Nhọc nhằn mưu sinh ngày cận tết
Với mong muốn có được một cái tết ấm no, sung túc, “cửu vạn” ở các khu chợ không quản ngày đêm, giá rét miệt mài khuân vác, bốc dỡ hàng hóa... ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm thu nhập.
Dưới cái lạnh thấu xương, “cửu vạn” ở chợ đầu mối Thanh Hóa vẫn miệt mài với công việc.
Những ngày cuối năm, không khí ở các khu chợ đầu mối, chợ Vườn Hoa, Tây Thành (TP Thanh Hóa) trở nên nhộn nhịp, náo nhiệt hơn thường lệ. Nơi đây cũng tập trung nhiều lao động tự do, đa phần làm công việc bốc vác, chở hàng thuê. Họ - những người nông dân chân chất đến từ nhiều nơi trong tỉnh, dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thế nhưng cuộc sống chẳng mấy dư dật nên mới phải lặn lội mưu sinh. Do gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” hàng ngày dù có nặng nhọc, vất vả, thu nhập bấp bênh chẳng đáng là bao, những lao động này vẫn cố bám trụ, cần mẫn, chăm chỉ với công việc của mình.
Chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương được xem là khu chợ đầu mối rau quả, thực phẩm lớn nhất xứ Thanh. Chợ có tới trên 700 ki-ốt kinh doanh cố định và trên 500 điểm kinh doanh không cố định nên có rất đông “cửu vạn” mưu sinh. Những ngày này, người lao động đổ về đây “làm thuê” xuyên đêm. Khi những chiếc xe hàng dừng ở khu vực cổng chợ cũng là lúc những “cửu vạn” bốc vác chạy xô đến để tìm việc. Ai cũng mong được “bán sức” để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và có một cái tết no đủ hơn. Khuôn mặt hốc hác, quầng mắt thâm đen vì thiếu ngủ, anh Lê Văn Tiến (Đông Sơn) “cửu vạn” lâu năm ở đây đang cặm cụi bốc dỡ rau, củ quả trên xe tải xuống nhập cho các hộ tiểu thương trong chợ. Những ngày gần tết, hàng hóa đổ dồn về nhiều nên anh làm không hết việc. Trung bình, mỗi ngày vừa bốc vác, kéo xe thuê anh Tiến có thể kiếm được từ 500.000 – 700.000 đồng, nếu làm xuyên đêm tiền công có thể cao hơn. Theo anh Tiến, ở khu chợ này, lao động làm công việc khuân vác không phân biệt nam, nữ, chỉ cần có sức khỏe, bền bỉ và dẻo dai là sẽ được chủ thuê.
Để có một cái tết no đủ, dù công việc có nặng nhọc đến đâu, những người lao động vẫn cố gắng bám trụ.
Quê ở huyện Lang Chánh, nhưng anh Hà Văn Thiết (xã Trí Nang) đã có 7 năm thâm niên làm nghề bốc vác ở chợ đầu mối. Nhà có tới 4 miệng ăn, con cái đang trong độ tuổi đến trường nên mọi gánh nặng vật chất đều đè lên đôi vai gầy gò của người đàn ông năm nay đã 50 tuổi. Do xa nhà, nên anh phải thuê trọ, mỗi tháng trừ mọi chi phí ăn, ở, khoản tiền gửi về quê cũng chẳng được bao nhiêu. Anh chia sẻ, ai làm nghề này cần có đức tính kiên nhẫn, có sức khỏe mới theo được vì luôn phải làm những công việc nặng nhọc. Những ngày giáp tết, hàng hóa về nhiều, anh em đội bốc vác được chủ thuê phải chia thành nhóm nhỏ theo các loại hàng hóa. Thời gian vất vả nhất là về đêm, thời tiết lạnh giá, ai cũng co ro, tay run cầm cập nhưng vẫn phải gồng sức oằn mình, cõng việc. Những người thức trắng đêm làm ở đây mỗi người một hoàn cảnh, họ đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe không phải vì họ mà để tương lai con cái không còn chịu cảnh “làm thuê, cuốc mướn” nữa.
Công việc hàng ngày của một lao động nữ ở chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Tại chợ Tây Thành, Vườn Hoa, những chiếc xe kéo chất đầy hàng, nặng đến cả tạ khiến việc di chuyển khó nhọc, nhưng đội ngũ “cửu vạn” ở đây vẫn “cân” hết. Tuy vậy, nhiều người mới vào nghề, chưa quen công việc, tối về nhức mỏi không chịu nổi, phải tìm nghề khác mưu sinh. Đối với những người làm nghề này, cái thiệt thòi không chỉ là sức khỏe, phần lớn họ không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội. Họ chỉ có một mối quan hệ duy nhất giữa người sử dụng lao động với người bốc vác là tự thỏa thuận bằng miệng, thu nhập được tính theo ngày công, khối lượng sản phẩm, ai muốn tiền nhiều thì làm thêm giờ, thêm việc...Vì vậy, dù có ốm đau, bệnh tật thì họ vẫn phải chấp nhận gồng mình trước mưa thâm, gió bấc để kiếm đồng ra, đồng vào, trang trải cuộc sống nghèo khó, an ủi khi tết đến xuân về.
Ngược xuôi tất bật, ai cũng ra sức làm việc để mong có một cái tết sung túc. Với những người làm nghề tự do, biết là vất vả, mệt nhọc nhưng cũng chẳng ai dám bỏ nghề bởi họ mong và muốn được bỏ sức để kiếm đồng tiền, bát gạo lo cho gia đình.
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:07:00
Vinh danh 19 đơn vị, tổ chức đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
-
2024-12-03 13:51:00
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
-
2024-02-06 09:42:00
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm tại chỗ
“Chuyến xe yêu thương” đưa người bệnh về quê đón Tết
Đa dạng thị trường giỏ quà Tết
Điện lực Khu vực Như Thanh - Như Xuân đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Tết của những người chăm lo việc Đảng, việc dân
Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo tại Thạch Thành
Ngày mới ở bản Pa
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào khu vực miền núi
Những món quà gợi nhớ tết quê hương
Xuân ấm cho học sinh nghèo