(vhds.baothanhhoa.vn) - Sản phẩm OCOP không chỉ là sự khẳng định cho chất lượng, gửi gắm trong đó còn là những câu chuyện sản phẩm chân thực đầy xúc động, chứa đựng tâm huyết của những người sản xuất, nhà sản xuất với khát vọng “vươn tầm” văn hóa quê hương.

Những sản phẩm OCOP đậm bản sắc văn hóa

Sản phẩm OCOP không chỉ là sự khẳng định cho chất lượng, gửi gắm trong đó còn là những câu chuyện sản phẩm chân thực đầy xúc động, chứa đựng tâm huyết của những người sản xuất, nhà sản xuất với khát vọng “vươn tầm” văn hóa quê hương.

Những sản phẩm OCOP đậm bản sắc văn hóaKế thừa kinh nghiệm nghề truyền thống, anh Lê Anh - nhà sáng lập thương hiệu mắm Lê Gia đã tạo nên những sản phẩm nước mắm, mắm tôm chất lượng (ảnh nhân vật cung cấp).

Mắm Lê Gia và khát vọng của người con miền biển xứ Thanh

Tính đến tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 346 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng. Trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 54 sản phẩm 4 sao và 291 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm OCOP đến từ hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm là sản vật địa phương. Và nhắc đến sản phẩm OCOP mang tinh hoa văn hóa xứ Thanh, không thể không nhắc đến nước mắm - tinh túy của biển.

Thanh Hóa có 102 km bờ biển, nguồn lợi hải sản dồi dào. Đó cũng là lý do xứ Thanh từ xa xưa đã nổi tiếng với nhiều làng nghề làm mắm nổi tiếng. Từ hạt muối mặn cùng những cá, tôm tươi ngon với bàn tay khéo léo, tảo tần, cha ông đã tạo nên thứ gia vị vẫn được ví như “linh hồn” của ẩm thực Việt. Và có một người đàn ông xứ Thanh - một người được sinh ra từ biển, lớn lên với tâm hồn thấm đẫm vị biển mặn mòi, đã kế thừa truyền thống để “vươn tầm”, đó chính là Lê Anh - người sáng lập thương hiệu mắm Lê Gia.

Tôi nhớ trong lần nói chuyện cùng anh gần đây, đã hỏi: “Anh nghĩ sao khi nhiều người nói rằng, nhắc đến Lê Gia là nhớ đến mắm và ngược lại?”, anh đã cười tươi nói: “Thật vậy sao? Nếu đúng là như vậy, còn gì hạnh phúc hơn!”. Và tôi cũng tin rằng, câu chuyện quay trở về làng để làm mắm của người đàn ông 8X đến nay đã trở thành niềm cảm hứng khởi nghiệp cho rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Với rất nhiều nỗ lực, mắm Lê Gia đã giành được nhiều giải thưởng về chất lượng. Trong đó, đặc biệt có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao (Nước mắm Lê Gia; Mắm tép Lê Gia) và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là Mắm tôm Lê Gia. Đến thời điểm hiện tại, đây cũng là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm ở thị trường trong nước, các sản phẩm của thương hiệu mắm Lê Gia còn được xuất khẩu đến nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi...

Câu chuyện làm mắm của anh Lê Anh và sự định vị của thương hiệu mắm Lê Gia không hề dễ dàng. Động lực khiến người đàn ông làng biển quyết dốc toàn tâm lực cho nghề làm mắm truyền thống quê hương, đó là: “Đối với tôi, quê hương chính là mùi nước mắm, thứ mùi ký ức gắn liền với những tháng ngày tuổi thơ. Mùi nước mắm trong vại mắm của mẹ, gắn liền với bữa cơm rau là một phần máu thịt, là hương vị không thể phai mờ trong tôi. Chính tình yêu với mắm truyền thống, với quê hương đất mẹ là động lực chính cho tôi khởi nghiệp... Mắm Lê Gia mong muốn mang những tinh túy nhất từ mẹ biển, bằng sự tận tâm, kinh nghiệm truyền thống kết hợp kiến thức an toàn thực phẩm để mang đến những gia vị sạch vào bữa cơm sum vầy của gia đình Việt. Và sau đó, là mang “linh hồn” ẩm thực Việt đến với cả thế giới”.

Mật ong lên men Bản Thổ: “Chắp cánh” cho rừng xứ Thanh

Những người yêu sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, sạch và lành hẳn không còn xa lạ với sản phẩm Mật ong lên men Bản Thổ của cô gái dân tộc Thổ - Nguyễn Lê Ngọc Linh. Hành trình trở về với vườn rừng bản Thổ quê hương và quyết tâm khởi nghiệp của Nguyễn Lê Ngọc Linh thực sự khiến người ta cảm phục.

