Ninh Quốc công Trịnh Toàn
Là danh tướng họ Trịnh tài năng xuất chúng, uy dũng vang xa, lập nhiều công lớn lại có lòng nhân đức khiến tướng sĩ dưới trướng cảm mến, người dân thương quý, ông là Ninh Quốc công Trịnh Toàn. Nhưng rồi, ông cũng là nhân vật lịch sử có số phận sầu thảm khiến người đương thời và hậu thế tiếc thương.
Di tích Phủ Trịnh trên địa bàn xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc).
Sinh năm 1631, Trịnh Toàn là con trai thứ của Thanh Đô vương Trịnh Tráng, mẹ ông là Lê Thị Ngọc Ngỗi - người phụ nữ tài sắc vẹn toàn quê làng Phú Vinh (thuộc huyện Hoằng Hóa ngày nay). Từ nhỏ, Trịnh Toàn đã có dáng mạo, khí chất hơn người nên được chúa Trịnh Tráng đặc biệt yêu quý. Bản tính thông minh lại chăm chỉ, Trịnh Toàn học đâu hiểu đó, chẳng những thông làu kinh sử mà còn say mê nghiên cứu binh thư. Tuổi còn trẻ nhưng đã thể hiện tài thao lược, cầm quân đánh trận hiếm có.
Theo sử liệu, bấy giờ ở Đàng Trong, chúa Nguyễn với thế và lực ngày càng mạnh đã chiếm được một số huyện thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh - vốn thuộc đất Đàng Ngoài. Năm 1655, Trịnh Toàn khi đó mới 24 tuổi đã được vua Lê - chúa Trịnh tin tưởng giao thống lĩnh quân sĩ đi dẹp quân chúa Nguyễn. Cầm quân đánh trận, Trịnh Toàn tỏ tài thao lược. Cuối năm đó, ông kéo quân về An Trường (thuộc đất Nghệ An ngày nay), sai các tướng chia đồn khống chế quân chúa Nguyễn để thu phục phần đất “từ Nam sông Lam trở vào Bắc Bố Chính”. Trước sự uy dũng của tướng Trịnh Toàn và quân Đàng Ngoài, quân chúa Nguyễn buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng.
Năm 1656, quân chúa Nguyễn lại tiến quân đến núi Hồng Lĩnh đánh phá quân Lê - Trịnh. Các tướng quân Lê - Trịnh đi đánh dẹp nhưng không được, thua chạy phải rút về bờ sông Lam. Trước tình thế ấy, chúa Trịnh Tráng phải tập hợp tướng lĩnh để bàn kế hoạch đánh trả.
Theo sử liệu, chúa Trịnh Tráng đã hỏi các tướng về người có thể dẫn quân vào phía Nam để đánh quân Nguyễn và có thể giành được chiến thắng. Bấy giờ, tướng sĩ trên dưới đều đồng lòng tiến cử Trịnh Toàn. Chúa Trịnh Tráng cho là phải, đã tâu lên vua Lê sai Trịnh Toàn trực tiếp đốc binh. Vâng lệnh vua Lê - chúa Trịnh, trước khi xuất binh, Trịnh Toàn đã lập lời thề: “... Rằng tôi dẹp giặc... sự bất từ nan, vị tri thắng bại. Vậy nên tôi phải thiết lập đàn tràng, ai mà bất nhân, ra lòng bội bạc, thiên địa chứng minh, thần linh đánh chết” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Sau đó, Trịnh Toàn dẫn đại quân đi đánh quân chúa Nguyễn. Ông chia quân thủy, bộ thành nhiều ngả để tiến đánh. Bấy giờ, về phía quân Đàng Trong, Nguyễn Hữu Dật đem quân vây kín nhiều vòng nhưng đều bị Trịnh Toàn phá tan và sai các tướng đóng quân trấn giữ. Theo sử sách, quân Nguyễn Hữu Dật lại kéo đến bao vây Lam Giang, Triều Khang, Phù Dương và Thạch Hà, Hương Bộc. Trịnh Toàn đốc thúc kỵ binh chủ động công kích quân. Nguyễn Hữu Dật... mở đồn lũy phục binh hòng chặn đường về của quân Trịnh. Nắm rõ mưu kế của Nguyễn Hữu Dật, Trịnh Toàn sai Lương Quận công đem 3.000 binh sĩ bày trận ở Ngạn Kiều để bao vây. Đồng thời họp chư tướng khích lệ tinh thần và nhận định: “Quân đơn phương cô độc của Nguyễn Hữu Dật như cá chui sâu vào lưới”. Và rồi sai tướng sĩ kéo quân đến Phù Châu, Nam Ngạn kịch chiến khiến quân của Nguyễn Hữu Dật đại bại.
Ninh Quốc công Trịnh Toàn là con trai chúa Trịnh Tráng (Văn Tổ Nghị vương Trịnh Tráng).
