(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lũ dữ đã qua, nhiều hộ dân sau chạy lũ bắt đầu trở về. Cùng chung nỗi đau như xé ruột trước cảnh tan hoang của ruộng đồng, nhà cửa, thóc lúa trộn bùn, lợn gà chết thối… Trong vô vàn nỗi lo về y tế, giáo dục, người dân lo nhất là đảm bảo lương thực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo sau lũ

(VH&ĐS) Lũ dữ đã qua, nhiều hộ dân sau chạy lũ bắt đầu trở về. Cùng chung nỗi đau như xé ruột trước cảnh tan hoang của ruộng đồng, nhà cửa, thóc lúa trộn bùn, lợn gà chết thối… Trong vô vàn nỗi lo về y tế, giáo dục, người dân lo nhất là đảm bảo lương thực.

Lo về lương thực

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại to lớn về nông nghiệp khi có trên 62.000 ha lúa, rau màu và 9.000 cây ăn qủa bị thiệt hại; trên 24.700 con gia súc, trên 618.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại… nỗi lo về lương thực là không thể tránh khỏi.

Huyện Yên Định, theo báo cáo thiệt hại nhanh trước đó mưa lũ đã khiến toàn bộ 5.500 ha diện tích cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện bị ngập úng hư hỏng, nặng nề nhất là diện tích ngô, ớt và đậu tương; hơn 1.000ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng do nước tràn bờ; gần 100 trang trại, gia trại tổng hợp bị ngập sâu…

Về thôn Thắng Long, xã Yên Lâm, sau những ngày chạy lũ trở về, nhiều hộ gia đình đã không cầm được nước mắt xót xa khi chứng kiến cảnh lợn gà chết thối, thóc gạo trong nhà trộn với bùn đen. Bà Quách Thị Hằng còn chưa hết bàng hoàng cho biết: “Mất trắng hết rồi chú ơi, cả ngoài đồng lẫn trong nhà. Hơn 2 ngày sơ tán tránh lũ trở về, tôi hớt hải khi 5 con dê chết trong chuồng; lợn gà trôi hết. Hai vợ chồng chạy vội ra đồng với hy vọng, 4 sào lúa, 4 sào ngô còn chút vớt vát. Thế nhưng, lúa thì còn có thể vớt vài 3 tạ, ngô thì gần như mất trắng".

Nói rồi bà Hằng lại vốc lên tay một nắm lúa, lúa ngâm nước nên không được vàng mà đen sạm bảo: “Lúa này đi xát chắc nát như tương bần, ăn vào miệng chắc nó cũng hâm hẩm, thum thủm, thế nhưng vẫn còn có mà ăn. Ăn được khoảng 4 tháng thôi, năm nay 5 khẩu của gia đình thiếu gạo nghiêm trọng chú à!”

Gia đình bà Quách Thị Hằng (thôn Thắng Long, xã Yên Lâm, huyện Yên Định) lo lắng khi số lúa vớt vát sau lũ chỉ đáp ứng 4 đến 5 tháng.

Ngoài huyện Yên Định, nhiều huyện khác trong tỉnh như Thường Xuân, Nông Cống, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Lang Chánh,… cũng gánh chịu hậu quả nặng nề từ lũ. Hiện cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nỗi lo môi trường, dịch bệnh và lương thực đang cần tới sự chung tay của cộng đồng.

Với huyện Thạch Thành những ngày sau lũ, phần lớn người dân đã trở về nhà, chỉ còn số ít hộ vẫn phải sơ tán do ngập, thế nhưng nỗi lo thường trực lúc này với bà con nơi đây cũng không ngoài nguy cơ thiếu thốn về lương thực, thực phẩm. Trong đợt lũ vừa qua, huyện gánh chịu hậu quả nặng nề khi có tới 3.748 hộ phải di dời; 16.839 nhân khẩu phải di tán; 4.155 căn nhà bị ngập chìm trong nước; hàng nghìn héc ta hoa màu, lúa bị ngập hư hỏng; cả nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Ông Nguyễn Trọng Hùng - Chủ tịch UBND xã Thạch Định không khỏi lo lắng khi sức ép về lương thực, thực phẩm trong thời gian tới là không thể tránh khỏi, nguy cơ tái nghèo cao.

Trước nỗi lo về lương thực, thực phẩm sau lũ, những ngày qua UBND tỉnh, các tổ chức đoàn thể, MTTQ, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên cùng các sở, ban, ngành và hàng trăm đơn vị thiện nguyện trong và ngoài tỉnh đã chung tay cứu trợ bà con vùng lũ về gạo, mắm muối, mì tôm, quần áo, sách vở… Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế!

Môi trường, dịch bệnh, giao thông…

Ngoài nỗi lo về lương thực, lũ lụt cũng khiến cho nhiều địa phương thiệt hại to lớn về cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà cửa, những vấn đề về môi trường và dịch bệnh. Chiều ngày 19/10, chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá thiệt hại, công tác khắc phục hậu qủa và xem xét chính sách hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã chỉ đạo các ngành, các huyện, thị xã thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất và đảm bảo đời sống cho nhân dân; đề nghị các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp là tu bổ, trả lại thiết kế ban đầu đối với những công trình hạ tầng bị ảnh hưởng do mưa lũ…

Thực hiện chỉ đạo, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp tạm cho các huyện bị ngập nặng, có nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi hơn 7.000 lít hóa chất. (riêng huyện Thạch Thành 2.000 lít). Trong khi đó, để sớm khắc phục đi vào thông tuyến giao thông, ngày 17/10, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 3918 phê duyệt chủ trương và hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp ảnh hưởng của bão số 2 đối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh trước đó, với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 8 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp các tuyến đường giao thông tại các huyện Lang Chánh, Vĩnh Lộc, Yên Định…

Riêng tại các địa phương, công tác khắc phục hậu quả sau lũ cũng đang được triển khai gấp rút. Huyện Nông Cống, sau khi nước rút đã để lại số lượng lớn rác thải, xác động vật, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh sau lũ. Đồng thời, chủ động triển khai các hoạt động bảo đảm vệ sinh môi trường, nước sạch, khơi thông cống rãnh, sửa chữa các công trình vệ sinh bị hư hỏng. Tiến hành tổ chức phun hóa chất khử trùng toàn bộ các vùng bị ngập lụt và hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt…

Sau khi nước rút, Trung tâm y tế huyện Thạch Thành đã cử cán bộ cùng với các trạm y tế tăng cường xuống các xã bị ngập lụt để giúp người dân khử khuẩn các giếng nước sinh hoạt, phun hóa chất tiêu độc khử trùng xử lý môi trường tại khu vực trường học, chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh tại các hộ gia đình. Cũng tại huyện rốn lũ này, lãnh đạo Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Trung tâm Y tế huyện đã cấp cho các xã bị lũ 208kg CloraminB bột và 7 cơ số thuốc phòng chống dịch. Tại huyện Yên Định, ngày 16/10 ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết, sau hai ngày nỗ lực huy động 7 máy xúc, 10 xe tải và hơn 200 nhân công tác đã hoàn tất công tác thu gom, xử lý gần 6.000 xác lợn chết tại trại lợn của Công ty Thái Dương; cùng các biện pháp khắc phục khác…

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]