(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, để giữ vững chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số. Chủ trương này đã và đang mang đến sự đổi mới tích cực, không những tạo động lực cho mỗi nhà trường mà còn khơi dậy niềm đam mê, yêu thích giảng dạy, học tập ở cả giáo viên và học sinh.

Kỳ vọng ở chuyển đổi số

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, để giữ vững chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số. Chủ trương này đã và đang mang đến sự đổi mới tích cực, không những tạo động lực cho mỗi nhà trường mà còn khơi dậy niềm đam mê, yêu thích giảng dạy, học tập ở cả giáo viên và học sinh.

Kỳ vọng ở chuyển đổi sốBảng thông minh giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Giờ đây, mỗi giờ học tại Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đã trở nên sinh động, thú vị hơn trước rất nhiều khi có sự trợ giúp đắc lực của phòng học thông minh. Dự một tiết Tin học của học sinh lớp 11A6, chúng tôi nhận thấy kiến thức được truyền đạt dưới nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, kết hợp cùng các thiết bị thông minh, giáo viên không cần phải viết bảng, hạn chế thuyết giảng một chiều, tăng cường sự tương tác qua lại với học sinh. Thầy Lê Xuân Nam, giáo viên Tin học, Trường THPT Hàm Rồng, cho biết: “Học sinh học môn Tin tại phòng học thông minh được trực tiếp thực hành dưới sự hướng dẫn, giám sát từ giáo viên. Các bài giảng được thể hiện trực quan sinh động, giúp kích thích quá trình tư duy và ghi nhớ của học sinh. Việc giao và chấm bài tập cũng trở nên đơn giản, tiết kiệm thời gian. Thông qua hệ thống máy tính, giáo viên chủ động theo dõi và nắm bắt quá trình tiếp thu kiến thức của từng em, từ đó có sự điều chỉnh, để học sinh hiểu bài hơn. Không những thế, việc kết nối internet giúp cho tiết học có chiều sâu và mở rộng kiến thức với việc thường xuyên cập nhật thông tin công nghệ mới từ kho dữ liệu trên mạng internet”.

Ở Trường THPT Hàm Rồng, không chỉ môn Tin mà các môn học khác như Tiếng Anh, Lịch sử, Hóa, Lý... cũng được giảng dạy ở phòng học thông minh. Khi khai thác lợi ích từ kho dữ liệu trên mạng internet, tiết học không diễn ra đơn điệu, một chiều như trước, thoát khỏi cách dạy chay, học chay. Thầy Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, chia sẻ: “Chuyển đổi số trong giáo dục là điều cần thiết, là cơ hội để mỗi nhà trường vươn lên khẳng định chất lượng dạy và học. Theo đó, nhà trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khích lệ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Hiện tại, nhà trường đã hoàn thiện 10 phòng học thông minh, trong đó có 1 phòng học loại 1 và 9 phòng học loại 2, các phòng được trang bị hệ thống máy tính, bảng thông minh, hệ thống loa... Thông qua chuyển đổi số đã giúp tăng cường sự kết nối giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh và phát huy tối đa kiến thức bài giảng khi việc học không bị bó hẹp trong 45 phút mà vẫn được tiếp tục qua nhiều kênh thông tin khác”.

Việc chuyển đổi số trong dạy và học cũng đã được Trường THCS Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) chú trọng thực hiện. Từ năm học 2017 - 2018, nhà trường đã áp dụng một số phần mềm phục vụ việc quản lý, tuyển sinh, đánh giá xếp loại học sinh, đánh giá giáo viên, bồi dưỡng trực tuyến... Đồng thời động viên giáo viên tự trang bị thiết bị công nghệ cá nhân, tìm hiểu và sử dụng thành thạo các mạng xã hội như: Zalo, facebook... làm công cụ kết nối giữa nhà trường và giáo viên, giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thầy Lê Sỹ Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết “Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu để nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường đã giúp tôi tiết kiệm được thời gian, công sức khi không phải đến từng lớp để kiểm tra như trước đây, việc quản lý, giám sát học sinh được thực hiện hoàn toàn trên máy tính. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm “tạm dừng việc đến trường, không dừng học”, ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng triển khai học trực tuyến. Trong đó, nhiều giáo viên đổi mới phương pháp dạy học bằng việc tận dụng các hội nhóm trên mạng xã hội, phân loại từng đối tượng học sinh và đi kèm bài tập, hướng dẫn cụ thể. Trong giờ học, giáo viên và học sinh tăng cường tương tác, thảo luận, giải đáp thắc mắc, trình chiếu bài giảng thích hợp cho các bạn cùng tham khảo, nên hiệu quả trong mỗi giờ học được nâng cao rõ rệt”.

Từ thực tế tại Trường THPT Hàm Rồng và Trường THCS Hoằng Ngọc cho thấy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, giảng dạy đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Khoa học công nghệ không những là “trợ thủ đắc lực” đáng tin cậy với mỗi nhà trường trong hoạt động quản lý và giảng dạy, mà còn là “chất xúc tác” khơi nguồn cảm hứng, kích thích đam mê học tập cho học sinh. Những tiết học trực quan sinh động, sự tương tác kết nối không giới hạn giữa các nhà trường, kiến thức mới mẻ được cập nhập liên tục, kinh nghiệm học tập đa dạng của những học sinh giỏi được chia sẻ trực tiếp thông qua kết nối mạng,... giúp giờ học trở nên sinh động, phong phú. Từ đó giúp học sinh dễ hình dung, ghi nhớ sâu và kích thích sự tìm tòi, tăng cường khả năng sáng tạo.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, từ cuối năm học 2019 - 2020, Sở đã triển khai thí điểm phòng học thông minh tại một số trường trên địa bàn TP Thanh Hóa, gồm: THPT Hàm Rồng, THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, THCS Trần Mai Ninh, THCS Điện Biên... Qua đánh giá khảo sát bước đầu, nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều thích thú, đánh giá cao khi áp dụng mô hình này.

Cũng phải khẳng định rằng, chuyển đổi số đang mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, song cũng gặp không ít khó khăn, mà lớn nhất là vấn đề kinh phí đầu tư. Điều đáng ghi nhận là nhiều trường học đang nỗ lực, cố gắng tranh thủ nguồn lực từ xã hội hóa tự trang bị, mua sắm máy móc để từng bước thực hiện. Bởi các trường đều hiểu rõ chuyển đổi số trong thời đại hiện nay là yêu cầu bắt buộc, giải pháp hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]