(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng CNTT, đầu tư hạ tầng mạng, trang thiết bị ngoại vi, phần mềm ứng dụng... để không chỉ quản lý, điều hành mà còn rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế: Nhìn từ chuyển đổi số

Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng CNTT, đầu tư hạ tầng mạng, trang thiết bị ngoại vi, phần mềm ứng dụng... để không chỉ quản lý, điều hành mà còn rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế: Nhìn từ chuyển đổi sốNgười dân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được hưởng các tiện ích từ việc ứng dụng CNTT của bệnh viện.

Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn tiên phong chuyển đổi sang sử dụng phần mềm thông tin quản lý bệnh viện (HIS) 6.0 của Công ty TNHH Minh Lộ, thay cho phần mềm 3.0 đã được sử dụng từ năm 2012. Với phần mềm mới này, cho phép quản lý, điều hành công tác khám, chữa bệnh, quản lý thuốc, vật tư, hóa chất, thanh toán viện phí... một cách khoa học, nhanh gọn. Cùng với đó, đơn vị triển khai một số phần mềm chuyên sâu như: Hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm (LIS); hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS). Đây được xem là tiền đề cho việc triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn còn ứng dụng phần mềm phát số, gọi tên bệnh nhân; phần mềm chăm sóc bệnh nhân. Trong đó, với phần mềm chăm sóc bệnh nhân, người bệnh không chỉ được chăm sóc trong quá trình khám, điều trị mà còn cả sau khi ra viện. Thông qua phần mềm này, “khách hàng” sẽ được nhắc nhở về việc tái khám định kỳ, theo dõi tình trạng sức khỏe; có quyền được đóng góp ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề còn tồn tại, chưa hài lòng đối với y bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện... Điều này không chỉ giúp người bệnh và người nhà bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi đến điều trị tại cơ sở y tế, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, thái độ phục vụ của nhân viên bệnh viện. Đồng thời, giúp cho lãnh đạo đơn vị có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, từ đó kiểm soát tốt chất lượng dịch vụ. Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn còn đưa vào hoạt động hiệu quả phòng hội chẩn trực tuyến. Phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương, như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Nhi Trung ương... trong việc chẩn đoán bệnh, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho người bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn đang ứng dụng hơn 10 phần mềm, nhằm phục vụ cho hoạt động của bệnh viện. Tự động hóa từ ba-ri-e ngoài cổng đến hệ thống nước, điện chiếu sáng... Th.S, BSCKII Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc bệnh viện, chia sẻ: “Ứng dụng CNTT - các phần mềm giúp cho mọi thứ được công khai, minh bạch và chính xác, kịp thời. Từ đó, cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu tư nhân lực, nâng cao chất lượng khám, điều trị, mang đến sự hài lòng cho người bệnh. Và hiệu quả kinh tế cũng là điều cần được nói đến. Đương nhiên, việc áp dụng các phần mềm cần phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi bệnh viện và có lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể”. Nhờ ứng dụng các phần mềm hỗ trợ đã góp phần rút ngắn thời gian thăm, khám ngoại trú cho người bệnh. Trung bình, mỗi người bệnh khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn chỉ mất khoảng 2 giờ cho việc khám, lấy kết quả, thay vì 3 giờ đồng hồ như trước đây; đối với bệnh nhân nội trú, việc đợi thanh toán viện phí cũng không quá 30 phút. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn phục vụ khám ngoại trú cho khoảng 500 bệnh nhân, ngày cao điểm nhất lên tới hơn 900 bệnh nhân; số giường điều trị nội trú theo kế hoạch là 320 giường, số giường thực kê là 441 (bệnh nhân nằm điều trị tại đây thường giao động từ 380 - 400).

So với một số bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thành lập muộn hơn. Tuy vậy, từ rất sớm, lãnh đạo bệnh viện đã chú trọng đến việc ứng dụng CNTT, các phần mềm vào hoạt động quản lý. Hiện Bệnh viện Nhi đã 3 lần thay đổi phần mềm quản lý, nhằm mục đích quản trị và mang đến cho người bệnh chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn. Với bệnh nhân đến khám ngoại trú, từ việc lấy số, đăng ký khám đến gọi tên đều đã được tự động hóa trên máy. Vì thế, dù bệnh nhân đông nhưng không còn cảnh chen ngang, xô đẩy ồn ào như đã từng xảy ra trước đây. Nói về vấn đề này, Th.S, BSCKII Hà Hoàng Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi, khẳng định: Việc ứng dụng phần mềm quản lý cũng như các phần mềm chuyên sâu đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi, khám bệnh được nhanh hơn, kê đơn rõ ràng... Đây cũng là cơ sở để Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng lộ trình quy định của Bộ Y tế.

Thời gian qua, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản: Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28-12-2017 quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 ban hành Bộ tiêu chí về ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Thông tư 46/2018/TT-BYT về hồ sơ bệnh án điện tử... Gần đây nhất, ngày 22-12-2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, mục tiêu đến năm 2025, có 15% và năm 2030 là 50% số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Về câu chuyện chuyển đổi số tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Tiến sĩ, BSCKII Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là ứng dụng CNTT một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại nhằm đưa đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe. Tại Thanh Hóa, y tế là ngành triển khai khá sớm việc ứng dụng CNTT vào quản lý ngành cũng như hoạt động khám, chữa bệnh của các bệnh viện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong ngành y tế tỉnh thời gian tới cũng được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, như sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng tại các cơ sở y tế; nguồn kinh phí đầu tư lớn; nguồn nhân lực CNTT ngành y tế hiện nay còn thiếu, chưa thực sự đảm bảo chất lượng cũng như yêu cầu đề ra... Để chuyển đổi số trong ngành y tế đạt được kết quả tích cực, rất mong có sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành liên quan. Trong đó, việc xây dựng đề án định hướng dài hơi (5 năm, 10 năm) là yêu cầu cần thiết...”.

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-6-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế được xếp ở vị trí thứ nhất trong nhóm các lĩnh vực cần ưu tiên.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]