(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi năm, công ty đã thu mua từ 500 - 600 tấn nguyên liệu tre, luồng ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nhiều nhất là huyện Quan Sơn, Lang Chánh.

Đưa sản phẩm tre luồng ra thế giới

Mỗi năm, công ty đã thu mua từ 500 - 600 tấn nguyên liệu tre, luồng ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nhiều nhất là huyện Quan Sơn, Lang Chánh.

Đưa sản phẩm tre luồng ra thế giớiSản phẩm tre của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bambo Vina tham gia Hội chợ triển lãm Hè “NY Now” 2022 tại Hoa Kỳ.

Tre, luồng trở thành sản phẩm OCOP

Những ngày cuối năm, xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina do anh Nguyễn Mạnh Cường làm chủ trở nên bận rộn, nhộn nhịp hơn so với những ngày thường. Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm và đón khách đến tham quan, mua sắm với đầy đủ các sản phẩm hàng gia dụng, đồ dùng trong gia đình… tất cả đều từ nguyên liệu tre, luồng, do những người thợ lành nghề tạo ra.

Anh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, anh từng theo đuổi nghề chế biến đũa tre, tuy nhiên, đây là sản phẩm sơ chế công nghệ thấp, giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao nên sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, anh đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua hệ thống máy móc chế biến nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng. Dây chuyền này có máy cắt luồng, chẻ luồng, vót nan thô, bào nan tinh, lăn keo, ép, hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt. Thành phẩm cuối của dây chuyền sản xuất là thớt tre, bàn ghế, mặt bàn, khay, hộp, sàn tre... có giá trị khá cao.

Mỗi năm, công ty đã thu mua từ 500 - 600 tấn nguyên liệu tre, luồng ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nhiều nhất là huyện Quan Sơn, Lang Chánh. Dưới bàn tay của người thợ, những cây tre, luồng được cắt khúc theo yêu cầu của sản phẩm, sau đó bào, ép, sấy, khắc, tạo hình, đánh bóng thành những sản phẩm đẹp, tinh tế, thiết thực và an toàn khi sử dụng. Hiện nay, nhu cầu của thị trường với sản phẩm nội thất từ tre, luồng khá rộng mở. Ngoài phục vụ nhu cầu nội thất gia đình, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina còn là khách hàng thân thiết của một số siêu thị, hệ thống cà phê Highlands toàn quốc. Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhận được sự khuyến khích, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina đã đạt chứng nhận OCOP. Từ năm 2021 đến nay, công ty có 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh, là một trong những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Đó là bộ sản phẩm dụng cụ nhà bếp (bao gồm thớt, khay, kẹp gắp, thìa, hộp đựng dao kéo); ghế mát xa thư giãn; hộp mứt; xe đạp tre; bộ bàn ghế gấp gọn. Đây là những sản phẩm đang được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và một số nước châu Âu. Sau hơn 5 năm hoạt động, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BamBoo Vina đã sản xuất trên 200 loại sản phẩm từ tre, luồng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng, tiện dụng và sáng tạo. Năm 2022, công ty đưa ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động, công ty nỗ lực tìm đầu ra, với nhiều hình thức từ bán hàng trực tiếp đến online, tham gia sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sen Đỏ... Hiện nay, các sản phẩm tre luồng đã giới thiệu trên kệ hàng quốc tế Amazon, Alibaba.

… Vươn ra thế giới

Hiện nay Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre, luồng lớn nhất toàn quốc với trên 128.000 ha. Trong đó, luồng 78.000 ha (chiếm 60,9%), nứa 28.500 ha (chiếm 22,3%), vầu 9.500 ha (chiếm 7,4%), còn lại 12.000 ha (chiếm 9,4%) là các loài tre nứa khác. Trung bình hàng năm khai thác trên 60 triệu cây luồng và 80 nghìn tấn nguyên liệu giấy ngoài gỗ, phục vụ xuất khẩu và chế biến, sản phẩm chủ yếu là đồ mỹ nghệ, đũa, tăm, nan, than hoạt tính, bột giấy, vàng mã... Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến có liên quan đến nguồn nguyên liệu là tre, nứa, luồng. Các cơ sở sản xuất, chế biến tre, luồng trong tỉnh chỉ mới tiêu thụ khoảng 45% sản lượng tre, luồng khai thác hàng năm (tiêu thụ khoảng 27 triệu cây tre, luồng, 36.000 tấn nguyên liệu giấy), 55% còn lại được thương lái thu mua, tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Các cơ sở chế biến sâu hiện có ít (7/57 cơ sở, chiếm 12,28%), các cơ sở chế biến còn lại chủ yếu tập trung sản xuất, chế biến tăm, đũa, giấy, chân hương, vàng mã,... Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn có vị thế tại các thị trường châu Âu và một số nước như: Mỹ, Nhật, Hàn… Ngoài việc tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia kết nối tiêu thụ tại các hội chợ được tổ chức tại các tỉnh: Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Quảng Bình... Đồng thời, tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.

Đưa sản phẩm tre luồng ra thế giớiCông ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina, xã Yến Sơn (Hà Trung) là doanh nghiệp có 5 sản phẩm từ tre luồng đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021 - 2022.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bambo Vina cho biết, vừa qua từ ngày 14 đến 17-8-2022, công ty đã tham gia Hội chợ triển lãm Hè “NY Now” 2022 tại Hoa Kỳ, là một trong 8 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

Cùng với việc sản xuất các đơn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bambo Vina đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham dự Hội chợ Ambiente Frankfurt 2023 tại Đức. Đây là hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về lĩnh vực hàng tiêu dùng được tổ chức 1 năm/lần và Bambo Vina là doanh nghiệp duy nhất tại Thanh Hóa góp mặt tại hội chợ.

Có thể nói, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, các sản phẩm từ tre luồng nói riêng đã và đang được thị trường nước ngoài đánh giá cao. Việc tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới góp phần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, qua đó khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ tre luồng có chỗ đứng trên thị trường thế giới, hơn hết các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới mẫu mã, chất lượng, đồng thời các ngành chức năng từ Trung ương, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Được biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, nguồn vốn các chương trình khuyến nông của tỉnh Thanh Hóa sẽ dành nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]