(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tại Bảo tàng tỉnh, có khoảng hơn 40 hiện vật về Bác Hồ với Thanh Hóa đang được trưng bày. Mỗi hiện vật là mỗi kỷ niệm khó quên về Bác. Nhìn hiện vật lại nhớ Bác nhiều hơn dù đã gần 50 năm xa Người...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những hiện vật thấm đẫm tình Bác

(VH&ĐS) Tại Bảo tàng tỉnh, có khoảng hơn 40 hiện vật về Bác Hồ với Thanh Hóa đang được trưng bày. Mỗi hiện vật là mỗi kỷ niệm khó quên về Bác. Nhìn hiện vật lại nhớ Bác nhiều hơn dù đã gần 50 năm xa Người...

Từ chiếc sanh đồng, máy cày Bác tặng...

Tại Bảo tàng tỉnh, có một chiếc sanh đồng duy nhất, nó đã được trưng bày 13 năm tại đây. Nhưng trước đó 48 năm thì nó là món quà của Bác Hồ tặng bà Hà Thị Nú, người con của bản Thái, Chiềng Kẽm, xã Yên Khương (Lang Chánh) nhân dịp bà là đại biểu dân quân xuất sắc, được cử tham gia đoàn đại biểu các dân tộc miền núi Thanh Hóa, Nghệ An ra thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2/9/1956. Chiếc sanh đồng bình dị nhưng 48 năm ở nhà bà Hà Thị Nú, nó đã đóng vai trò quan trọng trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Khi chưa có sanh, bà thường nấu cơm bằng cách bỏ gạo vào ống nứa, ống giang rồi đổ nước đem đốt lên nhưng ống nứa, ống giang cũng dùng ít đi từ khi có sanh đồng.

Suốt 48 năm ở nhà bà Nú, chiếc sanh đồng đã được bà nâng niu, gìn giữ rất cẩn thận, tránh để va chạm làm trầy xước, sứt mẻ. Sau này, khi nghe tin Bác mất, chiếc sanh đã được bà Nú trân trọng đặt trên bàn thờ nhà mình để tỏ lòng tôn kính Bác. Từ làm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày đến làm đồ thờ, chiếc sanh lúc nào cũng chiếm vị trí thiêng liêng, ý nghĩa trong gia đình bà Hà Thị Nú. Kể cả về sau này, vào năm 2004, khi chiếc sanh được bà tặng lại cho Bảo tàng tỉnh thì nó vẫn là một trong những hiện vật được trưng bày trang trọng trong phần giới thiệu về những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xa hội (1954 - 1964).

Ở Bảo tàng tỉnh còn có một “ngôi nhà” nho nhỏ được xây lên để làm chỗ nghỉ cho một... chiếc máy cày dù có nắng, có mưa, có đi qua thời gian thì chiếc máy cày ấy cũng vẫn còn nguyên giá trị của nó. Chiếc máy cày đứng đó, là báu vật, là niềm tin, là sức mạnh từ 55 năm về trước và bây giờ vẫn vậy. Chiếc máy cày vạn năng ấy mang nhãn hiệu DT24, trên thân máy có dòng chữ ZETOR 6711C là quà của Bác gửi tặng cho xã Yên Trường (Yên Định) vào tháng 2/1962. Khi đấy, Yên Trường đang là một trong những lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp của huyện và tỉnh trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, chiếc máy cày này do Ba Lan chế tạo tặng Bác, và chính đại sứ Ba Lan đã về trao tận tay cho bà con nhân dân tại sân vận động xã Yên Trường. Cũng từ đây, chiếc máy cày có công suất 25 mã lực này đã được sử dụng để khai hoang, cải tạo đồng ruộng, kéo rơ moóc vận chuyển lương thực, hàng hóa phục vụ nhân dân trong vùng.

Cho đến năm 1976, chiếc máy cày này đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Chiếc máy cày “kể” lại rằng, 41 năm ở đây, nó vẫn được chăm sóc, nâng niu cẩn thận. Với đồng ruộng xưa của Yên Trường, nó đã từng thao tác những đường cày làm lật tung lớp đất theo hàng lối thẳng tắp, tạo động lực phấn khởi cho bà con trong sản xuất và càng hãnh diện, tự hào hơn khi vào thời điểm lúc bấy giờ, nó là chiếc máy cày đầu tiên ở xã Yên Trường nói riêng và huyện Yên Định nói chung. Và sau 41 năm không còn làm việc trên đồng ruộng, nhưng nó vẫn dành được sự ưu ái, quan tâm đặc biệt của nhân dân, đặc biệt là bà con nông dân xã Yên Trường mỗi khi có dịp về thăm bảo tàng. Ai đến đây cũng đều chụp ảnh, cùng chạm tay lên món quà thiêng liêng của Bác. Món quà không chỉ là báu vật của riêng xã Yên Trường mà còn là báu vật của tỉnh Thanh Hóa.

Đến những bức thư đượm tình Bác

Ngoài những hiện vật: máy cày, sanh đồng thì ở Bảo tàng tỉnh hiện còn lưu giữ những món quà tinh thần của Bác đó là 4 bức thư Người gửi cho quân và dân Thanh Hóa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Mỗi bức thư như là một dấu mốc quan trọng cho những kỳ tích trong chiến tranh. Bác cổ vũ, động viên, khen ngợi, mỗi bức thư thấm đượm tình Bác.

4 bức thư được trưng bày trang trọng trong tủ kính. Bức lâu nhất được Bác gửi cách đây 69 năm, bức ít tuổi nhất cũng đã 50 năm. Những bức thư thời chiến, dù có nhuốm màu thời gian nhưng sức sống vẫn mãnh liệt, ngay cả trong thời bình.

Bức thư thứ nhất vào ngày 30/11/1948, Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi đồng bào Thanh Hóa đã sửa đê, hộ đê rất tốt. Bức thứ 2 vào ngày 12/10/1965, Bác gửi thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Thanh Hóa bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Bức thứ 3 vào ngày 6/3/1967, Bác khen quân và dân trong tỉnh bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.700 và 1.701 của giặc Mỹ. Và bức thứ 4, vào ngày 5/7/1967, Bác gửi thư khen ngợi Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc) sau khi Trung đội bắn rơi một chiếc máy bay A4D của Mỹ. Đây là đơn vị dân quân gái đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Chiến công nối tiếp chiến công nhưng chiến công của Trung đội dân quân gái Hoa Lộc khi ấy đã gây được tiếng vang lớn. Trong thư Bác viết có đoạn: “Bác rất vui mừng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu”. Ngày hôm nay, đọc lại thư Bác như đang tái hiện lại hình ảnh chiến đấu kiên cường của 14 cô gái trong Trung đội dân quân gái ở khu căn cứ Đông Ngàn vào ngày 16/6/1967.

Vào những thời điểm khác nhau nhưng 4 bức thư không chỉ là khen thành tích hiện tại mà còn là cả những nhiệm vụ ở phía trước, đó là giành nhiều thắng lợi hơn nữa, góp phần cùng cả nước để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Và sự thật thì chúng ta đã chiến thắng, trong đó có đóng góp không nhỏ của quân và dân Thanh Hóa.

Lật giở những trang sử vẻ vang của dân tộc và trở về với những hiện vật của Bác với Thanh Hóa ở Bảo tàng tỉnh để càng tự hào về những thành quả đã đạt được của nhân dân tỉnh nhà trong quá khứ huy hoàng. Từ những hiện vật vô giá của Bác lại càng phải khắc sâu hơn lời dạy của Người: Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]