Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Dưới mái Đình Hàm Hạ
Làng Hàm Hạ - vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nơi ghi dấu sự ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của của tỉnh Thanh Hóa, nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Đón mừng Tết Độc lập, Hàm Hạ bừng lên sức sống mới với sắc đỏ cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng niềm vui hân hoan của Nhân dân.
Di tích lịch sử Quốc gia đình làng Hàm Hạ.
Cuối năm 2015, huyện Đông Sơn thực hiện sáp nhập một phần diện tích của xã Đông Tiến về thị trấn Rừng Thông theo Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH13, ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Đông Sơn. Sau khi sáp nhập, làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến đổi thành khu phố Hàm Hạ thuộc thị trấn Rừng Thông. Dẫu thay đổi cách gọi, nhưng mạch nguồn cách mạng vẫn chất chứa, thẫm đẫm vào đất và người Hàm Hạ. Đình Hàm Hạ - nơi che chở, bao bọc những đảng viên, chiến sĩ cách mạng kiên trung đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và là địa điểm diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, bí mật của Chi bộ Hàm Hạ những ngày đầu thành lập, vẫn vững chãi in bóng trên dòng sông nhà Lê.
Dưới mái đình nhuốm màu tháng năm, ông Lê Bá Ủy, người cao tuổi khu phố Hàm Hạ thường kể cho các cháu về truyền thống cách mạng của quê hương. Cách đây 94 năm, ngày 25/6/1930, tại nhà ông Lê Oanh Kiều, kề bên Đình Hàm Hạ, đã diễn ra sự kiện thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Cách vài bước chân, nhà ông Phạm Văn Huống là địa điểm phát hành tờ báo “Tiến Lên” - cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Chi bộ Hàm Hạ ra đời, đánh dấu sự mở đầu của phong trào cách mạng ở Đông Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. “Không chỉ kiên trung trong đấu tranh cách mạng, người dân Hàm Hạ luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất của địa phương. Những năm 60 của thế kỷ XX, làng Hàm Hạ đã thành lập hợp tác xã đầu tiên của xã Đông Tiến. Khi đó, ông Chu Tất Bôi là chiến sĩ thi đua toàn quốc, được giao làm chủ nhiệm hợp tác xã. Trong vai trò ông chủ nhiệm hợp tác, ông Chu Tất Bôi đã thổi “luồng gió mới vào phong trào sản xuất của người dân Hàm Hạ. Đáng kể nhất là giúp người nông dân đưa cây khoai tây vào trồng trên đồng đất Hàm Hạ. Ông cũng là người đi đầu trong việc vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông ở Hà Hạ” - ông Ủy phấn khởi chia sẻ.
Nhà ông Lê Oanh Kiều - nơi thành lập Chi bộ Hàm Hạ.
Nhà ông Phạm Văn Huống - nơi phát hành tờ báo “Tiến Lên” - cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước, thực hiện các chủ trương của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, cán bộ và Nhân dân Hàm Hạ lại chung sức, đồng lòng thực hiện cuộc cách mạng hiện đại hóa nông thôn, sau đó là xây dựng đô thị văn minh.
Ông Lê Huy Hiệu, Bí thư chi bộ khu phố Hàm Hạ cho biết: “Tinh thần cách mạng luôn cháy bỏng trong mỗi người dân Hàm Hạ. Bởi thế, người dân địa phương luôn nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao của các thế hệ cha ông. Để bồi đắp thêm truyền thống của quê hương, những năm qua, chi bộ khu phố đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cấp trên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đưa ra những nghị quyết sát, đúng thực tiễn để lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Do đó, chi bộ đã tập hợp được khối đoàn kết, nhân lên niềm tin trong quần chúng Nhân dân nên mọi chủ trương đều được mọi người, mọi nhà đồng tình ủng hộ. Được sáp nhập về thị trấn Rừng Thông, cán bộ và Nhân dân Hàm Hạ rất hào hứng. Bởi vậy, khi phong trào xây dựng đô thị văn minh, thị trấn kiểu mẫu được phát động đã nhận được sự hưởng ứng của người dân”.
Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hiến - một trong những hộ dân hiến nhiều đất làm đường giao thông ở khu phố Hàm Hạ, ông cho biết: “Được chính quyền phố phát động phong trào hiến đất để mở rộng đường giao thông, bản thân là một đảng viên, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng đường thì việc đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con, gia đình tôi đã xung phong tự nguyện hiến gần 50m2 diện tích đất ở để hưởng ứng phong trào của phố”.
Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố nền tảng tạo góp phần vào xây dựng đô thị kiểu mẫu, chi bộ khu phố Hàm Hạ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp sức người, sức của để kiến thiết quê hương. Từ năm 2015 đến nay, khoảng 300 hộ dân ở Hàm Hạ đã tự nguyện hiến hơn 10.000m2 đất và tháo dỡ các công trình để mở rộng 10km đường giao thông. Trong đó, hộ dân hiến đất nhiều nhất gần 150m2 đất. Năm 2017, với nguồn kích cầu 100 triệu đồng của thị trấn Rừng Thông, người dân khu phố Hàm Hạ tiếp tục đóng góp mỗi khẩu 700.000 đồng để sửa chữa nhà văn hóa. Nhà văn hóa mới khang trang, rộng rãi đưa vào sử dụng, ai nấy đều phấn khởi. Năm 2020, Hàm Hạ vinh dự được công nhận phố văn hóa cấp huyện. Hướng đến phố kiểu mẫu, lòng dân – sức dân Hàm Hạ lại được khơi dậy để chỉnh trang, nâng cấp cao đường giao thông ngõ xóm, lắp đặt điện chiếu sáng, hệ thống camera an ninh. Sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ và Nhân dân đã khoác lên cho khu phố Hàm Hạ “tấm áo mới" với những con đường thảm nhựa, đổ bê tông trải vào tận cổng ngõ từng hộ dân. Thời gian gần đây, khi huyện Đông Sơn tiến hành kè sông nhà Lê đoạn qua đình Hàm Hạ, người dân trong khu phố cũng tự nguyện hiến đất phục vụ công trình. Theo đó, khu phố có 30 hộ dân đã hiến hơn 800m2 cho công trình, trong đó có hộ Lê Bá Huệ hiến nhiều nhất với hơn 100m2.
Cùng với diện mạo đô thị căng tràn sức sống mới, đời sống người dân Hàm Hạ cũng đổi thay từng ngày. Ông Hiệu cho biết thêm: “Trước năm 2015, Hàm Hạ là một làng thuần nông, bà con đa số làm nông nghiệp. Thời đó, diện tích lúa của làng gần 120ha, hoa màu hơn 10ha. Quá trình đô thị hóa đã kéo theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Hàm Hạ giảm đi. Bắt nhịp với điều kiện mới, người dân Hàm Hạ đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán nhỏ, nam giới đi làm thợ xây dựng... Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân khu phố Hàm Hạ đã tăng lên so với sản xuất nông nghiệp, đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm”.
Ông Lê Huy Hiệu, Bí thư chi bộ phố Hàm Hạ và cụ Lê Bá Ủy thắp nén hương lên ban thờ 7 vị đảng viên đầu tiên của chi bộ Hàm Hạ.
Với giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, ngày 15/10/1994, Cụm di tích Hàm Hạ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia; bao gồm 3 điểm di tích là Đình làng Hàm Hạ; nhà ông Lê Oanh Kiều và nhà ông Phạm Văn Huống.
Với giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, ngày 15/10/1994, Cụm di tích Hàm Hạ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Cụm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia; gồm 3 điểm di tích là Đình làng Hàm Hạ; nhà ông Lê Oanh Kiều và nhà ông Phạm Văn Huống
Năm 2020, Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ đã được tu bổ khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Sơn cho biết: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Rừng Thông và ngành văn hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động về nguồn để cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh hiểu về giá trị lịch sử Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ, từ đó giáo dục về truyền thống cách mạng cũng như lòng yêu quê hương, đất nước. Định hướng trong tương lai, khi huyện Đông Sơn sát nhập vào TP Thanh Hóa, Phòng Văn hóa - Thông tin sẽ tham mưu cho UBND TP Thanh Hóa và các sở, ngành của tỉnh đưa Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ vào quy hoạch du lịch của thành phố. Đồng thời, kết nối với các điểm, các tour du lịch để quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về Cụm di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ là điểm hấp dẫn cả về tham quan, nghiên cứu lịch sử”.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hàm Hạ luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.
94 năm qua, Hàm Hạ vẫn mãi là niềm tự hào của Nhân dân huyện Đông Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tiếp nối mạch nguồn cách mạng quê hương, cán bộ và Nhân dân Hàm Hạ quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ “cán đích” khu phố văn minh. Để hoàn thành mục tiêu ấy, chi bộ khu phố Hàm Hạ đang tập trung thực hiện các tiêu chí phát triển kinh tế, an ninh - trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Về Hàm Hạ hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới của vùng quê cách mạng, là lớp lớp người dân đang ra sức thi đua lao động, sản xuất, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phương Anh
- 2024-10-11 20:33:00
Du lịch biển mùa đông có gì?
- 2024-10-11 15:22:00
Ðất làng Long Linh
- 2024-08-14 15:08:00
Có gì ở ngôi nhà gỗ cổ trên 200 năm tuổi bên bờ sông Mã
Hai tour đi thuyền của Việt Nam vào top trải nghiệm tuyệt vời nhất thế giới
Mỗi người dân là một “đại sứ du lịch”
Đất cổ Kẻ Lao
[WOW! THANH HOÁ] Bí ẩn ngôi đền thờ pho tượng bán thân trên dãy núi Trường Lệ
Mù Cang Chải lọt tốp 25 điểm đến mang vẻ đẹp siêu thực đáng kinh ngạc
Có một Pù Luông bình yên ở Lang Chánh
Lâm Phú, điểm du lịch tiềm năng
Điểm dã ngoại, check-in “hot” ở Hậu Lộc
Về thăm Kẻ Ngói