(vhds.baothanhhoa.vn) - Tưởng niệm và tri ân, đó là cảm thức chung của mỗi người khi đến với Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) những ngày này. Ở nơi đó, chiếc tủ kính lưu giữ di vật của các liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại cứ điểm Pa Thí, nước CHDCND Lào vẫn thầm thì kể chuyện...

Những di vật ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng

Tưởng niệm và tri ân, đó là cảm thức chung của mỗi người khi đến với Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) những ngày này. Ở nơi đó, chiếc tủ kính lưu giữ di vật của các liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại cứ điểm Pa Thí, nước CHDCND Lào vẫn thầm thì kể chuyện...

Những di vật ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng

Người quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng bên chiếc tủ kính lưu giữ các di vật.

Chiếc tủ lưu giữ di vật của các liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại cứ điểm Pa Thí, nước CHDCND Lào nằm ngay ngắn trong căn phòng ở góc bên phải của nghĩa trang. Thiết kế tủ kính theo hình lục lăng đơn giản với 1 bệ trụ và 4 tầng dùng để lưu giữ các di vật.

Có quá ít thông tin về những di vật được lưu giữ tại đây. Tôi hỏi người quản trang, anh cũng chỉ nói đại ý rằng: Đây là các di vật được tìm thấy trong những đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại cứ điểm Pa Thí đưa về.

Những di vật nhuốm màu thời gian lặng lẽ nằm sát cạnh bên nhau trong các ngăn tủ kính khiến trái tim tôi trào dâng xúc động. Chúng đã cùng chủ nhân của mình sống đời kiên trung, anh dũng giữa năm tháng mưa bom bão đạn khốc liệt.

Những chiếc mũ cối bạc phếch đã chôn vùi trong đất suốt bao nhiêu năm?

Ánh mắt của người đàn ông trong tấm di ảnh đen trắng từ tốn nhìn tôi như muốn nhắn gửi điều gì?

Những quả lựu đạn, lưỡi lê, vỏ đạn gỉ sét đã không thể cướp đi sinh mạng của một người lính nào nữa.

Đôi dép cao su, chiếc thắt lưng, chiếc lược, bình toong, thuốc, tiền xu..., chủ nhân của chúng là ai? Đã từng sống và chiến đấu kiên cường như thế nào? Ước mơ ra sao? Họ đã trăng trối điều gì vào giây phút cuối?

Những chiếc hoa tai của bộ đội người Mông - quân khu Tây Bắc như đang kể tôi nghe câu chuyện về lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Những di vật ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng

Những di vật như đang lặng lẽ kể chuyện dân tộc Việt Nam anh hùng, đất và người xứ Thanh anh hùng.

Tôi dừng lại lâu hơn trước mảnh thông tin của liệt sỹ Nguyễn Văn Xuyên. Những năm tháng chiến đấu gian khổ ấy, ai bước chân vào chiến trường mà không chuẩn bị sẵn cho mình một cái chết. Chiến tranh đau thương, chiến tranh khốc liệt. Nhưng lời hiệu triệu từ lòng yêu nước, ý chí sống và chiến đấu cho độc lập tự do dân tộc, hạnh phúc Nhân dân cao hơn tất cả. Chỉ mong lưu lại ở đời này đừng là ngôi mộ khuyết danh.

Ánh chiều dần buông.Từng đoàn người vẫn tiếp nối nhau vào nghĩa trang dâng hương. Ngay rất gần tôi, gia đình gồm mẹ già, con dâu, con gái đang ân cần sắp lễ đặt trước một ngôi mộ. Bông cúc vàng trong tay người mẹ già run run nước mắt. Tiếng gọi “con... ơi” nghẹn đắng trời chiều.

Khi sinh con mẹ đâu biết sẽ có ngày kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Con trai mẹ lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 17. Đứa con tính khí hiền như đất, hiếu thảo, khôi ngô. Ngày con chào mẹ khoác ba lô lên đường nhập ngũ, mẹ đâu biết được rằng đó là lần gặp cuối...

Những người cựu binh đứng xếp hàng giơ tay chào đồng đội như những ngày vẫn còn trong quân ngũ. Họ đã sống và chiến đấu trong thời khắc sinh tử, chia nhau từng nắm cơm, hớp nước, thủ thỉ chuyện trò chuyện lính, chuyện hậu phương.

Giờ đây, người may mắn sống sót trở về, người vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ. Người chiến sĩ trong chiến đấu chỉ biết nêu cao tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Giữa thời bình, người cựu binh cúi lạy trước mộ đồng đội mình và khóc: “Đồng đội ơi, yên nghỉ nơi này”...

Tưởng niệm và tri ân, đó là cảm thức chung của mỗi người khi đến với Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng những ngày này. Ở nơi đó, chiếc tủ kính lưu giữ di vật của các liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại cứ điểm Pa Thí vẫn thầm thì kể chuyện...

Mỗi di vật như minh chứng sinh động về tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Mỗi di vật như thước phim chầm chậm đưa ta về với quá khứ, từng bước vén tấm màn lịch sử để trân trọng, biết ơn sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh cho độc lập, tự do dân tộc và thấm thía hơn cái giá của hòa bình ngày hôm nay.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]