(vhds.baothanhhoa.vn) - Với những hóa đơn điện, nước, điện thoại… thay vì phải đến trực tiếp các điểm thu để nộp tiền mặt vào mỗi tháng, thì giờ đây, người dân chỉ cần tải các ứng dụng (app) về điện thoại thông minh (smartphone), mọi thứ trở nên nhanh gọn và tiện lợi. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đây là lựa chọn an toàn.

Thanh toán qua ứng dụng công nghệ: Tiện ích và an toàn

Với những hóa đơn điện, nước, điện thoại… thay vì phải đến trực tiếp các điểm thu để nộp tiền mặt vào mỗi tháng, thì giờ đây, người dân chỉ cần tải các ứng dụng (app) về điện thoại thông minh (smartphone), mọi thứ trở nên nhanh gọn và tiện lợi. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đây là lựa chọn an toàn.

Thanh toán qua ứng dụng công nghệ: Tiện ích và an toànSử dụng điện thoại thông minh, chị Lê Thị Hoa ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) có thể linh hoạt việc thanh toán các hóa đơn và cước dịch vụ ở mọi lúc, mọi nơi qua ứng dụng.

Tiện lợi các ứng dụng thanh toán

2 năm trở lại đây, chị Lê Thị Hoa ở phố Cù Chính Lan, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) đã không còn phải đến các điểm thu theo quy định để nộp tiền điện, nước... mỗi khi có thông báo của đơn vị cung cấp dịch vụ. Chị Hoa cho biết: “Cũng như nhiều gia đình sống ở đô thị, gia đình tôi sử dụng khá nhiều dịch vụ, như điện, nước, di động trả sau, internet… Vì thế, hàng tháng tôi đều phải “ghi nhớ” hạn nộp tiền nếu không muốn bị cắt dịch vụ. Trong đó, với các hóa đơn điện, nước thì còn phải đến địa điểm quy định để nộp tiền. Vào ngày nghỉ thì không sao, nhưng nếu ngày đi làm, sẽ phải nhờ hàng xóm nộp hộ, rất bất tiện. Tuy nhiên, kể từ khi sử dụng việc thanh toán qua ứng dụng VNPT Pay, mọi thứ đã trở nên đơn giản và nhanh gọn, tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Tôi có thể thanh toán hóa đơn dịch vụ ngay tại nhà, ở cơ quan hay bất kỳ đâu”.

Theo đó, chỉ với một chiếc smartphone (hệ điều hành iOS hoặc Android), khách hàng vào “kho ứng dụng” tìm kiếm ứng dụng VNPT Pay tải về máy, đăng ký tài khoản, đăng ký dịch vụ và có tài khoản ngân hàng (có đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking; Mobile Banking). Mọi thao tác thanh toán hóa đơn, cước phí dịch vụ trên điện thoại vô cùng dễ dàng. Nếu khách hàng cài đặt thanh toán tự động thì tiền sẽ được tự động trừ và báo về máy điện thoại, thuận tiện cho việc kiểm tra, quản lý.

Tương tự, với chị Hồ Thị Hằng, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), việc thanh toán hóa đơn dịch vụ (điện, nước, internet, truyền hình…) cũng trở nên tiện lợi hơn kể từ khi chị tải về máy điện thoại ứng dụng ZaloPay. Chị Hằng chia sẻ: “Chồng làm công chức nhà nước, còn tôi thì thường xuyên phải trông cửa hàng buôn bán. Vì thế, đối với các dịch vụ thiết yếu sử dụng trong gia đình, ngoại trừ internet và truyền hình tôi nộp trước cả năm; còn hóa đơn điện, nước chủ yếu nhờ bố mẹ chồng đến các điểm thu để nộp hộ. Nhưng từ khi được một người bạn giới thiệu và hướng dẫn sử dụng tiện ích thanh toán thông qua ứng dụng ZaloPay, tôi thấy khá thuận lợi. Ban đầu cũng ngại vì cứ nghĩ khó sử dụng, nhưng dùng rồi mới thấy thực sự đơn giản”.

