Nói với cây cầu
Cầu có buồn không, khi nước lũ cầu không sợ, nhưng cầu sợ lòng tham của số ít con người.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Một sớm dạo bước ven sông, nhìn cây cầu quen thuộc ẩn hiện trong màn sương trắng mỏng mảnh, bỗng thấy thương cây cầu biết bao. Cầu ơi, bao năm rồi cầu trơ gan cùng tuế nguyệt, dãi nắng dầm mưa, đêm ngày cầu chìa lưng đỡ người xe qua sông nhanh chóng và tiện lợi. Cầu có đau, có mỏi không, hay cầu chỉ thấy vui khi giúp ích được cho đời?
Từng lớp sương mai như dòng sữa quyện dưới chân cầu, vừa vuốt ve, che chở, lại như tô son điểm phấn cho cầu. Từng nhịp thép vươn lên như nét vẽ giữa bức nền bình minh đỏ sậm, mạnh mẽ, cứng cáp mà sao lại rất tình.
Nắng tô cho vai cầu thêm vững chắc, mưa mát lành rửa trôi bụi bặm nhọc nhằn. Gió thổi qua nhịp cầu tạo thanh âm như tiếng sáo, để cầu hiền hoà đứng bên dòng nước lóng lánh trôi. Hoàng hôn rơi, mặt trời treo trên đỉnh nhịp cầu, kéo bầu trời xuống thấp, cầu như chiếc giá “treo” mặt trời chênh vênh.
Hối hả tan tầm, cầu gồng mình cõng trên lưng mình dòng người xe nườm nượp. Những chiếc xe cứ đè nghiến lên mặt cầu mà vô tư lăn qua. Rồi có chiều đông vắng, cầu nghiêng mình như cô gái thả tóc dưới hoàng hôn, dang tay che cho đôi tình nhân nắm tay nhau đi trên cầu, ngắm sông, ngắm nước. Mặt cầu đỡ đôi chân hai bạn, từng nhịp rung rinh của cầu như hoà nhịp trái tim.
Dưới chân cầu nước chảy. Trên triền đê lau trắng phất phơ bay. Cầu đi cùng thời gian, qua ngày mưa giông, nắng lửa, hay ngày nắng ấm chan hòa. Nước dưới chân cầu có mùa trong, mùa đục, thuyền bè thong thả lại qua suốt bốn mùa. Mùa nước lặng hiền hòa, nước như cứ quẩn quanh bên chân cầu. Thế nhưng, mùa lũ nước lại chồm lên hung dữ như muốn nuốt chửng cây cầu. Cầu gồng mình, nhưng không nghiêng mình, vẫn kiên gan đưa người xe qua lại.
Chân cầu cũng là nơi thuyền bè neo đậu. Thuyền đấy, bè đây, lại tựa lưng vào cầu như người ta ngồi dựa vào tường mà ngơi nghỉ, mặc cho con nước cứ thế trôi.
Cầu lặng lẽ tận hiến hết sức mình như trả ơn đời, trả ơn những người đã đo đạc, khảo sát, thiết kế cây cầu. Những bàn tay, khối óc của kỹ sư, công nhân và bao máy móc đã xây dựng nên cầu, nối liền hai bên bờ sông thương nhớ.
Có cầu rồi, cuộc sống hai bên bờ được nối liền thành một, không còn cách trở đò giang. Cầu ngả bóng xuống sông, cong cong giữa nền trời, tạo nên cảnh quan thật đẹp, thành nơi hò hẹn trong đêm trăng sáng, gái trai cùng nhau hóng gió trên cầu, kể những câu chuyện yêu thương.
Khác hẳn ngày xưa, muốn qua sông phải lụy đò. Tiếng gọi "Đò ơi..." kéo dài mênh mang trên mặt nước giờ đây chỉ còn trong ký ức. Ở đất nước này, nơi đâu cũng chằng chịt kênh rạch, sông ngòi. Nếu thiếu bóng cây cầu, đi lại sẽ thật khó khăn. Làng quê hay đô thị nào cũng luôn gắn với con sông. Nước vừa là nguồn sống, nguồn tưới tiêu nuôi trồng, cũng là con đường vận tải.
Có bao điều trên đời không hề tự nhiên mà có, mà được sinh ra từ ý chí và sức lao động của biết bao con người, như những cây cầu bắc qua sông rộng. Người có thể không nhớ, nhưng cầu thì nhớ. Nếu không có cầu, chẳng thể kết nối được đôi bờ. Chỉ ở hai phía một con sông, mà cuộc sống đã khác biệt. Có khi bên này là phố xá đông vui, bên kia lại là rừng sú, vẹt. Có cầu, khoảng cách được kéo gần, không còn cần đến những mái chèo cần mẫn. Chỉ một chút thời gian thôi là đã tới được bờ bên kia.
Liệu có ai vô tâm mà không biết ơn cầu? Vẫn có những kẻ vì lợi mà làm tổn thương cầu. Họ hút cát khiến chân cầu trơ ra phần móng trụ. Nhìn chân cầu chỉ còn khẳng khiu vài cột trụ, nỗi lo sợ mơ hồ về tai họa lại xảy ra.
Cầu có thể gánh người, xe, hàng hóa, nhưng không thể gánh được lòng tham của con người. Đến một giới hạn nào đó, cầu không thể gắng gượng, khuỵu xuống, để dạy con người bài học về lòng biết ơn và hậu quả của ích kỷ, tham lam.
Cầu có buồn không, khi nước lũ cầu không sợ, nhưng cầu sợ lòng tham của số ít con người.
Phạm Minh Tuấn
{name} - {time}
-
2025-01-12 19:30:00
Khoai sắn ngày Đông!
-
2025-01-11 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Tết ở đâu xa
-
2025-01-11 14:36:00
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2024: Danh sách tác phẩm và tác giả đoạt giải
Gặp lại đồng đội
Giao thừa ấm áp
Ký ức!
Ra mắt tập thơ “Hồ Chí Minh - Người tin ở con người”
Khởi sắc lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Thanh Hóa - nhìn từ các giải thưởng Trung ương
Tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Chile Papelucho ra mắt tại Việt Nam
NSND Đặng Thái Sơn: Bố tôi đã trở thành nhà thơ Đặng Đình Hưng của mọi người
100 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Thi: Người nghệ sỹ đa tài, nhà văn hóa lớn