(vhds.baothanhhoa.vn) - Nơi biên giới Yên Khương, những người lính biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức đồng lòng, đoàn kết của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh... xây dựng bản, làng ngày một ấm no, bình yên.

Nơi biên giới Yên Khương

Nơi biên giới Yên Khương, những người lính biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung sức đồng lòng, đoàn kết của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh... xây dựng bản, làng ngày một ấm no, bình yên.

Nơi biên giới Yên Khương

Đại diện Đồn Biên phòng Yên Khương trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó nhân dịp tổng kết năm học 2024-2025.

Giữ vững an ninh vùng biên

Yên Khương là xã biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, gồm 9 bản với đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng chung sống, đoàn kết, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 97% dân số toàn xã. Là xã biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Đứng chân tại bản Xắng Hằng, xã Yên Khương, Đồn Biên phòng Yên Khương được giao phụ trách, quản lý 6,73km đường biên giới, gồm 3 mốc quốc giới, tiếp giáp với bản Cân thuộc cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Những năm qua, bộ đội biên phòng luôn hoàn thành nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở xã biên giới Yên Khương.

Thiếu tá Lê Xuân Lâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Yên Khương chia sẻ: Thời gian qua, đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo các đội, trạm phối hợp với Công an xã Yên Khương, dòng họ Lò tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đến nay, Yên Khương có 3 hộ gia đình tự nguyện bảo vệ cột mốc, 3 tổ tự quản an ninh biên giới và 20 cá nhân tham gia tự quản đường biên giới; thường xuyên tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc, dọn dẹp, phát quang xung quanh cột mốc, đường biên và tham gia tuyên truyền bảo vệ biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị. Chỉ tính riêng 6 tháng của năm 2025, đơn vị tổ chức tuần tra đơn phương đường biên, mốc giới được 17 lần/85 lượt CBCS; tuần tra song phương được 2 lần/24 lượt CBCS tham gia. Tuần tra, kiểm soát địa bàn, các khu vực đường mòn, lối mở với 105 lượt CBCS tham gia. Phối hợp với công an, quân sự tuần tra đêm bảo vệ địa bàn được 14 lần/70 lượt cán bộ tham gia. Cùng với giữ vững an ninh vùng biên, đơn vị phát huy, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa cặp bản kết nghĩa (bản Xắng Hằng, xã Yên Khương và bản Cân, cụm bản Phôn Xay, nước bạn Lào). Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình địa bàn, trao đổi thông tin giúp nhau phát triển kinh tế và tuyên truyền Nhân dân 2 bên chấp hành các hiệp định, quy chế biên giới. Nhờ đó, những năm qua, đường biên, cột mốc nơi biên giới Yên Khương luôn giữ vững, không xảy ra những trường hợp đột xuất, bất ngờ, đồng bào luôn tin yêu và đồng hành cùng những người lính biên phòng.

Nơi biên giới Yên Khương

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương và người dân tham gia tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Xây dựng bản sáng vùng biên Tứ Chiềng

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Yên Khương tham mưu cho cấp trên và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng “bản sáng” nơi vùng biên. Tứ Chiềng có 110 hộ dân, 510 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Đây là 1 trong 11 bản thuộc các xã biên giới của tỉnh Thanh Hóa được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp lựa chọn xây dựng điểm “Bản sáng vùng biên” từ năm 2024. Bản Tứ Chiềng so với mặt bằng chung của xã Yên Khương còn nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa - xã hội; trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Hạ tầng cơ sở đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều công trình đã xuống cấp, nhất là các thiết chế văn hóa.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ tham gia giúp Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng cơ sở chính trị trong sạch, vững mạnh ở khu vực biên giới góp phần xây dựng nền biên phòng và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, Đảng ủy Đồn Biên phòng Yên Khương xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo thực hiện xây dựng mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” ở bản Tứ Chiềng. Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trên địa bàn xã Yên Khương nói chung, bản Tứ Chiềng nói riêng nắm bắt mục đích, ý nghĩa của mô hình; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ bản, duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ, củng cố hồ sơ sổ sách ghi chép của chi ủy, chi bộ; bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên mới và tham mưu củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị bản; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế.

Nơi biên giới Yên Khương

Trồng cây xanh tại “bản sáng vùng biên” Tứ Chiềng.

Thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp với bản Tứ Chiềng trồng 2.500 cây chè mạn và 30 cây bằng lăng xung quanh nhà văn hóa bản. Cải tạo vườn tạp, hướng dẫn, đầu tư hạt, cây giống cho 5 hộ gia đình làm đất trồng rau sạch quanh vườn. Lắp đặt hệ thống loa truyền thanh phục vụ công tác tuyên truyền; Phối hợp lắp đặt 20 bóng đèn năng lượng mặt trời trên các trục đường chính của bản. Thực hiện mô hình “Vườn đào biên giới”, hỗ trợ 820 cây đào, cây mận tam hoa trồng tại nhà văn hóa bản, các hộ dân và dọc các trục đường. Phối hợp với đoàn Thiện nguyện Nam Quảng Xương thực hiện mô hình “Trồng lúa nếp hạt cau thí điểm”; phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và học sinh trong bản như: Tổ chức “Tết nhân ái”, Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, các hoạt động tặng quà cho người nghèo, người có công với cách mạng, gia đình chính sách; tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó.

Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận bản Tứ Chiềng Lò Văn Trung, cho biết: Năm 2024, bản còn 30 hộ nghèo nhưng đến tháng 6/2025 chỉ còn 18 hộ. Bản phấn đấu đến cuối năm 2026 xây dựng thành công bản NTM, sớm xây dựng thành công “Bản sáng vùng biên”. Sự đổi thay ở Tứ Chiềng có đóng góp quan trọng của những người lính biên phòng.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]