(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng 4 về, những cựu cán bộ, sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Sư đoàn 348 lại trào dâng niềm bồi hồi xúc động, tổ chức gặp mặt, giao lưu truyền thống nhân ngày thành lập Sư đoàn.

Nhớ ngày truyền thống Sư đoàn 348

Tháng 4 về, những cựu cán bộ, sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Sư đoàn 348 lại trào dâng niềm bồi hồi xúc động, tổ chức gặp mặt, giao lưu truyền thống nhân ngày thành lập Sư đoàn.

Sư đoàn 348 có mặt trong đội hình lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam tròn 10 năm (1979- 1989), đóng quân trên địa bàn Quân khu 4, chủ yếu là địa phận huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Nhiệm vụ chính của Sư đoàn là làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào trong đội hình Binh đoàn 678 và sẵn sàng chống quân xâm lược bành trướng, bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sư đoàn được thành lập ngày 12/3/1979 do Đại tá Hà Xuân Lượng làm Sư đoàn trưởng và đồng chí Lê Thuận làm Chính ủy. Đến năm 1981, Đại tá Hồ Hữu Lạn làm Sư đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Đồng làm Chính uỷ. Sư đoàn được biên chế 3 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh.

Nhớ ngày truyền thống Sư đoàn 348

Đại đá Nguyễn Đồng, nguyên Chính ủy và Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 348.

Lúc mới thành lập, toàn đơn vị ở trọ trong nhà dân, nhờ các kho của hợp tác xã làm điểm nuôi quân. Cán bộ khung ban đầu chủ yếu là các đồng chí sĩ quan đã tôi luyện trong kháng chiến chống Mỹ cùng với sự bổ sung những sĩ quan trẻ được đào tạo chính quy trong các trường Quân đội. Cán bộ chiến sĩ của sư đoàn số đông thuộc Quân khu 4.

Năm 1979, tình hình biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam rất phức tạp. Sự ra đời của F348 nhằm sẵn sàng chi viện cho biên giới phía Bắc; đồng thời sẵn sàng chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào.

Là đơn vị mới được thành lập, trong hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Bộ đội chủ yếu phải ăn độn hạt mạch, sắn gạc nai, khoai lang, cái đói, các rét liên tục đe dọa sức khỏe của các chiến sĩ. Để ổn định nơi ăn ở, cán bộ, chiến sĩ trong sư đoàn phải lên rừng mua luồng nứa vận chuyển về, rồi tổ chức đánh đá, đóng gạch, nung vôi... để xây dựng doanh trại, nhà kho, nhà khí tài. Trong những năm tháng chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 348 đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Nhân dân và chính quyền địa phương sở tại, những khó khăn đã dần được khắc phục, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khi tình hình chiến sự trên tuyến biên giới Việt - Lào có phần ổn định, Sư đoàn 348 trước điều động hơn 6.000 quân bổ sung cho các đơn vị bên Lào, cuối năm 1981 rút xuống còn 3.000 quân. Năm 1984 rút gọn khung thường trực còn gần 1.000 cán bộ chiến sĩ, nhận nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên.

Do yêu cầu nhiệm vụ và sự phân công của cấp trên, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn được điều động đi nhận nhiệm vụ ở các đơn vị khác, có đồng chí đã được phong quân hàm Đại tá, Thiếu tướng. Một số đồng chí chuyển ngành, đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt ở cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều đồng chỉ đã hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội, được nghỉ hưu hoặc phục viên trở về địa phương, vẫn phát huy bản chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng với gia đình làm kinh tế, thành lập công ty, điều hành doanh nghiệp...

Nhớ ngày truyền thống Sư đoàn 348

Sư đoàn 348 tổ chức gặp mặt nhân ngày thành lập Sư đoàn.

Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Sư đoàn năm nay, Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 348 tổ chức gặp mặt cán bộ chiến sỹ lần thứ 7, ôn lại truyền thống công tác, chiến đấu vẻ vang của Sư đoàn. Trong lòng mỗi một cựu chiến binh vẫn luôn nhắc nhớ phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Nguyễn Thị Hà

(CCB Sư đoàn 348)


Nguyễn Thị Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]