(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguyễn Trãi, từ thế kỷ XV đã coi Thanh Hóa là “phên dậu thứ hai phía Nam” đất nước, rồi đến Phan Huy Chú (thế kỷ XIX) cũng xác định đây là “một trấn quan trọng”, “nơi xung yếu”. Địa bàn hiểm yếu của Thanh Hóa trở thành vùng đất chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh giữ nước.

Những người xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản ở Thanh Hóa

Nguyễn Trãi, từ thế kỷ XV đã coi Thanh Hóa là “phên dậu thứ hai phía Nam” đất nước, rồi đến Phan Huy Chú (thế kỷ XIX) cũng xác định đây là “một trấn quan trọng”, “nơi xung yếu”. Địa bàn hiểm yếu của Thanh Hóa trở thành vùng đất chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh giữ nước.

Những người xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản ở Thanh HóaKhu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân) là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 29/7/1930.

Cũng bởi vì thế mà ở nơi vùng đất phát tích ra nhiều triều đại vua chúa trong lịch sử quân chủ Việt Nam, với những bậc quân vương lỗi lạc, Thanh Hóa đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, văn thần võ tướng nổi tiếng lẫy lừng trong sử sách, và ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là rất nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Trong giao thời lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi chế độ phong kiến đã suy yếu, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, một cổ hai tròng, Nhân dân khắp nơi hưởng ứng chiếu Cần Vương, đứng lên đấu tranh và khởi nghĩa. Trong đó phải nhắc đến là các cuộc khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Hùng Lĩnh... dù thất bại nhưng đã khẳng định tính chất đặc trưng tiêu biểu của phong trào chống Pháp ở Thanh Hóa.

Một trong số những thanh niên trí thức Thanh Hóa vượt qua hạn chế của thời đại, của giai cấp, tìm cách ra nước ngoài học tập, tiếp nhận con đường cách mạng của một hệ tư tưởng mới, đó là Lê Hữu Lập (1897 - 1934) người con của thôn Hữu Nghĩa, tổng Xuân Trường (nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc). Ông đã được nhà chí sĩ yêu nước Đinh Chương Dương giới thiệu sang Đông Hưng (Trung Quốc) liên lạc với những người đứng đầu Tâm tâm xã để tham gia tổ chức. Từ tổ chức này, Lê Hữu Lập là một trong số những thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và là người Thanh Hóa đầu tiên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Lê Hữu Lập về đến Thanh Hóa giữa lúc phong trào yêu nước của Nhân dân, đặc biệt là của thanh niên, giáo viên và học sinh đang sôi động với nhiều hoạt động như: đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu, để tang cụ Phan Chu Trinh... Ông khẩn trương tiến hành tuyên truyền giác ngộ cho những thanh niên tích cực, hăng hái trong phong trào đang lên ở địa phương, nhằm tuyên truyền có chiều sâu và tập dượt về mặt tổ chức. Tháng 5/1926, tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), ông đã tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng. Bên cạnh đó, ông đã tiến hành cuộc vận động, tuyển chọn một số thanh niên yêu nước như: Nguyễn Văn Đắc ở thị xã Thanh Hóa, Nguyễn Mậu Sung (Thọ Xuân) và Võ Danh Thùy (Nông Cống)... xuất dương để học tập con đường cứu nước của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam Cách mạng thanh niên trong toàn tỉnh, tháng 4/1927, tại số nhà 26 Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, hội nghị đại biểu của 11 tiểu tổ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên quyết định thành lập Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Đồng chí Lê Hữu Lập được hội nghị thống nhất làm Bí thư.

Tháng 4/1928, thi hành Chỉ thị của Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ, Hội nghị đại biểu Thanh niên Thanh Hóa được tổ chức tại chùa Quan Thánh - núi Nhồi đã bầu Ban Chấp hành chính thức, Lê Hữu Lập được bầu làm Bí thư, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.

Đầu năm 1929, đồng chí Lê Hữu Lập được Kỳ bộ Trung kỳ điều động sang Thái Lan hoạt động. Trong nước, địch phát hiện được cơ sở của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Thanh Hóa, chúng ráo riết truy nã ông. Tại phiên tòa ngày 2/11/1929, tòa án Nam Triều Thanh Hóa kết án tử hình vắng mặt đồng chí Lê Hữu Lập.

Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Thái Lan để chỉ đạo xây dựng Đảng Cộng sản. Người chủ trì Hội nghị đại biểu các cơ sở Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở U-Đôn (Thái Lan). Hội nghị thống nhất những hội viên nòng cốt chuyển sang đảng viên Đảng Cộng sản. Đồng chí Lê Hữu Lập trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Có thể khẳng định, từ khi bắt đầu giác ngộ cách mạng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 37, đồng chí Lê Hữu Lập luôn là người học trò ưu tú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thế hệ thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học ở làng Hàm Hạ, tổng Kim Khê (nay thuộc khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), từ nhỏ, cậu bé Lê Thế Long vừa thông minh lại ham học, 15 tuổi đã học cạn chữ của ông và bố.

