(vhds.baothanhhoa.vn) - Xóa đói, giảm nghèo từ lâu đã là bài toán khó, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình giảm nghèo còn khó khăn gấp nhiều lần.

Nỗ lực “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Xóa đói, giảm nghèo từ lâu đã là bài toán khó, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình giảm nghèo còn khó khăn gấp nhiều lần.

Nỗ lực “Không để ai bị bỏ lại phía sau”Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây nhà mới cho hộ gia đình Phàng A Chồng ở bản Khằm 1, xã Trung Lý (Mường Lát).

Truyền thống “sẻ cơm nhường áo”

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước Việt Nam bên cạnh niềm vui của thắng lợi là những khó khăn chất chồng, vừa phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”, vừa trải qua nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đói nghèo cũng là một thứ giặc nguy hiểm như giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Ngày 28/9/1945, Bác Hồ viết bài kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên tờ Cứu quốc: “Hỡi đồng bào yêu quý, từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm nay, ở Bắc bộ ta đã có hai triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, Nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. (Sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011).

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã nhanh chóng được Nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trước khi đong gạo bỏ nồi nấu cơm, mỗi gia đình lấy ra một nắm bỏ vào trong hũ, trong vại, “tích tiểu thành đại”, rồi mang biếu tặng người thiếu đói.

Chỉ ít tháng sau đó, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Lời phát biểu ấy không những chỉ ra thực trạng khó khăn mà Nhân dân đang phải đối mặt, gánh chịu, mà còn là thông điệp khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn để đưa Nhân dân thoát khỏi cơn hoạn nạn.

Và sau này trong lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định mục đích của phong trào thi đua yêu nước là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, nhằm thực hiện “Hạnh phúc cho dân”.

Thực hiện “ham muốn tột bậc” của Hồ Chủ tịch, “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", Đảng và Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, đặc biệt là chăm lo cho người dân nghèo bằng những chính sách an sinh xã hội kịp thời, nhân văn.

Thanh Hóa với Chỉ thị số 22-CT/TU

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017; Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, thời gian qua các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã huy động nguồn lực của toàn xã hội trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Qua 5 năm (2019-2024) Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp trong tỉnh đạt trên 184 tỷ đồng. Từ các nguồn vận động, MTTQ vận động gia đình, dòng họ, khu dân cư hỗ trợ làm mới và sửa chữa 4.987 căn nhà Đại đoàn kết; tặng 1.426.683 suất quà tết, trị giá trên 981 tỷ đồng; các hoạt động an sinh xã hội trị giá trên 635 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, học sinh nghèo vượt khó, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng 182 nhà Đại đoàn kết cho đồng bào sinh sống trên sông với tổng giá trị trên 52,4 tỷ đồng... góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các ban, ngành tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (sau đây gọi là Chỉ thị số 22).

Nỗ lực “Không để ai bị bỏ lại phía sau”Các đại biểu trao biểu trưng số tiền 80 triệu đồng cho hộ bà Lại Thị Phương, thôn 1, xã Thành Tiến (Thạch Thành).

Sau gần 7 tháng Chỉ thị số 22 được ban hành, tính đến ngày 25/10/2024, tổng kinh phí ủng hộ được tiếp nhận về Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã đã đạt gần 241,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, toàn tỉnh đã có 2.263 căn nhà được khởi công xây dựng (xây mới 2.030 nhà, sửa chữa 233 nhà), đã hoàn thành và bàn giao 1.228 nhà (xây mới 1.015 nhà, sửa chữa 213 nhà).

Thạch Thành là một trong các địa phương được đánh giá có kết quả tích cực, khả quan nhất trong thực hiện Chỉ thị số 22. Theo kết quả rà soát, trên địa bàn huyện Thạch Thành có 374 hộ gia đình cần được hỗ trợ làm nhà ở trong 2 năm 2024-2025. Tính đến thời điểm này, Thạch Thành đã khởi công xây dựng mới hơn 110 ngôi nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 8,5 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch đề ra.

Về xã Thành Tiến (Thạch Thành), đến thăm gia đình ông Trương Minh Quang (thôn Vân Lương), trong căn nhà mới xây xong, ông xúc động nói với chúng tôi: "Nhờ có Đảng và Nhà nước cùng Nhân dân mà tôi có căn nhà này. Trước đây nhà ngói lụp xụp, hễ trời mưa là lo lắm. Mấy hôm rồi, mưa to mới thấy căn nhà mới càng giá trị".

“Thực hiện Chỉ thị số 22, toàn thể cán bộ và Nhân dân xã Thành Tiến đã ủng hộ số tiền là 132.723.000 đồng, trong đó người dân ủng hộ là 90.830.000 đồng. Qua rà soát, xã đề nghị huyện hỗ trợ cho 12 hộ nghèo trên địa bàn xây mới và sửa chữa nhà ở. Đến nay, có 3 hộ gia đình ông/bà: Lại Thị Phương (thôn 1); Trương Minh Quang (thôn Vân Lương) và Lê Văn Thăng (thôn Vân Lương) đã khởi công xây dựng; gia đình ông Nguyễn Quang Vinh (thôn Vân Lương) đang nộp hồ sơ.

Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa. Vì thế số hộ khó khăn về nhà ở là 1.145 hộ. Trong đó có 1.124 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở và 21 hộ có khó khăn về nhà ở (không thuộc hộ nghèo, cận nghèo).

Xã Trung Lý có 11/15 bản đồng bào dân tộc Mông, vì thế đời sống bà con rất khó khăn. Ông Giàng A Lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: Qua rà soát, xã Trung Lý có 144 hộ cần được xây mới và sửa chữa nhà. Đến nay 60 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở đã khởi công xây dựng (thực hiện theo Thông tư 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chỉ thị số 22). Gần đây nhất, 10 hộ gia đình ở bản Khằm 1, gồm: Sùng A Páng, Phàng A Chồng, Sùng A Lo, Giàng A Pó, Thào A Tủa, Thào Thị Sung, Vàng A Chơ, Lý Thị Xây, Giàng A Xây, Vàng A Di đã khởi công xây dựng nhà theo Chỉ thị số 22.

“An cư mới lạc nghiệp”. Với mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025 toàn tỉnh Thanh Hóa có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, thiết nghĩ rất cần phải tập trung nguồn lực và sự chung tay của cộng đồng. Chỉ thị số 22 ngay từ khi ra đời đã hợp “ý Đảng, lòng dân” vì thế nhanh chóng lan tỏa sâu rộng, được các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ, là cơ hội để chúng ta cùng chung tay vì người nghèo, giúp họ có thêm niềm tin và phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]