(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu quan trọng  trong đời sống người dân hiện nay. Một thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân dùng mạng xã hội cao trên thế giới. Dẫu vậy, từ thực tế sử dụng mạng xã hội cũng cho thấy, văn minh sử dụng - ứng xử trên mạng xã hội vẫn là câu chuyện khiến mỗi người Việt dùng mạng xã hội có trách nhiệm phải suy nghĩ.

Mạng ảo - đời thực và chuyện văn minh trên mạng xã hội

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu quan trọng trong đời sống người dân hiện nay. Một thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người dân dùng mạng xã hội cao trên thế giới. Dẫu vậy, từ thực tế sử dụng mạng xã hội cũng cho thấy, văn minh sử dụng - ứng xử trên mạng xã hội vẫn là câu chuyện khiến mỗi người Việt dùng mạng xã hội có trách nhiệm phải suy nghĩ.

Mạng ảo - đời thực và chuyện văn minh trên mạng xã hộiĐể tạo nên một cộng đồng mạng văn minh thì bản thân mỗi người cũng phải học cách ứng xử văn minh khi tham gia các mạng xã hội. Ảnh minh họa: Khánh Lộc

Bóc phốt - chửi bậy và họa từ miệng mà ra

Theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam: “Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến tháng 9-2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet và tỉ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng internet hàng ngày lên tới 94%”.

Dẫn ra như vậy để thấy rằng, tỉ lệ người dùng internet - mạng xã hội ở Việt Nam là rất cao. Đây có thể xem như tín hiệu vui, lợi thế trong thời đại số cũng như yêu cầu về việc chuyển đổi số hiện nay.

Trong sự phát triển của khoa học công nghệ, các nền tảng mạng xã hội cũng theo đó mà phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Tại Việt Nam, các nền tảng mạng xã hội phổ biến như facebook, tiktok, zalo… thu hút số lượng người dùng cực lớn. Mạng xã hội là nơi để mỗi người sử dụng trao đổi thông tin, giải trí và tự do thể hiện mình (trong khuôn khổ pháp luật quy định). Không chỉ vậy, các nền tảng mạng xã hội còn là một kênh để các doanh nghiệp, cá nhân… kinh doanh, kiếm tiền. Nhưng nếu chỉ có vậy, “cõi” mạng có lẽ đã bình yên.

Đã có nhiều người sử dụng xem “không gian mạng” là nơi để… buôn chuyện, trút giận, chửi bới, bóc phốt, xúc phạm nhau bằng nhiều hình thức. Có lẽ người ta vẫn nghĩ, “mạng ảo” mà nên cứ chửi, cứ xúc phạm nhau đi, nào ai làm gì được mình?! Với sự “vào hùa” của cộng đồng mạng, người ta lôi kéo nhau cùng chửi, cùng phán xét và thậm chí tự cho mình quyền trở thành “quan tòa mạng”. Và dường như không ít người dùng còn hả hê vì chút cảm xúc “ảo” mang lại. Dẫu vậy, mạng ảo nhưng đời là thực, quy định pháp luật cũng là thực.

Việc nhiều người sử dụng mạng xã hội “ngộ nhận” về quyền năng của mạng xã hội để rồi vô tình hay cố ý tự biến mình thành người vi phạm pháp luật là thực tế hiện nay. Không ít người được cho là có “tầm ảnh hưởng”, với hàng trăm nghìn người theo dõi trên mạng xã hội, mỗi “tút” viết ra “dù đúng hay sai” nhưng nhờ khả năng “dẫn dắt” cộng đồng mạng mà có hàng nghìn, hàng vạn lượt “like”, bình luận ủng hộ. Nhưng, đứng trước quy định pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng.

