(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), những ngày cuối tháng 12 âm lịch, nhộn nhịp tàu thuyền của ngư dân trở về sau chuyến vươn khơi cũng như không khí chuẩn bị các mặt hàng thủy, hải sản cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần.

Nhộn nhịp vùng biển Ngư Lộc

Vùng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc), những ngày cuối tháng 12 âm lịch, nhộn nhịp tàu thuyền của ngư dân trở về sau chuyến vươn khơi cũng như không khí chuẩn bị các mặt hàng thủy, hải sản cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần.

Nhộn nhịp vùng biển Ngư LộcNhững phên cá mòi được phơi dọc bờ biển Ngư Lộc.

Mặn mòi vị biển

Những ngày này, cơ sở chế biến cá nướng của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, anh Hoàng Văn Công, thôn Thắng Phúc (cơ sở Công Hương) đang tất bật với các công đoạn sơ chế, nướng các loại cá, đặc biệt là cá thu nhằm cung ứng cho thị trường dịp giáp tết. Bình thường trong năm, cơ sở của gia đình chị Hương chỉ cần khoảng 5 lao động nướng cá nhưng dịp giáp tết, cơ sở tăng lên 8 - 10 lao động, tiền công trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, dịp tết tăng lên 8 - 10 triệu đồng/người. Trên bếp than hồng, những mẻ cá thu, cá nục hoa, cá chẻm vôi, cá nanh, cá mối... tỏa ra mùi thơm đặc trưng và màu vàng của cá nướng.

Chị Nguyễn Thị Hương cho biết, ở Ngư Lộc có một số hộ làm nghề nướng cá, trong đó gia đình chị làm nghề lâu năm nhất ở đây. Mẹ chị có khoảng 40 năm làm nghề và truyền nghề lại cho con gái. Trung bình một ngày, cơ sở Công Hương nướng khoảng 40 - 50kg cá các loại, dịp giáp tết tăng lên gấp đôi, gấp ba nhưng cũng không đủ cung ứng cho thị trường. Cá thu nướng có giá khoảng trung bình từ 280.000 đến 330.000 đồng/kg.

Nhộn nhịp vùng biển Ngư LộcCơ sở chế biến cá nướng Công Hương, thôn Thành Lập chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường những ngày giáp tết.

Cũng như gia đình chị Hương, những ngày cuối năm, gia đình ông Bùi Thanh Phương, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Gia đình ông Phương có truyền thống làm nghề chế biến các loại mắm. Hiện tại gia đình ông làm: mắm tôm, mắm chua, các loại nước mắm. Trung bình một năm sản xuất, chế biến hơn 3.000 lít các loại mắm. Nghề truyền thống này đã giúp gia đình ông có thu nhập và ổn định cuộc sống.

Dọc bờ biển Ngư Lộc, tôm, cá, mực được phơi trên những tấm phên lớn. Những chiếc tàu thuyền của ngư dân trở về đem theo tôm, cá và những rổ moi tươi lấp lánh. Trong ánh nắng chiều, chị Lý, thôn Bắc Thọ đang thoăn thoắt xếp những con cá mòi đã được sơ chế. Chị Lý cho biết, ở Ngư Lộc, hằng ngày đàn ông sẽ lên tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, còn phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái và làm công việc hậu cần nghề cá. Mỗi ngày chị Lý làm các công việc sơ chế tôm, cá, phơi cá khi tàu thuyền trở về. Mỗi ngày như vậy chị được trả công hơn 100.000 đồng/ngày. Vào những ngày giáp tết sẽ có mức tiền công cao hơn vì nhu cầu làm hàng hóa để bán nhiều hơn.

Tăng cường quảng bá sản phẩm lợi thế

Ngư Lộc nằm phía Đông của huyện Hậu Lộc, với chiều dài bờ biển là 1,2 km. Xã Ngư Lộc không có đất nông nghiệp. Toàn xã có 7 thôn, trên 3.500 hộ, hơn 18.000 nhân khẩu. Người dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác, chế biến thủy hải sản và kinh doanh dịch vụ thương mại.

Toàn xã Ngư Lộc có 212 phương tiện, trong đó phương tiện có chiều dài 15m trở lên là 119 phương tiện, có 6 phương tiện tàu cá đăng ký khai thác hải sản vùng biển xa. Tổng lao động nghề cá hơn 1.500 lao động. Tổng sản lượng khai thác ước đạt 12.000 tấn trong năm 2023. Nhiều chủ phương tiện đánh bắt thủy sản có thu nhập từ 800 đến 1,5 tỷ đồng/năm; có 9 hộ nuôi ngao trên địa bàn xã Đa Lộc, khu vực Đảo Nẹ, Nga Sơn đều đạt hiệu quả, bình quân năm 2023 đạt từ 500 triệu đồng trở lên, hộ có thu nhập cao đạt từ 2-3 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nhộn nhịp vùng biển Ngư LộcGia đình ông Bùi Thanh Phương, thôn Thành Lập làm nghề mắm truyền thống.

Thời gian qua, lĩnh vực dịch vụ, ngành nghề chế biến hải sản trên địa bàn xã Ngư Lộc được duy trì và phát triển. Các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở chế biến thủy hải sản tiếp tục duy trì và giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại chỗ. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng cơ bản ổn định, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hiện nay, xã Ngư Lộc có 2 sản phẩm OCOP 3 sao được duy trì và phát triển là tôm nõn khô và cá thu nướng. Đời sống Nhân dân Ngư Lộc đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh, diện mạo quê hương có nhiều khởi sắc. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo còn 102 hộ, chiếm 2,8%; hộ cận nghèo còn 238 hộ, chiếm 6,6%. Kết quả rà soát hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 1.789 hộ, 10.399 nhân khẩu. Xã Ngư Lộc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho các hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến, quảng bá sản phẩm lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ thương mại, chế biến hải sản, đa dạng hóa các ngành nghề, các mặt hàng. Vận động các chủ phương tiện tu sửa, nâng cấp, tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị để khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước trước khi đi khai thác. Phấn đấu năm 2024, tổng sản lượng khai thác 11.500 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 2,31%...

Bài và ảnh: Bùi Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]