(vhds.baothanhhoa.vn) - Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm những ngày qua, đó là vụ việc xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang, khi một cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép vào người. Sự việc “không bình thường” này, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường.

Nỗi buồn mang tên: Bạo lực học đường

Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm những ngày qua, đó là vụ việc xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang, khi một cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép vào người. Sự việc “không bình thường” này, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường.

Nỗi buồn mang tên: Bạo lực học đườngGiờ dạy Ngữ văn của cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh tại lớp 9B, Trường Tiểu học và THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn).

Khi đạo đức bị lệch chuẩn

Sự việc xảy ra vào ngày 29/11/2023 khi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đi qua được 9 ngày. Học sinh ném dép vào mặt cô giáo. Một hành động phi đạo đức, cá biệt và nghiêm trọng, tưởng như không có thật nhưng đáng tiếc, đó lại là sự thật, gây phẫn nộ, bàng hoàng...

Lâu nay nói về bạo lực học đường, thường đề cập đến xung đột giữa học sinh với học sinh, nạn nhân là học sinh. Nhưng, qua sự việc xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang, thì giáo viên giờ cũng đã trở thành nạn nhân mà ở đó học sinh không chỉ dùng bạo lực tinh thần mà còn dùng cả bạo lực thể chất với chính người thầy của mình. Còn gì xa xót hơn.

Sự việc xảy ra, khi bị học trò bao vây, tấn công, cô giáo đã không thể chống đỡ. Dường như trong cô khi ấy chỉ còn sự đơn độc, tuyệt vọng. Vậy nên, cô bất lực nhìn học trò lăng mạ và thậm chí dùng bạo lực đánh mình đến... choáng, ngất. Càng đáng buồn hơn, khi đây không phải là lần đầu tiên cô bị học sinh xúc phạm, mà trước đó, theo như chia sẻ của giáo viên này, thì: “Việc tôi bị học sinh nhốt trong lớp, đuổi hay chửi, đấm vào lưng giữa sân trường, diễn ra thường xuyên”.

Sự việc đã đi quá xa. Dù cô giáo trước đó đã có những lời nói không chuẩn mực trong giao tiếp với học sinh, tạo những mâu thuẫn kéo dài giữa cô và trò,... thì học sinh cũng không thể “tức nước vỡ bờ” mà “ra tay” với chính cô giáo mình, đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Sự tuyệt vọng của cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang trước hành vi phi đạo đức của học trò đã tạo làn sóng phẫn nộ trong dư luận nhưng có lẽ buồn nhất, tủi nhất chính là những đồng nghiệp của cô - những người đã, đang và sẽ công tác trong ngành giáo dục.

Cũng như nhiều nhà giáo xứ Thanh, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh dạy môn Ngữ văn ở Trường Tiểu học và THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn) không giấu được sự bàng hoàng khi theo dõi vụ việc. “Tôi cảm thấy rất buồn và đáng tiếc bởi sự việc quá phản cảm”. Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh nói. “Từ góc độ của một nhà giáo, trước hết tôi thấy cô giáo chưa kiểm soát được hành vi và cảm xúc của bản thân, chưa tìm ra được cách giải quyết vấn đề khúc mắc với học sinh dẫn đến mâu thuẫn kéo dài quá lâu. Còn cách học sinh hành xử với giáo viên là điều không thể chấp nhận. Một thái độ vô lễ, thô bạo, lệch chuẩn. Thử hỏi ban giám hiệu, các tổ chức trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh ở đâu, làm gì khi cô giáo lên tiếng, khi cô báo cáo. Trong sự việc này, cô giáo có lẽ đã bị “bỏ rơi”.

Đã có nhiều vụ việc xảy ra trong môi trường học đường, là học sinh dùng bạo lực với học sinh, ngay cả giáo viên cũng dùng bạo lực với học sinh còn học sinh bạo hành giáo viên là chuyện “xưa nay hiếm”. Sự việc “không bình thường” xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường.