Vì vậy, không ít người dùng mạng xã hội đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, cùng với đó là những vụ án bị khởi tố. Đỉnh điểm là vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam và một số đối tượng liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Khi quyền tự do ngôn luận đi quá giới hạn, vượt ra khỏi quy định pháp luật - người dùng mạng xã hội vướng vòng lao lý là điều không thể tránh khỏi.

Nhớ lại câu chuyện bà Nguyễn Phương Hằng, có lẽ nhiều người dùng mạng xã hội vẫn chưa quên được những tháng ngày bà cùng “ê kíp” ròng rã tổ chức các buổi livestream để chửi bới, bóc phốt những cá nhân, tổ chức… mà bà cho rằng lừa đảo, gian dối. Phải khẳng định bà Nguyễn Phương Hằng là một phụ nữ hoạt ngôn, có tài dẫn dắt chuyện. Bằng chứng là những buổi livestream của bà thu hút hàng vạn lượt xem, thậm chí ở thời điểm đó không ít người còn ví rằng “tỉ suất” người xem livestream của bà là con số mơ ước của nhiều kênh truyền thông. Nhưng rồi, chính bà Phương Hằng đã “vượt quá giới hạn” mà lẽ ra với một người như bà cùng sự hậu thuẫn của những người được cho là hiểu biết pháp luật phải nhận ra trước hết.

Mọi sự vượt quá giới hạn cùng sai lầm đều phải trả giá - dù rằng đó là “giới hạn” trên không gian mạng. Mới nói, mạng ảo nhưng đời là thực.

Văn minh trên mạng xã hội: Tại sao không?

Nếu như Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người dùng internet rất cao trên thế giới. Thì cũng theo một khảo sát vẫn còn chưa cũ: Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (theo báo điện tử VOV dẫn khảo sát của Microsoft). Sự “chưa văn minh” trên không gian mạng được chỉ ra qua nhiều hành vi phổ biến như chửi bới, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ…

Trong khi, chúng ta nỗ lực xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam văn minh, thân thiện, mến khách thì ở trên không gian mạng một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội lại cho thấy một “cộng đồng mạng” kém văn minh.

Khi biết đến khảo sát này, tôi tin rằng tất cả người Việt Nam có tự trọng đều không vui, thậm chí đôi phần xấu hổ. Ta tự vấn chính mình, đã bao giờ vì lý do nào đó mà mình đã vô tình hay cố ý “góp phần” vào sự kém văn minh trên không gian mạng đó hay chăng?!

Chợt nhớ đến câu nói của cổ nhân xưa, đại ý: bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Câu nói răn dạy con người phải biết nói đúng lúc đúng chỗ, điều cần nói thì hãy nói, điều không nên nói thì đừng nói kẻo gây họa cho chính mình. Và để dạy con người việc “nói chuyện”, dân gian Việt cũng có thành ngữ: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Trong đó “học nói” quan trọng thứ hai, chỉ sau học ăn. Như vậy để thấy rằng, từ xa xưa người Việt vốn đã cực kỳ coi trọng việc nói, phát ngôn. Bởi lời nói ra như bát nước đổ đi, không thu lại được. Những tưởng xã hội càng tiến bộ, phát triển thì con người càng phải coi trọng - cẩn trọng trong từng lời ăn, tiếng nói của chính mình.

Nếu như, để sử dụng mạng xã hội thì mỗi người chỉ cần một điện thoại kết nối internet thì để trở thành một công dân văn minh trên không gian mạng, mỗi người dùng có lẽ phải cần nhiều hơn thế. Và theo lời dạy của người xưa, ngay cả trên không gian mạng, có phải chúng ta cũng nên bắt đầu từ chuyện “học nói”.

Chúng ta đều phải hiểu, tự do ngôn luận, tự do internet không đồng nghĩa với lộng ngôn. Đã đến lúc, mỗi người sử dụng mạng xã hội phải tự trang bị cho mình kỹ năng cần thiết, không chỉ vì chính mình, mà còn góp phần tạo nên một “cộng đồng mạng” văn minh.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]