Những sản phẩm OCOP đậm bản sắc văn hóaCô gái dân tộc Thổ - Nguyễn Lê Ngọc Linh và sản phẩm Mật ong lên men Bản Thổ tham gia hội chợ chuyên ngành ẩm thực và đồ uống lớn nhất châu Á - THAIFEX-Anuga Asia 2023 diễn ra tại Thái Lan (ảnh nhân vật cung cấp).

Trong câu chuyện Nguyễn Lê Ngọc Linh chia sẻ việc “bỏ phố về quê” để phát triển kinh tế, xây dựng HTX Bản Thổ ra đời cho thấy những đau đáu làm thế nào để có thể góp phần khôi phục rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học mà vẫn tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương ngay trên chính quê hương, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa cổ truyền của mảnh đất này - văn hóa dân tộc Thổ.

Cô gái dân tộc Thổ, Ngọc Linh bắt đầu khát vọng của mình bằng việc thực hiện mô hình Vườn rừng Bản Thổ. Ở đó, cùng với việc dành chỗ cho cây rừng bản địa tái sinh, còn cả thí điểm trồng thêm các loại dược liệu dưới tán và nghiên cứu, tìm tòi cách thức gắn việc trồng rừng làm nông nghiệp với chế biến, gia tăng giá trị nông sản dựa trên tài nguyên bản địa. “Xét trên nhu cầu thị trường và tài nguyên bản địa của xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân nói riêng và trong tỉnh Thanh Hóa nói chung, chúng tôi phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thực phẩm, chuyên gia dược liệu để phát triển sản phẩm gắn với khoa học hiện đại là công nghệ lên men bổ sung chủ động các chủng lợi khuẩn tốt cho con người trên nền tảng kế thừa tri thức bản địa - chính là những dược liệu, bài thuốc cổ truyền của những thế hệ người dân Như Xuân, từ đó làm ra sản phẩm Mật ong lên men Bản Thổ”.

Cũng theo chia sẻ của chủ nhân sản phẩm Mật ong lên men Bản Thổ: Đó không chỉ là sản phẩm, mà còn là giải pháp cho việc tái tạo rừng, tăng sinh kế cho cộng đồng; là kết tinh từ những tinh túy núi rừng, nơi có đất sạch - không khí sạch - nước sạch với phương pháp canh tác thuận tự nhiên; giống ong bản địa được nuôi tự nhiên tại bìa rừng phòng hộ, vườn quốc gia với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và tạo thêm thu nhập cho người dân sống dựa vào rừng... tất cả mang năng lượng chữa lành của rừng lan tỏa đi xa, mang tới cho khách hàng, cộng đồng một giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động hoàn toàn tự nhiên.

Năm 2023, sản lượng sản phẩm Mật ong lên men Bản Thổ ước sẽ đạt khoảng 6 tấn. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm còn đến với người tiêu dùng trong cả nước thông qua các kênh phân phối. Đặc biệt, mới đây Mật ong lên men Bản Thổ vinh dự cùng một số sản phẩm tiêu biểu trong cả nước đã tham gia hội chợ chuyên ngành thực phẩm và đồ uống lớn nhất châu Á - THAIFEX-Anuga Asia 2023 tại Thái Lan. Cô gái dân tộc Thổ - Nguyễn Lê Ngọc Linh tham gia triển lãm và gặp gỡ đại diện các đại siêu thị trên đất Thái. Đây có thể xem như cơ hội để HTX Bản Thổ đưa sản phẩm của mình đi xa hơn.

Sau 4 năm với quay trở về rừng, với những nỗ lực tìm tòi và hoàn thiện, vừa qua tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm Mật ong lên men Bản Thổ của HTX Bản Thổ đã đạt số điểm cao và đang được đề xuất 4 sao.

Sẽ không quá lời khi nói rằng, Nguyễn Lê Ngọc Linh - cô gái dân tộc Thổ nhỏ nhắn với tình yêu, khát vọng của mình đang “chắp cánh” cho những vườn rừng Bản Thổ xứ Thanh “đi xa” hơn.

Mắm Lê Gia hay Mật ong lên men Bản Thổ chỉ là hai trong số hàng trăm sản phẩm OCOP ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh mang trong mình những câu chuyện sản phẩm ý nghĩa. Những câu chuyện không phải được tô vẽ bởi những hoa mỹ cầu kỳ và kiểu cách mà được viết lên từ tình yêu, niềm tự hào và cả lòng biết ơn với chính quê mình.

Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]