(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số (CĐS) đối với 132 xã, phường, thị trấn theo Bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Chuyển đổi số cấp xã vì lợi ích của người dân

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số (CĐS) đối với 132 xã, phường, thị trấn theo Bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Chuyển đổi số cấp xã vì lợi ích của người dânHệ thống phòng họp không giấy tờ trong hội nghị (e - cabinet) tại UBND huyện Như Xuân.

CĐS là một trong những nhiệm vụ được các cấp chính quyền huyện Yên Định quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Bà Lê Thị Thúy, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Định, cho biết: Theo lộ trình, năm 2023, huyện Yên Định sẽ thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành CĐS đối với 4 đơn vị, trong quý I-2023, gồm xã Định Tân, xã Định Long, thị trấn Thống Nhất và thị trấn Quán Lào. Đồng thời, triển khai thực hiện CĐS tại 6 xã được UBND tỉnh giao hoàn thành trong năm 2023, gồm các xã Định Liên, Định Bình, Định Hòa, Định Hưng, Yên Phong và thị trấn Yên Lâm. Nội dung CĐS cấp xã tập trung vào các hoạt động chính là xây dựng hạ tầng số, giao tiếp với người dân, thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương, phát triển các dịch vụ thông minh.

Chuyển đổi số cấp xã vì lợi ích của người dânBộ phận một cửa UBND xã Định Long (Yên Định).

Xã Định Long là đơn vị được huyện Yên Định lựa chọn xây dựng xã thông minh. Ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Định Long, cho biết: Định Long đã hoàn thành 11/11 tiêu chí CĐS cấp xã trong năm 2022 và đang tiến hành xây dựng xã thông minh. Xã đã thành lập 5 nhóm zalo, nhằm thúc đẩy cải cách hành chính và gia tăng tương tác với người dân. Trong đó, nhóm chính quyền điện tử dành cho cán bộ xã, thôn; 4 nhóm còn lại dành cho 4 thôn (trưởng nhóm zalo là bí thư chi bộ thôn). Kể từ khi các kênh zalo ra đời, đã kết nối chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, tổ chức và người dân trên địa bàn; đồng thời, cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động của chính quyền địa phương tới người dân; cũng như trở thành kênh để người dân phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến với lãnh đạo xã.

Huyện miền núi Như Xuân xác định CĐS bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực. Do đó, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và CĐS bảo đảm tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu của địa phương. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp huyện, tổ giúp việc cho ban chỉ đạo CĐS của huyện, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy CĐS tại địa phương.

Chuyển đổi số cấp xã vì lợi ích của người dânBộ phận một cửa UBND thị trấn Yên Cát (Như Xuân).

Ông Lê Hải Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Xuân, cho biết: Việc ứng dụng các phần mềm công vụ đang được triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Điển hình là cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tiếp liên thông từ huyện xuống xã; hệ thống phòng họp không giấy tờ trong hội nghị (e - cabinet) tại UBND huyện. Đồng thời, triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; biên lai điện tử thay cho việc sử dụng biên lai giấy; bổ sung các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như: thẻ điểm danh thông minh, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, tích hợp thanh toán học phí qua VNPT Pay; thực hiện cài đặt các ứng dụng: vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hướng dẫn và cài đặt sử dụng ví điện tử VNPT Pay cho Nhân dân; lắp đặt thêm camera an ninh tại các thôn, khu phố…

Bên cạnh những kết quả đạt được, để quá trình CĐS được đẩy mạnh, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đang cần sự “tiếp sức” để tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện mục tiêu CĐS. Ông Lê Đình Huấn, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Cát (Như Xuân), chia sẻ: Là địa phương miền núi, khó khăn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chưa nhiều nên việc tiếp cận các nội dung CĐS còn nhiều hạn chế; nhân lực, cơ sở hạ tầng… cũng là vấn đề mà địa phương cần thêm sự hỗ trợ, đầu tư để triển khai các nội dung CĐS một cách đồng bộ, đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp CĐS chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS theo Bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa… Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, rất cần sự vào cuộc, tham gia tích cực của người dân vì lợi ích của chính người dân.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]