(vhds.baothanhhoa.vn) - Câu chuyện khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên đã phải ngừng ấn phẩm báo in trong 10 ngày, tòa soạn buộc phải hoàn thiện tiến trình chuyển đổi số (CĐS) gấp hơn dự kiến - chỉ trong một tuần. Không chỉ với Báo Thanh Niên, CĐS trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan báo chí ở Việt Nam lúc này.

Chuyển đổi số - Xu hướng của báo chí: Xu thế tất yếu

Câu chuyện khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát căng thẳng tại TP Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên đã phải ngừng ấn phẩm báo in trong 10 ngày, tòa soạn buộc phải hoàn thiện tiến trình chuyển đổi số (CĐS) gấp hơn dự kiến - chỉ trong một tuần. Không chỉ với Báo Thanh Niên, CĐS trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan báo chí ở Việt Nam lúc này.

Chuyển đổi số - Xu hướng của báo chí: Xu thế tất yếuSản xuất các tác phẩm đa phương tiện tại Studio Báo Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Lương

Tôi nhớ, hơn 20 năm trước, khi mới bước chân vào nghề báo. Hành trang đi cùng tôi rong ruổi trên những cung đường đi thực tế lúc bấy giờ chỉ là cuốn sổ tay, cây bút và máy ảnh nhỏ. Sau khi tác nghiệp, bản thảo được viết trên giấy trước khi gửi tòa soạn, sau đó thì gõ máy tính, in ra. Rồi thì gửi “email”… Tuy nhiên, khi tác nghiệp ở những vùng xa trung tâm, không có máy tính, không mạng internet thì phóng viên vẫn bắt buộc phải quay về tòa soạn để “sản xuất” tin bài. Giờ thì chuyện đó đã hoàn toàn thay đổi. Với những thiết bị công nghệ (máy tính xách tay, máy ảnh…) và mạng di động (3G, 4G) đã khiến việc tác nghiệp nhanh hơn rất nhiều. Thậm chí, với báo điện tử, “tốc độ” của thông tin còn được tính bằng phút. Điều này bắt buộc mỗi người làm báo, để tồn tại thì buộc phải tiếp nhận, học hỏi và thay đổi.

Không chỉ với người làm báo, với bạn đọc, cũng đã và đang diễn ra sự thay đổi về tiếp cận thông tin trên nền tảng số. Thay vì chỉ đọc báo giấy truyền thống, bạn đọc ngày nay hướng tới tiếp cận thông tin đa nền tảng. Cùng một nội dung có người thích đọc trên báo giấy, người lại thích nghe qua Podcast, có người lại muốn xem được cả hình ảnh, video, đồ họa… Không quá lời khi nói rằng, chỉ cần có công nghệ, “thế giới” (thông tin) đã ở trong tầm tay bạn.

Nắm bắt xu hướng, cùng tâm lý bạn đọc, hầu hết các tòa soạn đã có một cuộc cách mạng không chỉ về công nghệ mà cả tư duy làm báo. Trong khuôn khổ chương trình đào tạo “CĐS báo chí” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Google tổ chức, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, ở thời điểm hiện tại, vai trò của công nghệ là điều không thể phủ nhận. Báo chí không thể phát triển được nếu không có công nghệ song hành, đặc biệt trong một thế giới “Digital First” luôn thay đổi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, CĐS không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo.

Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11-2022, có hơn 500 nhà báo thuộc 182 cơ quan báo chí trên cả nước đã tham gia Chương trình đào tạo CĐS báo chí năm 2022. Đây là lần đầu tiên một chương trình đào tạo mang tính hệ thống toàn diện được triển khai nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng mới giúp các cơ quan báo chí Việt Nam xây dựng chiến lược và đổi mới kinh doanh để CĐS thành công. Điều đó càng khẳng định CĐS là xu thế tất yếu của đời sống báo chí hiện nay, là con đường mà các cơ quan báo chí “phải đi” để khẳng định vai trò, vị thế, chiếm lĩnh thị trường thông tin và bạn đọc trong bối cảnh truyền thông số nở rộ và cạnh tranh gay gắt như hiện nay

Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân: Có những người nghĩ rằng CĐS chỉ diễn ra ở những cơ quan báo chí lớn, rất quy mô và rất tốn kém; còn những cơ quan báo chí nhỏ thì không thể làm CĐS. Tuy nhiên, tôi cho rằng CĐS không phải là vấn đề quá phức tạp, quá rắc rối. Việc CĐS không hẳn là câu chuyện công nghệ hay tiền bạc. CĐS trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan báo chí cảm thấy cần phải làm thì sẽ làm. Phải CĐS thì mới giữ được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và thậm chí có thể tăng doanh thu.

