Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào - tên đất, tên làng gắn liền với phong trào cách mạng
Những ngày thu tháng 8, tôi về lại vùng quê cách mạng xã Thiệu Minh xưa - nay là thị trấn Hậu Hiền (Thiệu Hóa). Như sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những tên đất, tên làng của vùng đất nằm bên hữu ngạn sông Chu này lại gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của quê hương, đất nước cách đây 79 năm.
Đình làng Ngô Xá Hạ (nay là khu phố Đồng Chí) - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng của quần chúng Nhân dân địa phương
Ngược dòng lịch sử, theo dòng chảy của thời gian, cương vực hành chính của Thiệu Minh giống như làng xã của Việt Nam đã diễn ra nhiều biến động. Từ khi thành lập, Thiệu Minh có 3 làng nằm liền kề nhau dọc theo triền đê sông Chu, lần lượt từ thượng nguồn về là Đồng Bào, Đồng Chí, Đồng Minh.
Làng Đồng Bào được thành lập cách đây khoảng trên 500 năm, do một số hộ dân của làng Cựu Thôn, Toán Thành thuộc xã Thiệu Toán ra lập trang ấp riêng. Có lịch sử phát triển lâu đời, chắc chắn làng Đồng Bào đã nhiều lần thay đổi tên gọi. Trước Cách mạng Tháng Tám làng có tên là Ngô Xá Thượng. Từ xưa dân làng Đồng Bào là một quần cư, Nhân dân đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống. Trước Cách mạng Tháng Tám, cùng với các làng Đồng Minh, Đồng Chí, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Đồng Thanh, Nhân dân làng Đồng Bào đã tích cực tham gia phong trào cách mạng. Tại đây đã thành lập được các hội quần chúng như nông hội đỏ, hội lợp nhà, hội đánh tranh, hội thể thao, hội cắt tóc ngắn... Đây là tiền thân của các tổ chức cách mạng sau này, nhờ vậy mà các phong trào cách mạng ở đây phát triển tương đối sớm.
Tương tự, Đồng Minh là một làng cổ. Trước kia làng có tên là làng Hà Xá. Do gần hệ thống nông giang nên sản xuất nông nghiệp ở Đồng Minh tương đối thuận tiện. Từ xưa đến nay, đời sống kinh tế của Nhân dân trong làng chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Giống với các làng Đồng Chí, Đồng Bào, ngay từ những ngày phong trào cách mạng còn trong trứng nước, làng Đồng Minh đã có những thanh niên tiến bộ tiếp thu ánh sáng của Đảng nhem nhóm, xây dựng phong trào cách mạng ở quê hương. Phong trào cách mạng lúc thăng, lúc trầm nhưng dân làng Đồng Minh không quản hy sinh, gian khổ, một lòng theo Đảng tiến hành các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến tới lật đổ chế độ thực dân phong kiến, góp phần vào mùa thu cách mạng trên quê hương Thanh Hóa.
Như chạm vào lịch sử, đình Ngô Xá Hạ của làng Đồng Chí xưa (nay là khu phố Đồng Chí) nhuốm màu rêu phong, khoác lên mình sự khác biệt với kiến trúc của Pháp. Trên bia đá trong khuôn viên ngôi đình có ghi lại, cách đây khoảng trên 500 năm về trước làng được hình thành trên khu đất cồn Đông. Trước kia làng Đồng Chí có tên là Ngô Xá Hạ. Và nhắc đến Ngô Xá Hạ là nói đến làng quê có truyền thống cách mạng. Từ trong đêm trường nô lệ, Nhân dân Ngô Xá đã đứng lên chống lại cường quyền, áp bức. Nhiều phong trào cách mạng của huyện Thiệu Hóa và tỉnh Thanh Hóa được khởi xướng từ đây. Nhiều người con của làng đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng. Bởi vậy, làng Đồng Chí cùng với làng Đồng Bào, làng Đồng Minh được coi là cái nôi của phong trào cách mạng của Thanh Hóa.
Bên ngôi đình gần 100 năm tuổi, ông Hoàng Đình Bình - người con trai cụ Hoàng Đình Bách, lão thành cách mạng khu phố Đồng Chí, cho biết: "Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Đồng Chí. Từ nhỏ, tôi đã được nghe bố và các cụ kể lại rằng, đình Ngô Xá Hạ được xây dựng năm 1924, đến năm 1925 thì hoàn thành. Ngôi đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng chống bắt phu, bắt lính, chống bọn phản động, trừng trị bọn chức sắc ác ôn, chống giặc Nhật cướp lương thực, thực phẩm của các chiến sĩ cách mạng, quần chúng Nhân dân làng Ngô Xá Hạ với khí thế sục sôi. Trong những ngày sục sôi giành chính quyền ở phủ lỵ Thiệu Hóa, đình là nơi tập hợp lực lượng quần chúng Nhân dân trong làng, trong tổng tham gia cướp chính quyền ở Thiệu Hóa vào đêm ngày 18/8, rạng sáng 19/8/1945".
