(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời đại số, các thiết bị và ứng dụng công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, đặc biệt là với người trẻ. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích, câu chuyện làm thế nào để bạn trẻ có thể làm chủ, tránh bị công nghệ dẫn dắt đang là điều đáng quan tâm.

Người trẻ và kỹ năng sử dụng công nghệ

Trong thời đại số, các thiết bị và ứng dụng công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, đặc biệt là với người trẻ. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích, câu chuyện làm thế nào để bạn trẻ có thể làm chủ, tránh bị công nghệ dẫn dắt đang là điều đáng quan tâm.

Người trẻ và kỹ năng sử dụng công nghệỨng dụng công nghệ trong học trực tuyến tại Trường THPT Lê Lợi. (Ảnh chụp từ màn hình một tiết học)

Những góc nhìn

Đang là học sinh lớp 7 Trường THCS Tố Như (Hoằng Hóa), cháu Nguyễn Minh Anh cho biết: “Cháu không có điện thoại và máy tính cá nhân, cũng không có tài khoản mạng xã hội. Ngoài giờ học ở trường và nhà, thi thoảng bố mẹ có cho mượn điện thoại để vào mạng giải trí”. Nói về việc không dùng thiết bị công nghệ, Minh Anh cho biết: “Nếu có tài khoản facebook, zalo, cháu có thể dễ dàng tham gia các nhóm học tập, trao đổi thông tin với thầy cô và bạn cùng lớp. Nhưng vì không sử dụng, nên khi thầy cô, các bạn cần trao đổi vấn đề gì đó khi không ở trên lớp thì đều phải gọi điện cho bố mẹ. Trong khi đó, cháu cũng có nhu cầu về quyền riêng tư. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội cũng có những điều cần phải cẩn thận. Một bạn cùng lớp của cháu đã suýt bị “đánh” chỉ vì “thả” một “icon - biểu tượng” trên facebook một chị lớp trên”.

Vì lo lắng những “tác dụng phụ” của thiết bị và ứng dụng công nghệ làm ảnh hưởng đến việc học tập của con trai 14 tuổi, chị Hoàng Mai Huyền, phố Nam Sơn (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) trước đây luôn cấm con mình sử dụng smartphone khi đến trường cũng như không được tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chị đã cho cháu sử dụng máy tính và điện thoại. Chị Huyền cho biết: “Lo lắng con ham mê, lạm dụng công nghệ như nhiều phụ huynh thường than vãn, nên tôi phải thường xuyên kiểm tra lịch học, việc đăng nhập học cũng như giám sát việc học của con. Chỉ cần không kiểm soát, con đã có thể tranh thủ vào mạng xem tiktok, chơi game. Việc phải giám sát con sử dụng thiết bị công nghệ, thực sự cũng mệt mỏi”.

Khi “tiện lợi” và “bất cập” của thiết bị, ứng dụng công nghệ vẫn luôn song hành cùng nhau, thì việc cho con trẻ sử dụng, hạn chế sử dụng hay cấm sử dụng thiết bị công nghệ dường như vẫn là quyền quyết định của phụ huynh.

Không phụ thuộc vào việc bố mẹ cấm hay khuyến khích con trẻ sử dụng “thế giới” thiết bị, ứng dụng công nghệ vẫn luôn đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu, thậm chí là khơi gợi, định hướng nhu cầu cho người sử dụng. Từ thông dụng như máy tính, ipad, smartphone đến đồng hồ thông minh, tai nghe bluetooth, máy đọc sách… Mỗi thiết bị, với những tính năng vượt trội, tích hợp các ứng dụng luôn tạo được sức hấp dẫn với người sử dụng, nhất là với các bạn trẻ ưa khám phá.

Người lớn giữ vai trò quan trọng trong định hướng

Việc sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ không chỉ là nhu cầu, đó còn là xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không chỉ làm việc từ xa, dạy và học online cũng đang được các trường học trên cả nước từng bước thích ứng.

Nếu như thời gian trước, việc dạy và học online ở Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) chỉ diễn ra rải rác ở một số lớp, thì từ ngày 7-12, hơn 1.500 học sinh của nhà trường đã học online tại nhà. Để việc học online có thể diễn ra thì thầy cô giáo và học sinh đều phải được trang bị thiết bị công nghệ (máy tính, laptop, smartphone…). Cô Đỗ Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thông qua phần mềm học trực tuyến LMS của VNPT, việc học online mang đến những trải nghiệm “thực tế ảo” thú vị cho cả giáo viên và học sinh. Với thời khóa biểu công khai; quản lý bài tập về nhà; kiểm soát thời gian học sinh vào lớp, tham gia học tập… Hiện nay có trên 90% học sinh của Trường THPT Lê Lợi đã có thiết bị phục vụ việc học trực tuyến. Những em chưa có thiết bị thì khắc phục bằng việc học chung với bạn gần nhà”.

Người trẻ và kỹ năng sử dụng công nghệTrong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thiết bị và ứng dụng công nghệ đang hỗ trợ tích cực cho việc học của các em học sinh.

Băn khoăn về việc học sinh có lạm dụng thiết bị công nghệ, cô Đỗ Thị Hồng Hạnh cho rằng: “Lạm dụng dẫn đến nghiện công nghệ ở các bạn trẻ là điều không hiếm gặp. Nhưng thay vì cấm đoán con em sử dụng thiết bị công nghệ một cách cực đoan vì những lo lắng, thì người lớn nên định hướng, giám sát. Trong môi trường học đường, ngay khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn ra, việc học sinh sử dụng điện thoại phải tuân theo điều lệ trường học và sự hướng dẫn của giáo viên đứng lớp. Ở Trường THPT Lê Lợi, cùng với việc giảng dạy chuyên môn, thầy cô giáo luôn lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn các em sử dụng thiết bị công nghệ, pháp luật về an ninh mạng, đặc biệt là khi tham gia mạng xã hội, bởi đây là lứa tuổi dễ bị kích động, dẫn dắt. Đôi khi chỉ vì hiểu lầm trên mạng xã hội có thể dẫn đến mâu thuẫn ngoài đời thực. Vì vậy, cùng với giáo dục thì các biện pháp răn đe là cần thiết”.

Là chuyên gia về công nghệ, cũng là phụ huynh có con đang tuổi đến trường, ông Mạch Quang Tứ, Giám đốc phòng Khách hàng tổ chức doanh nghiệp (Trung tâm kinh doanh VNPT Thanh Hóa), cho rằng: “Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, việc người lớn ngăn cấm một cách cực đoan con trẻ sử dụng thiết bị - ứng dụng công nghệ vì những lo lắng như sợ con sẽ lạm dụng, nghiện công nghệ… là điều không nên. Thay vào đó, người lớn nên làm tốt việc định hướng, dẫn dắt trẻ sử dụng công nghệ một cách đúng đắn. Cha mẹ chỉ nên kiểm soát thời gian con sử dụng thiết bị công nghệ, hướng con đến những ứng dụng (app) phù hợp với lứa tuổi, phục vụ cho việc học tập, giải trí của con. Và để phòng tránh cho con trẻ không nghiện công nghệ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn, sự quan tâm của người lớn là rất quan trọng. Hướng dẫn con sử dụng thiết bị và ứng dụng công nghệ đúng cách sẽ giúp bạn trẻ hình thành kỹ năng trong thời đại số”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]