Là cơ quan báo chí lớn của tỉnh, nhận thức rõ vai trò của CĐS trong giai đoạn hiện nay, Báo Thanh Hóa đã từng bước tiếp cận, thực hiện CĐS để nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa thông tin đến độc giả một cách nhanh nhạy, chính xác, đa dạng. Đồng thời từng bước đưa Báo Thanh Hóa phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.

Báo Thanh Hóa đã đưa vào vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học, xây dựng giao diện Báo Thanh Hóa điện tử và Chuyên trang Văn hóa & Đời sống tương thích với tất cả các thiết bị di động thông minh, thân thiện với người dùng; xây dựng, vận hành 2 fanpage của Báo Thanh Hóa điện tử và chuyên trang điện tử Văn hóa & Đời sống, 2 tài khoản Zalo Official; phân phối video trên kênh YouTube Báo Thanh Hóa, TikTok... Tất cả các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa đều được lan tỏa rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Báo Thanh Hóa cũng đã và đang xây dựng ứng dụng đọc Báo Thanh Hóa trên App Store và Google Play, giúp bạn đọc tiếp cận nội dung của Báo Thanh Hóa một cách nhanh nhất; đầu tư xây dựng hệ thống studio và thiết bị chuyên dụng để sản xuất bản tin video hằng ngày, tổ chức các chương trình đối thoại trực tuyến định kỳ hằng tháng; xây dựng phần mềm lọc tin và ứng dụng các mạng xã hội trong công tác xuất bản. Bên cạnh đó cũng đã xây dựng kho dữ liệu nội dung, đặc biệt là ảnh, video clip, từng bước thực hiện báo chí dữ liệu.

Việc chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử, mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, thay đổi phương thức tác nghiệp của phóng viên đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong đổi mới quy trình xuất bản các ấn phẩm và phân phối nội dung đến độc giả, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực của tỉnh.

Hiện nay quy trình xuất bản của Báo Thanh Hóa đã được số hóa một cách tối đa, ngoài 2 ấn phẩm điện tử, quy trình xuất bản 3 ấn phẩm in là báo hằng ngày, báo cuối tuần và báo hằng tháng cũng đã được số hóa. Lượng bạn đọc trên Báo Thanh Hóa điện tử duy trì ở mức 50.000 - 60.000 lượt đọc/ngày. Nhưng điều quan trọng hơn, rất nhiều cán bộ, phóng viên đã thay đổi cách tác nghiệp truyền thống sang tác nghiệp đa kỹ năng, một phóng viên có thể độc lập sản xuất các loại hình báo chí khác nhau từ tin bài cho báo in, báo điện tử đến video clip, infographics, E-Magazine, Mega Story, LongForm... Báo Thanh Hóa cũng mạnh dạn đầu tư, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất nội dung; phối hợp với các đối tác để tối ưu hóa và phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động cộng đồng…

Chia sẻ về chặng đường sắp tới, nhà báo Nguyễn Việt Ba, Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa cho biết: Quan điểm của Báo Thanh Hóa là sẽ tiếp tục có những đột phá, tiếp cận về công nghệ, đưa các ấn phẩm báo điện tử và các kênh quảng bá do Báo Thanh Hóa quản lý trở thành kênh thông tin nhanh, định hướng sớm, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo Thanh Hóa điện tử sẽ tăng cường thực hiện các bản tin truyền hình, chương trình đối thoại truyền hình trực tuyến, phóng sự ảnh, video clip, E-Magazine, Infographic. Đồng thời phát triển những thể loại báo chí mới như “bài báo phong cách tạp chí” hay “siêu tác phẩm báo chí”, xem đây là một trong những lợi thế cạnh tranh, thu hút độc giả, bắt kịp xu hướng phát triển của báo điện tử trên thế giới... Để làm tốt những yêu cầu đó, bên cạnh sự ủng hộ của tỉnh, của bạn đọc, sự nỗ lực của cán bộ, phóng viên, nhân viên trong tòa soạn, không thể thiếu yếu tố quan trọng đó là: CĐS.

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí, năm 2030 có 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ngày 8-5-2023 về Kế hoạch hành động triển khai chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hơn lúc nào hết, CĐS đang là vấn đề thiết thân, ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí.

Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]