Thanh toán cước phí, hóa đơn sử dụng dịch vụ, mua hàng… thông qua các ứng dụng với sự tiện lợi, nhanh gọn, dễ sử dụng đã không còn xa lạ với nhiều người dân. Đây cũng là xu hướng trong thời đại 4.0. Nắm bắt điều này, có rất nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh đã ra đời. Có thể kể đến, như: VNPT Pay; ZaloPay; MoMo; ViettelPay… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Quan trọng là phải thay đổi thói quen

Không chỉ mang đến sự tiện lợi, nhanh gọn, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, việc tuân thủ nghiêm túc quy định “5K” để phòng chống dịch, cần hạn chế tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc và thanh toán tiền mặt, thanh toán thông qua các ứng dụng còn là sự lựa chọn an toàn.

Bà Lương Thị Liên, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) là cán bộ y tế đã nghỉ hưu. Hàng tháng, bà vẫn duy trì thói quen ra các điểm thu theo quy định để nộp tiền hóa đơn điện. Nói về việc thanh toán hóa đơn thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, bà cho biết: “Điện thoại lâu nay chỉ để nghe, gọi và sử dụng các ứng dụng Facebook, YouTube, chứ chưa bao giờ giao dịch tiền bạc. Tôi sợ không biết dùng, lại dễ… mất tiền”. Đây cùng là tâm lý của nhiều người dân, đặc biệt là những người cao tuổi.

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc VNPT Thanh Hóa, nhìn nhận: “Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, nó có thể chỉ đơn giản như việc thay đổi thói quen trong thanh toán cước phí, hóa đơn, mua hàng… của người dân. Cuộc sống hiện đại, để sở hữu một chiếc điện thoại thông minh không khó, trong khi đó hầu hết các ứng dụng thanh toán sử dụng trên nền tảng điện thoại thông minh. Vấn đề chính là ở việc thay đổi và hình thành thói quen của người dân. Để đạt được hiệu quả tối ưu trong việc khuyến khích người dân sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến thì không thể chỉ là câu chuyện của riêng VNPT Pay hay bất cứ đơn vị cung cấp ứng dụng nào khác, mà cần có sự vào cuộc thực sự của các đối tác - nhà cung cấp dịch vụ (điện, nước...)”.

Thực tế, việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến không khó. Tuy nhiên, ngoại trừ một bộ phận người trẻ nhạy bén trong tiếp nhận và sử dụng các ứng dụng thì phần đa người có tuổi vẫn còn mang tâm lý “ngại tiếp nhận, ngại thử, ngại thay đổi”, chính “rào cản tâm lý” đã hạn chế tỷ lệ người dân dùng ứng dụng. Bên cạnh, để có thể sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến, điều kiện cần là mỗi người dân - khách hàng phải có tài khoản ngân hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Vĩnh, với ứng dụng VNPT Pay cho phép người sử dụng không chỉ thanh toán cước dịch vụ của VNPT (viễn thông, internet, truyền hình…) mà còn cả các dịch vụ thiết yếu trong đời sống hàng ngày của tất cả mọi gia đình (điện, nước, dịch vụ của các nhà cung cấp khác…), mua vé máy bay, vé xe, vé xem phim… Chỉ cần người sử dụng có tài khoản ngân hàng và tài khoản VNPT Pay, thao tác nhanh gọn, dễ hiểu. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có khoảng trên 70.000 người đã tải ứng dụng VNPT Pay; 15% khách hàng của VNPT đã sử dụng ứng dụng VNPT Pay để thanh toán cước phí, hóa đơn.

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng VNPT Pay để thanh toán, thời gian này có rất nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai, như: hoàn 20% giá trị hóa đơn (không quá 50.000 đồng) cho khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước qua ví VNPT Pay trong lần đầu sử dụng ứng dụng (từ 30-7-2021 đến 30-9-2021); giảm giá, khuyến mại các dịch vụ (từ 20%) của VNPT cho khách hàng đăng ký thanh toán qua ứng dụng.

Và cuộc đua khuyến mại nhằm giành thị phần khách hàng sử dụng ứng dụng cũng đang được các nhà cung cấp ứng dụng cạnh tranh với nhau. Như vậy, không chỉ nhanh gọn, an toàn, khách hàng sử dụng ứng dụng thanh toán trực tuyến còn được hưởng lợi về kinh tế so với các phương pháp thanh toán truyền thống.

Ở thời điểm hiện tại, với mỗi người dân, việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến là câu chuyện “chỉ lợi, không hại”. Tiết kiệm thời gian, tiền bạc, an toàn, tiện lợi… vậy nên chẳng có lý do gì để chúng ta không thay đổi.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]