Không chỉ có kiến thức Nho học, ông còn có bằng tiểu học của trường Pháp - Việt, vì thế ông được tiếp cận cả văn hóa phương Đông và phương Tây, chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đồng thời cũng rất ngưỡng mộ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Để đi theo con đường ấy, ông khẳng định, trước hết phải làm một thầy giáo giỏi.

Từ năm 1922 đến 1929, với nghề dạy học, ông đã truyền thụ cho nhiều học sinh tinh thần yêu nước, tuyên truyền sách báo cách mạng, phản đối chế độ phong kiến thực dân. “Phần lớn những người được ông tuyên truyền giác ngộ đã tham gia hoạt động cách mạng” (Lịch sử Đảng bộ Yên Định, 1930-1975). Khoảng thời gian từ 1926-1929, ông về dạy học tại thị xã Thanh Hóa. Thời gian này ông thường xuyên về Hàm Hạ, từ đây ông đã đấu mối được với các đồng chí hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên, nay đã chuyển hướng hoạt động theo đường lối cộng sản như Lê Oanh Kiều, Lê Bá Tùng.

Ngày 18/6/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về Hàm Hạ và đã tuyên truyền giác ngộ, kết nạp được 3 đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là các đồng chí: Lê Oanh Kiều, Lê Bá Tùng và Lê Thế Long. Ngày 25/6/1930, hội nghị thành lập chi bộ cộng sản đã được tiến hành và nhất trí bầu đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư chi bộ.

Ngay sau Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) là sự ra đời của Chi bộ Thiệu Hóa, Chi bộ Thọ Xuân, tạo tiền đề để thành lập Đảng bộ Thanh Hóa. Ngày 29/7/1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa được tổ chức, đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư. Đảng bộ Thanh Hóa ra đời là sự kiện trọng đại, phong trào yêu nước cách mạng trong tỉnh từ đây bước sang thời kỳ Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.

Là Bí thư chi bộ đầu tiên ở Thanh Hóa và cũng là Bí thư Đảng bộ tỉnh đầu tiên, đồng chí Lê Thế Long đã có công gây dựng nền móng của Đảng Cộng sản trên quê hương Thanh Hóa.

Cũng trong giai đoạn này, ở khắp vùng Thọ Xuân không ai không biết đến đồng chí Lê Văn Sỹ, người làng Yên Trường, xã Thọ Lập. Ông là 1 trong 7 đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân, là hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam.

Đầu năm 1927, Lê Văn Sỹ được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên, với tinh thần nhiệt tình, hăng hái, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động, không quản hiểm nguy, tích cực tham gia giác ngộ cách mạng cho quần chúng Nhân dân. Cuối năm 1927, ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên khu vực Yên Trung, Yên Trường, Yên Lược. Sau khi được thành lập, chi hội đã tổ chức nhiều hoạt động công khai như hội truyền bá quốc ngữ, hội thể dục thể thao, hội bát âm... Lợi dụng cách hoạt động này, ông cùng các hội viên đã tuyên truyền giác ngộ Chủ nghĩa Mác–Lênin và chủ trương cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến quần chúng Nhân dân.

Tháng 7/1930, sau hai lần về Thọ Xuân gặp đồng chí Lê Văn Sỹ và các hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên khu vực Yên Trường, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn bồi dưỡng kết nạp vào Đảng 7 đồng chí. Căn nhà của đồng chí Lê Văn Sỹ không chỉ là nơi tổ chức hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân vào ngày 22/7/1930, mà còn là nơi tổ chức Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 29/7/1930. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hội nghị, đồng chí Lê Văn Sỹ đã phân công các đồng chí trong chi bộ tổ chức lực lượng canh gác, bảo vệ, đồng thời chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nơi nghỉ cho các đại biểu về dự hội nghị.

Ngoài ra, căn nhà này còn được đặt làm cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy. Tại đây hàng ngàn truyền đơn kêu gọi quần chúng tham gia Nông hội đỏ, Công hội đỏ và xuất bản báo “Tiến lên” cùng nhiều tài liệu quan trọng khác.

Có thể nói, các đồng chí Lê Hữu Lập, Lê Thế Long, Lê Văn Sỹ chính là những chiến sĩ trung kiên, dù trong hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng. Cả cuộc đời gắn liền và hy sinh vì cuộc sống và tương lai của Nhân dân và đất nước, họ xứng đáng được các thế hệ nghiêng mình kính cẩn thắp nén hương thơm và nguyện cố gắng noi theo.

Bài viết có sử dụng tư liệu sách "90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, 1930-2020: Những dấu ấn và thành tựu nổi bật; Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa (NXB Thanh Hóa).

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]