
Hiện tại nhà trường đang nỗ lực tiến hành lắp thiết bị giám sát hành trình trên đường và phần mềm mô phỏng lái xe.
Đánh giá về hiệu quả của việc lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe, ông Hải cho rằng, trang bị này sẽ góp phần đảm bảo việc học và đào tạo bằng lái xe ô tô diễn ra nghiêm túc và chất lượng.
Riêng phần mềm mô phỏng lái xe sắp tới sẽ được đưa vào giảng dạy cũng như là phần thi sát hạch thứ 4. Phần mềm sẽ mô phỏng các tình huống giao thông bằng công nghệ đồ họa 3D trên máy tính thành các đoạn video, clip với các nội dung như: Giao thông trên đường phố, giao thông trên đường giao thông nông thôn, giao thông trên đường cao tốc, giao thông trên đường núi, giao thông trên quốc lộ và các tình huống mô phỏng từ các vụ tai nạn giao thông điển hình đã xảy ra trong thực tế.
Cabin học tập lái 3D sắp tới sẽ được áp dụng trong dạy và học lái xe ô tô (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Sau khi hoàn tất việc trang bị lắp đặt thiết bị giám sát trên đường cũng như trang bị phần mềm mô phỏng lái xe, nhà trường sẽ tập trung đầu tư trang bị cabin học lái xe ôtô. Đây được đánh giá là phần việc lớn, đòi hỏi việc tìm hiểu nguồn cung máy móc công nghệ đảm bảo và các đơn vị phải có một nguồn kinh phí đầu tư lớn.
“Việc đưa mô hình cabin điện tử vào giảng dạy sẽ tạo ra những hiệu quả nhất định, giúp học viên nắm bắt cũng như sử dụng một cách thành thạo chân gia, hộp số, đề pa”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, thời gian qua các đơn vị phải trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cũng bởi vậy, Thông tư số 04 cũng cho phép các cơ sở đào tạo lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô để đào tạo lái xe ôtô trước ngày 31-12-2022, thay vì phải áp dụng từ 1-7-2022.
Được biết, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 8 đơn vị được cấp phép đào tạo, sát hạch lái xe. Sau khi Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22-04-2022 ra đời chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15-6-2022, các trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực đầu tư máy móc, phương tiện, sớm đưa vào giảng dạy theo quy định.
Sơn Đình
{name} - {time}
- 2023-11-29 09:35:00
Xây dựng văn hóa ứng xử cho thanh niên trên không gian mạng
- 2023-11-26 09:41:00
Đưa chuyển đổi số đến gần hơnvới người dân
- 2022-05-08 08:45:00
An toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt “lên ngôi” thời hậu COVID-19
Cách xóa số điện thoại và địa chỉ email khỏi kết quả tìm kiếm của Google
Bản nâng cấp Windows 11 giả mạo chứa đầy phần mềm độc hại
Hiệu quả chuyển đổi số ở Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân
Trường Đại học Hồng Đức đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số
Google cảnh báo người dùng cần gỡ bỏ 11 ứng dụng trên hệ điều hành Android ngay lập tức
Cách ngăn chặn hack điện thoại và loại bỏ những kẻ xâm nhập khỏi thiết bị di động
Kho lưu trữ Google Photos là gì và bạn nên sử dụng như thế nào?
Giải trí trên nền tảng số: Nhu cầu không thể thiếu của giới trẻ