(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội. Với du lịch, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng và cũng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Du lịch Thanh Hóa với chuyển đổi số

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội. Với du lịch, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng và cũng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Du lịch Thanh Hóa với chuyển đổi sốDu khách quét mã QR khi đến tham quan, trải nghiệm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Những điểm đến đi đầu

Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trải qua hơn 600 năm, tòa thành đá vĩ đại trên vùng đất xứ Thanh vẫn khiến hậu thế không khỏi ngỡ ngàng bởi kiến trúc, quy mô xây dựng. Tuy vậy, số lượng khách du lịch đến với di sản vẫn còn khá hạn chế, bởi nhiều nguyên nhân. Nhằm quảng bá, đưa hình ảnh của di sản đến gần hơn với du khách, năm 2018, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ bắt đầu đưa vào hoạt động trải nghiệm tham quan 3D.

Theo đó, nếu chưa có điều kiện về thăm di sản, hoặc vẫn còn thiếu thông tin về điểm đến, chỉ cần truy cập vào địa chỉ website “thanhnhaho.vn”, du khách sẽ được những trải nghiệm đầy đủ toàn cảnh di sản và vùng đệm, di tích phụ cận trên không gian ảo với thuyết minh rõ ràng, hình ảnh sống động, sắc nét. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Truyền thông và Khai thác dịch vụ du lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Chương trình tham quan 3D được bắt đầu với khu vực Hoàng thành (năm 2018); năm 2020 là Đàn tế Nam Giao, La Thành, di tích phụ cận trong vùng đệm di sản. Trung tâm đang bổ sung, hoàn thiện phòng chiếu phim với các thiết bị nghe nhìn hiện đại, mang đến cho du khách trải nghiệm toàn diện, tốt nhất khi về với di sản.

Cùng với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) năm 2019 cũng bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống tham quan 3D và thuyết minh tự động. Tham quan 3D, du khách có thể truy cập vào địa chỉ “ditichlamkinh.vn” và vào “Tham quan 3D”, toàn bộ thông tin, hình ảnh khu di tích Lam Kinh rộng lớn đã hiển hiện trước mắt. Riêng với tiện ích thuyết minh điện tử tự động, du khách có thể chủ động tham quan, tìm hiểu khu di tích mà có thể không cần đến hướng dẫn viên. Bằng việc sử dụng thiết bị thuyết minh tự động cầm tay để vừa tham quan, vừa nghe thuyết minh, tại mỗi điểm trong khu di tích đều có mã QR để du khách dùng điện thoại thông minh quét “mã vạch” cung cấp thông tin đầy đủ nhất về điểm đến. Tiện ích này đặc biệt phù hợp với những bạn trẻ yêu công nghệ, ưa khám phá. Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích Lam Kinh đánh giá: “Không gian tham quan 3D và thuyết minh điện tử tự động được xem là kênh quảng bá hình ảnh di tích vô cùng hiệu quả. Đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại, tập trung đông người. Ứng dụng hiện tại đã có trên app của hệ điều hành IOS (Iphone) với 2 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh). Trong thời gian tới, ban quản lý khu di tích đang xây dựng kế hoạch để có thể thêm ngôn ngữ thuyết minh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách về tham quan, tìm hiểu di tích”.

Tại TP Sầm Sơn, thời gian qua Viễn thông Thanh Hóa đã phối hợp với UBND thành phố, các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng cổng thông tin du lịch Sầm Sơn tại địa chỉ: “https://mysamson.vn” và xây dựng ứng dụng du lịch “Sam Son Tourism” trên thiết bị di động (App Store và CH play), các ứng dụng đã cập nhật, số hóa hệ thống các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, cửa hàng mua sắm, cơ sở dịch vụ thương mại... với những thông tin cơ bản về hình ảnh, địa chỉ, điện thoại liên hệ nhằm phục vụ nhu cầu khách du lịch khi về với Sầm Sơn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh

Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với những tiện ích “hình thành hệ sinh thái du lịch” và tạo sự tương hỗ giữa ba đối tượng: khách du lịch - cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo đó, đối với khách du lịch sẽ hỗ trợ tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác, nâng cao trải nghiệm, tiết kiệm thời gian, chi phí, tương tác trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu. Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh du lịch thông qua việc tương tác chăm sóc, phục vụ, đảm bảo an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới lạ, độc đáo; tự động hóa quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng; cắt giảm chi phí vận hành, tăng liên kết theo hệ thống, kiểm soát chất lượng dịch vụ; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến; tiếp thị, tư vấn, bán hàng, chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kết hợp thương mại điện tử… Và với cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số tăng hiệu quả quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng quản lý dịch vụ, hiện đại và chuyên nghiệp hóa công tác quảng bá, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính và các phản ánh, kiến nghị của khách du lịch.

Nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại Thanh Hóa, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Thời gian qua, ngành đã chủ động, tích cực tham mưu, triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về tiếp cận công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Hiện nay, ngành đang tham mưu tiến hành triển khai dự án xây dựng “Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả các chủ thể liên quan… Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa”.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone về thực hiện chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, đã nhấn mạnh: Mặc dù Thanh Hóa có tiềm năng du lịch lớn nhưng việc khai thác nhằm nâng cao vị thế ngành du lịch vẫn chưa tương xứng. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì sự hạn chế trong chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh là một “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ. Cũng tại buổi làm việc này, tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số ngành du lịch vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp đột phá để thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone triển khai thực hiện thí điểm xây dựng nội dung công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR); cài đặt ứng dụng du lịch thông minh để cung cấp thông tin cho khách du lịch ở bốn địa điểm: Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên và Pù Luông.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]