Sau đại thắng, Trịnh Toàn được phong làm Khâm sai tiết chế thuộc thủy bộ chư dinh kiêm cai quản đạo Nghệ An, Phó Đô tướng Thái úy Ninh Quốc công, mở phủ Dương Uy. Trong thời gian này, Thái úy Ninh Quốc công Trịnh Toàn đã chỉ huy quân sĩ đắp lũy từ cửa Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, làm các vòng lưới sắt bao quanh cửa biển Nhật Lệ, có các điểm phóng hỏa. Đồng thời thiết lập đồn lũy ở đỉnh Hoành Sơn.
Là dũng tướng toàn tài, cũng đồng thời là người nhân đức, thấu hiểu lòng người nên dù rất trẻ song Ninh Quốc công Trịnh Toàn được tướng sĩ dưới trướng nể trọng, người dân quý mến.
Năm 1657, Trịnh Toàn mới 26 tuổi, đang ở Nghệ An thì chúa Trịnh Tráng qua đời, Tây Định vương Trịnh Tạc nối nghiệp chúa Trịnh. Bấy giờ chúa Nguyễn sai người ra phúng viếng và tung tin Trịnh Toàn có lòng riêng. Lại thêm một số quan khi ấy ghen ghét với tài năng của Trịnh Toàn nên cũng buông lời gièm pha. Vốn là người đa nghi, Tây Định vương Trịnh Tạc đã cho triệu hồi Trịnh Toàn về kinh.
Là người thông minh, Trịnh Toàn hiểu được trở về lần này “lành ít dữ nhiều”. Tuy nhiên, vì muốn chứng minh lòng trung thành, sau khi chỉnh đốn quân sĩ, sắp đặt mọi việc xong xuôi, ông vẫn bình thản quay trở về. Trở về kinh sư, ông bị giam vào ngục tối.
Dân gian lưu truyền, Trịnh Toàn có thần linh che chở nên dù ở trong ngục, bị nhiều kẻ lập mưu hãm hại vẫn không thể lấy mạng được ông. Dẫu vậy, cuộc đời của một dũng tướng trẻ vẫy vùng nơi chiến trận lại bị giam cầm trong ngục tối thật đau lòng.
Và sau 18 năm bị giam cầm, năm 1675 Trịnh Toàn đã làm tờ khải dâng lên chúa Trịnh xin gia ân cho quân sĩ dưới trướng và vợ con, còn bản thân xin được ban chết. Tờ khải viết: “Lòng mong cho nước thịnh nhà yên, nguyện được về nơi chín suối, bây giờ còn chút hơi tàn khó hết lòng ba quân muôn trông chẳng quên. Chỉ kính xin cho con cháu đời sau được hưởng chút ân huệ, không mong muốn gì hơn nữa, cầu xin Vương soi xét” (sách Danh nhân Thanh Hóa). Sau đó, ông tự uống rượu độc.
Tương truyền, sau khi Trịnh Toàn qua đời, ông được hưởng quan tước như trước, đặt tên thụy là Cương Nghị; đồng thời chúa Trịnh ban cho quan tài cùng tiền bạc, sai quan lại đưa về quê ngoại ở đất Phú Vinh (Hoằng Hóa) chôn cất, ban lệnh cho người dân trông coi cẩn thận. Về sau, ông được vua Lê sắc phong tôn là Lương Mục vương, rồi Tấn Quang vương...
Sự ra đi của Ninh Quốc công Trịnh Toàn khiến quân sĩ dưới trướng đau buồn, người dân thương tiếc. Vì mến mộ công đức của Ninh Quốc công, người dân 7 huyện phía Nam (thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) đã lập đền thờ phụng, tôn thần, quanh năm hương khói. Không chỉ vậy, ông còn được người dân sáng tác “Vè ông Ninh” lưu truyền dân gian để ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của vị danh tướng.
Ông Trịnh Văn Sơn - hậu duệ dòng họ Trịnh xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) trông coi di tích Phủ Trịnh, chia sẻ: “Với tài năng và đóng góp trong lịch sử, Ninh Quốc công Trịnh Toàn được hậu thế nhắc nhớ với niềm cảm mến. Gần 350 năm trôi qua, lần giở sử sách, đọc những dòng ghi chép về Ninh Quốc công Trịnh Toàn và nghe chuyện kể về ông, kẻ hậu sinh thêm một lần dành sự kính ngưỡng đến bậc tiền nhân tài hoa phận bạc...”
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Danh nhân Thanh Hóa; Địa chí huyện Hà Trung và một số tài liệu khác).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-20 08:45:00
Lê Lộng - võ tướng mưu trí
-
2024-12-16 10:10:00
Cụ ông 80 tuổi vẫn là điển hình phát triển kinh tế
-
2024-12-11 09:59:00
Trưởng thôn “thắp lửa” phong trào nông thôn mới
Nguyễn Công Duẩn, khai quốc công thần nhà Lê
Nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết, trách nhiệm
Đỗ Đại - khai quốc công thần triều Lê
Cô gái Thái đưa hương rừng xuống phố
Gương sáng nữ thẩm phán
Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
[WOW! THANH HÓA] Chè bà cố - Vị truyền thống kết nối thế hệ