Ngoài học sinh thì giáo viên, phụ huynh cũng cần thiết phải được tư vấn tâm lý

Nhìn lại những vụ bạo lực học đường đã xảy ra, cho thấy, căn nguyên bắt nguồn từ những mâu thuẫn, với học sinh là nói xấu nhau, tẩy chay nhau,... còn giáo viên vì không đồng tình với học sinh về một vấn đề gì đó nên đã thiếu sự kiểm soát hành vi... Thậm chí bạo lực học đường cũng một phần do phụ huynh tạo nên. Đơn cử như bố mẹ luôn kỳ vọng ở con cái phải có thành tích tốt trong học tập, nhất định không bị điểm kém. Nếu không thực hiện, sẽ bị bố mẹ hoặc mắng chửi hoặc đòn roi. Áp lực dồn nén, khi con đã quá sức chịu đựng, có thể con sẽ chán học và có những suy nghĩ tiêu cực... Cũng liên quan đến phụ huynh, mới đây, ở một trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa đã xảy ra xung đột giữa phụ huynh và giáo viên. Nguyên nhân, một học sinh đánh bạn trong lớp. Điều tra vụ việc, học sinh này đã nhận lỗi và viết bản kiểm điểm. Cô giáo thông báo đến gia đình về hành vi của học sinh. Tuy nhiên, phụ huynh không tin con mình có hành động như vậy và cho rằng cô giáo đổ oan. Do đó, phụ huynh đã có lời lẽ xúc phạm cô giáo.

Tính từ ngày 1/9/2021 cho đến ngày 5/11/2023 cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong số đó có 854 học sinh nữ.

Như đã đề cập, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Để giảm thiểu tình trạng này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Cách đây 3 năm, tổ tư vấn tâm lý ở Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn) ra đời. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ tư vấn là bảo đảm nền nếp kỷ cương học đường. Theo thầy giáo Phạm Xuân Dinh, hiệu trưởng nhà trường, thì: “Công tác tư vấn tâm lý giúp học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường có thể nhận ra các hành vi bạo lực và học cách giải quyết các mâu thuẫn một cách hiệu quả từ gốc rễ vấn đề. Cùng với đó, phải luôn duy trì được mối quan hệ với gia đình học sinh, với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục tích cực”.

Còn ở Trường Tiểu học và THCS Xuân Thịnh (Triệu Sơn), cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng tổ tư vấn tâm lý học đường. Học sinh THCS là lứa tuổi bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý, luôn muốn được hiểu rõ bản thân, được thể hiện. Vì vậy, các em dễ nổi loạn nhưng lại thiếu những hiểu biết và kỹ năng ứng xử nên dẫn đến hành vi, thái độ thiếu chuẩn mực, trong đó có bạo lực học đường”.

Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, trao đổi về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Tới đây sẽ có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường được đào tạo bài bản, tham gia hỗ trợ giáo viên.

Nhìn nhận thực tế, chỉ tư vấn tâm lý cho học sinh chưa đủ. Qua những vụ bạo lực học đường, cho thấy, giáo viên và phụ huynh cũng cần thiết phải được tư vấn tâm lý. Phụ huynh được trang bị những kiến thức về ứng xử với con cái trong gia đình, ứng xử với giáo viên... để cùng đồng hành, chia sẻ. Đối với giáo viên, không chỉ thầy, cô chủ nhiệm mà tất cả các giáo viên bộ môn khác cần phải có kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Trở lại vụ việc ở tỉnh Tuyên Quang, nếu giáo viên có kỹ năng tốt, biết kiểm soát hành vi đồng thời có được sự tư vấn về tâm lý thì có lẽ sự việc đã không bị đẩy lên đỉnh điểm, hậu quả đã không nặng nề...

"Hơn hết cần có quan điểm tiếp cận theo hướng kết hợp giữa xây và chống. Phải có thái độ, biện pháp nghiêm minh để răn đe kịp thời, nhưng quan trọng hơn là cần kiên trì xây dựng môi trường lành mạnh, nền tảng đạo đức vững chắc; cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét thấu đáo và xử lý một cách nhân văn, vì suy cho cùng, mục tiêu giáo dục mới chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới" (Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội).

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]