Như lời nhắn nhủ gửi đến thế hệ hôm nay, trên bức tường bao của đình Ngô Xá Hạ, bức tranh bích họa về sự kiện sáng ngày 23/8/1945, trên 3.000 tự vệ chiến đấu của các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, đội ngũ chỉnh tề rầm rộ xuất phát từ đình làng do đồng chí Hoàng Tiến Trình (lão thành cách mạng người làng Ngô Xá Hạ) chỉ huy kéo về thị xã Thanh Hóa dự lễ ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa. Nhìn bức tranh với dòng người trên tay cờ Tổ quốc, súng, gậy gộc, dáo, mác... có lẽ đã phác họa đậm nét “ngọn đuốc cách mạng” của cha anh năm xưa. Đình cũng là nơi dạy học của Trường dự bị Đại học Nguyễn Thượng Hiền thuộc khu 3 sơ tán vào Thanh Hóa giai đoạn 1953 - 1955. Đình được công nhận di tích cách mạng năm 1990.
Trước đình làng Ngô Xá Hạ tái hiện lịch sử hào hùng của ông cha.
Hiện nay, ngôi đình còn lưu giữ “báu vật” của làng, đó là Bằng khen của Chính phủ ghi nhận làng có công với nước. Cẩn thận lau tấm bằng khen, ông Hoàng Văn Sinh, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Đồng Chí cho biết: "Tự hào về truyền thống hào hùng của cha ông, những năm qua cán bộ và Nhân dân trong khu phố luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương đổi mới. Nổi bật, trong phát triển kinh tế Nhân dân áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Cùng với việc quy hoạch 2 ha vùng màu, người dân còn du nhập một số nghề mới như làm mây giang xiên, nối mi, phát triển dịch vụ thương mại. Vì vậy, đời sống kinh tế của người dân khu phố Đồng Chí không ngừng được nâng cao, với thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện đóng góp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống đường giao thông ở khu phố Đồng Chí 100% được bê tông hóa, nhựa hóa. Đặc biệt, bằng “lòng dân - sức dân” các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân được đầu tư xây dựng khang trang.
Người dân tìm hiểu lịch sử đình Đồng Bào.
Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào, mỗi tên đất, tên làng nơi đây đã thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của cha anh trong các phong trào đấu tranh cách mạng. Bước vào chặng đường mới, “ngọn đuốc cách mạng” vẫn sáng soi để Nhân dân 3 làng viết tiếp trang sử vàng của quê hương. Nổi bật vào năm 2019, cả 3 thôn Đồng Minh, Đồng Chí, Đồng Bào đã về đích NTM. Cùng với đó, trong phát triển kinh tế - xã hội, các chi bộ đã đưa ra chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực với tình hình thực tế tại địa phương được mọi người dân đồng tình ủng hộ cao. Ví như ở thôn Đồng Bào đã quy hoạch được 12 ha vùng chuyên màu, trong đó có 3 ha vùng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; 2.000 m2 nhà màng trồng dưa kim hoàng hậu...
Đến đầu tháng 2/2024, khi thị trấn Hậu Hiền được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Minh Tâm cũ, Đảng bộ thị trấn bắt tay ngay vào việc lãnh đạo Nhân dân xây dựng đô thị văn minh, khu phố kiểu mẫu.
Chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh 2/9/1945 - 2/9/2024, người dân thị trấn Hậu Hiền hân hoan treo cờ Tổ quốc trên khắp các tuyến đường ngõ xóm.
Về vùng quê cách mạng Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào những ngày này, càng thấy tự hào hơn khi nơi đây đang đổi thay từng ngày với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Phát huy truyền thống cách mạnh của quê hương, cán bộ và Nhân dân 3 khu phố tiếp tục “chung lưng đấu cật” đưa Đồng Minh - Đồng Chí - Đồng Bào trở thành phố kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Thu Thủy
- 2024-10-10 15:03:00
Sau 9 tháng tăng trưởng, du lịch Việt có thể “cán mốc” đón 17 triệu du khách
- 2024-10-08 10:37:00
Người làng biển làm du lịch
- 2024-08-16 15:39:00
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Về Ngọc Trạo nghe chuyện chiến khu
Tên làng ven biển gắn với sự tích về Thành hoàng làng
Tháng Tám trên quê hương cách mạng Yên Trường
[WOW! THANH HÓA] Khám phá “chín bậc tình yêu” giữa núi rừng xứ Thanh
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Dưới mái Đình Hàm Hạ
Có gì ở ngôi nhà gỗ cổ trên 200 năm tuổi bên bờ sông Mã
Hai tour đi thuyền của Việt Nam vào top trải nghiệm tuyệt vời nhất thế giới
Mỗi người dân là một “đại sứ du lịch”
Đất cổ Kẻ Lao
[WOW! THANH HOÁ] Bí ẩn ngôi đền thờ pho tượng bán thân trên dãy núi Trường Lệ