(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không chỉ thực trạng lấn sông bóp nghẽn dòng chảy vùng thượng lưu; tình trạng các cơ sở xả thải ô nhiễm ra môi trường; nạn khai thác cát với hệ lụy hàng trăm héc ta đất nông nghiệp biến mất... mà xuôi dòng về phía cuối hạ nguồn, trước khi sông Mã đổ ra biển Đông, người dân đôi bờ cũng đang vật vã “kêu cứu”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo sông Mã bị “bức tử” (Kỳ cuối): Hạ nguồn... “kêu cứu”

(VH&ĐS) Không chỉ thực trạng lấn sông bóp nghẽn dòng chảy vùng thượng lưu; tình trạng các cơ sở xả thải ô nhiễm ra môi trường; nạn khai thác cát với hệ lụy hàng trăm héc ta đất nông nghiệp biến mất... mà xuôi dòng về phía cuối hạ nguồn, trước khi sông Mã đổ ra biển Đông, người dân đôi bờ cũng đang vật vã “kêu cứu”!

Dọc tuyến tả - hữu sông Mã vùng hạ lưu, bấy nay nổi lên với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, cái nghề “tổ đời” này đang đứng trước nguy cơ mai một... vì nước sông ô nhiễm.

Có mặt tại xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) - một trong những xã dọc bờ tả sông Mã cũng như các xã Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Cư (TX Sầm Sơn)... có nghề nuôi tôm quảng canh. Thế nhưng, một thực trạng buồn khi người dân nơi đâyđang phải cố bám giữ lấy cái nghề một thời giúp họ thoát nghèo. Hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Bảo, thôn 2 xã Quảng Phú, TP Thanh Hóa ngao ngán: “Mấy năm trở lại đây nuôi tôm sú, nuôi cua chết dần chết mòn, không cho lãi lời vì nguồn nước trên sông Mã bị ô nhiễm”.

Sở dĩ người dân không mấy mặn mà với cái nghề bao đời cũng bởi, theo họ kể từ khi hình thành Khu công nghiệp Lễ Môn với nhiều nhà máy, xí nghiệp... thì đồng nghĩa với việc nguồn nước bị ô nhiễm. Người dân lý giải, nước thải từ cụm công nghiệp này xả trực tiếp ra sông Thu Thuỷ, rồi tuồn qua cống Quảng Châu (địa phận xã Quảng Châu) đổ ra sông Mã. Khi người dân lấy nước vào đồng thì tôm, cua bị chết. Không chỉ xã Quảng Phú mà dọc tuyến sông này, các xã Quảng Thọ, Quảng Châu nghề nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm công nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước sông Mã phía hạ nguồn ô nhiễm.

Trong khi đó, phía bên kia bờ hữu sông Mã các xã Hoằng Đông, Hoằng Phong, Hoằng Tân, Hoằng Châu,... cũng đang phải gánh chịu hệ lụy từ nguồn nước sông ô nhiễm. Tại xã Hoằng Phụ - điểm cuối của sông Mã trước khi đổ ra biển Đông, xã này đang phải đối mặt với vấn đề môi trường được xem là nặng nề nhất. Dọc bờ sông Mã dài hơn 1km của xã này chỉ rác là rác.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (thôn 2) có hơn 2 ha nuôi trồng thủy sản, song nhiều năm trở lại đây thu nhập từ đồng tôm đã không còn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Chồng, con bà Oanh phải chuyển lên cạn làm thêm các nghề như xây dựng, bốc vác; còn bản thân bà thì đi lấy rau câu kiếm thêm thu nhập. “Ở đây nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân trước tiên là lượng rác thải, rồi đến nước thải từ các đồng nuôi tôm công nghiệp, từ khu công nghiệp nhà máy phía trên hạ lưu” - bà Oanh bức xúc.

Người dân Hoằng Phụ lo lắng khi nguồn nước sông Mã bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy hải sản mà còn đang trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ lo lắng: Xã có hơn 1km đường sông, có 4 thôn dọc bờ sông Mã (3 thôn khai thác gồm Bắc Sơn, Hợp Tân, Tân Xuân, 1 thôn bãi ngang)... Vì nguồn nước sông Mã ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của bà con nhân dân. Trước những năm 1990, Hoằng Phụ là một trong những xã nuôi trồng thủy hải sản đạt năng suất cao nhất của huyện Hoằng Hóa. Song từ năm 2002 trở lại đây, Nhà nước đưa vào quy hoạch các khu công nghiệp, rồi các nhà máy sản xuất dọc đôi bờ sông Mã mọc lên như nấm...với những vi phạm trong hoạt động môi trường nên cái nghề một thời “hái ra tiền” nay cũng không còn.

“Gần đây, phía Trung tâm y tế huyện cũng đã giao cho Trạm y tế lấy các mẫu nước tại các giếng gia đình gửi đi phân tích. Thế nhưng, khi chưa có kết quả chính thức, tin vui với xã Hoằng Phụ là sắp tới Hoằng Phụ là một trong 8 xã vùng biển của huyện Hoằng Hóa được đầu tư hệ thống nước sạch. Dù không giải quyết triệt để về môi trường nhưng sức khỏe của người dân cũng được đảm bảo.”ông Bình hồ hởi.

Niềm vui “dự án nước sạch” của Hoằng Phụ không phải xã nào dọc đôi bờ sông Mã cũng được thụ hưởng. Dọc tuyến sông này còn nhiều xã, phường của các huyện, thị, thành phố đang phải từng ngày chung chịu với nguồn nước có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gieo rắc bệnh tật. "Nước ô nhiễm cá còn không sống được thì con người sao dám dùng. Chúng tôi mua nước trên cạn để ăn uống, còn nước sông thì chỉ để tắm rửa, vo gạo, rửa rau thôi! Cũng chả biết việc rửa rau, tắm giặt hay ăn con tôm, con cá có bị mần răng không!?” - lão chài Nguyễn Văn Kính, thôn Kìm, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy băn khoăn.

Đình Giang - Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]