(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong xu hướng tất yếu của chuyển đổi số (CĐS), việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang ngày càng được triển khai rộng rãi. Đặc biệt là tại những di sản - điểm đến trọng điểm trên địa bản tỉnh, CĐS đã thực sự tạo được những tiện ích và trải nghiệm hấp dẫn.

Văn hóa với chuyển đổi số: Từ những di sản - điểm đến

Trong xu hướng tất yếu của chuyển đổi số (CĐS), việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang ngày càng được triển khai rộng rãi. Đặc biệt là tại những di sản - điểm đến trọng điểm trên địa bản tỉnh, CĐS đã thực sự tạo được những tiện ích và trải nghiệm hấp dẫn.

Văn hóa với chuyển đổi số: Từ những di sản - điểm đếnEm Tào Khánh Lê hướng dẫn em gái khám phá Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ với “tham quan 360” trên máy tính.

Tào Khánh Lê (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) hiện đang là sinh viên Trường Đại học Y dược - Đại học Thái Nguyên cho biết: “Cách đây 2 năm, em có dịp lên thăm Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Được nghe thuyết minh về kỳ tích xây thành của cha ông xưa. Cũng trong lần tham quan này, em biết được, với những người chưa có điều kiện đến thăm tòa thành đá vẫn có thể “tham quan” di sản trên không gian mạng, chỉ cần thiết bị công nghệ. Bằng việc truy cập vào địa chỉ thanhnhaho.vn rồi “nhấp chuột” vào “tham quan 360” là đã có thể khám phá từ toàn cảnh đến chi tiết di sản, nhà trưng bày và các di tích phụ cận, hình ảnh sắc nét, sống động lại có âm thanh thuyết minh đi kèm, trải nghiệm tham quan trên không gian mạng cũng rất thú vị”. Và đây cũng là cách Tào Khánh Lê thường giới thiệu về Di sản Văn hóa thế giới trên vùng đất xứ Thanh đến bạn bè của mình.

Và “tham quan 360” chỉ là một trong nhiều ứng dụng công nghệ - CĐS tại Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Như khi đến đây, chỉ với chiếc điện thoại smartphone có tải ứng dụng, du khách có thể quét mã QR để tìm hiểu toàn bộ thông tin của địa điểm di tích mà mình đang dừng chân, chủ động tham quan di sản - di tích trong điều kiện không có thuyết minh viên đi cùng. Không quá lời khi nói rằng, có thiết bị công nghệ và ứng dụng CĐS, di sản đã ở trong tầm tay.

Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “CĐS bắt đầu được thực hiện ở Di sản Thành Nhà Hồ cách đây khoảng 4 năm. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã có các ứng dụng CĐS, như: Ứng dụng tham quan 3D (tham quan 360) trên nền tảng mạng xã hội và trên website của đơn vị; ứng dụng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số trong quản lý di sản; ứng dụng nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo để quảng bá di sản; tích hợp thông tin số hóa di sản trên bảng biển trực quan thông qua việc quét mã QR… Cùng với đó, CĐS tại Di sản Thành Nhà Hồ còn được thực hiện triệt để trong quản lý hành chính, đã số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ (công vụ và cá nhân) thay thế cho việc sử dụng giấy như trước đây. Điều này không chỉ tiết kiệm một phần kinh phí, mà còn nhanh, tiện lợi, hiệu quả”.

Cùng với Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cũng là điểm đến đã áp dụng hiệu quả các ứng dụng CĐS trong quản lý di tích và phục vụ khách tham quan.

Ngoài việc có thể “tham quan 360” từ xa và quét mã QR tại các địa điểm trong khu di tích, du khách đến Lam Kinh còn được “phục vụ” qua “thuyết minh tự động” và “thuyết minh cầm tay”. Chị Lê Hải Yến (Hoằng Hóa) đến tham quan Lam Kinh chia sẻ: “Với ý định tham quan kết hợp khám phá không gian xanh trong khu di tích nên đoàn chúng tôi quyết định chủ động đi mà không có thuyết minh viên. Nhưng thật bất ngờ, ngay cả khi không có thuyết minh viên đi cùng, không cần quét mã QR, đoàn chúng tôi vẫn được trải nghiệm khám phá di tích cùng thuyết minh tự động. Ví dụ như vừa ghé bia Vĩnh Lăng, đã nghe âm thanh giới thiệu về bảo vật quốc gia chi tiết, đầy đủ, thực sự rất thú vị”.

Văn hóa với chuyển đổi số: Từ những di sản - điểm đếnDu khách quét mã QR để tìm hiểu về các điểm đến trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Ông Hồ Hà Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý Di tích Lam Kinh nói rõ hơn về thuyết minh tự động: “Trong Khu Di tích Lam Kinh có rất nhiều điểm đến để du khách tham quan. Ở mỗi điểm đến, chúng tôi xây dựng nội dung thuyết minh cụ thể, khi du khách đến, sau khi camera “quét” được hình ảnh có người, sẽ tự động “bật” thuyết minh, giới thiệu. Thuyết minh tự động ứng dụng công nghệ hiện đại, mới được áp dụng tại Di tích Lam Kinh 2 năm trở lại đây, phù hợp với mọi đối tượng du khách (không cần smartphone) được du khách đánh giá rất tích cực”.

Ngoài thuyết minh tự động, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, tại Khu Di tích Lam Kinh còn có máy thuyết minh cầm tay với 2 ngôn ngữ Việt - Anh. Du khách đến mỗi điểm, chỉ cần bấm theo hướng dẫn trên máy, sẽ được nghe thuyết minh về vị trí - điểm đến mà mình đang dừng chân. Máy thuyết minh cầm tay phù hợp với khách tham quan là người có tuổi, hoặc du khách ngoại quốc (thuyết minh tiếng Anh).

Về hiệu quả của việc CĐS trong quản lý và phục vụ du khách tham quan tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, ông Hồ Hà Hải cho biết thêm: “Có thể tự tin khẳng định, Lam Kinh là một trong những di tích - điểm đến trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiên phong trong áp dụng CĐS. Hiệu quả đầu tiên trong việc CĐS tại Lam Kinh là giảm được nguồn nhân lực. Dù khu di tích khá rộng với nhiều điểm tham quan, lượng du khách đông song hiện tại, số lượng hướng dẫn viên tại di tích chỉ có 4 người. Năm 2022, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đón trên 380 nghìn lượt khách về tham quan, dâng hương, học tập và 6 tháng đầu năm 2023 là 150 nghìn lượt. CĐS với những ứng dụng như quét mã QR, thuyết minh tự động, thuyết minh cầm tay, du lịch thông minh (Mobiphone smart travel) đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan khi về với Lam Kinh.

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cũng là 2 di sản - điểm đến tiêu biểu của Thanh Hóa tiên phong ứng dụng CĐS khá toàn diện. Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai số hóa và sử dụng ứng dụng du lịch thông minh (Mobiphone smart travel) đã được áp dụng tại một số khu, điểm du lịch khác như: Am Tiên; đền Sòng; đền Cửa Đặt… cùng với đó là cập nhập, số hóa 71 khu, điểm du lịch khác.

Ngày 2-12-2021, tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản Văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh CĐS, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong đó, mục tiêu cụ thể: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích…

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, để thực hiện mục tiêu đề ra trong CĐS, đến thời điểm hiện tại, ngành đã triển khai thực hiện áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, 3 bảo vật quốc gia. Đây được xem là những bước đầu triển khai thực hiện CĐS trong lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]