(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân sinh sống quanh các khu vực khai thác, chế biến đá ngày đêm “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi đường sá xuống cấp, khói bụi và tiếng ồn từ máy cắt, khoan đá, còi xe...

Ô nhiễm môi trường tại các mỏ khai thác, chế biến đá

Người dân sinh sống quanh các khu vực khai thác, chế biến đá ngày đêm “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi đường sá xuống cấp, khói bụi và tiếng ồn từ máy cắt, khoan đá, còi xe...

Ô nhiễm môi trường tại các mỏ khai thác, chế biến đáVào mùa nắng nóng cũng như mùa mưa, người dân khu phố Nam Hưng, phường An Hưng (TP Thanh Hóa) đều bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn do gần các khu chế biến, khai thác đá.

Chúng tôi tìm về xã Hà Tân (Hà Trung) trong một ngày nắng nóng như đổ lửa, con đường bê tông liên xã chạy qua đây luôn trong tình trạng quá tải bởi hàng chục chiếc xe vận tải nối đuôi nhau vận chuyển vật liệu. Dù ở khoảng cách khá xa nhưng vẫn thấy được khói bụi bay mù mịt. Cũng dễ hiểu, bởi trên địa bàn xã có trên 10 điểm mỏ khai thác đá được cấp phép, hoạt động. Theo quan sát, mật độ các mỏ đá dày đặc, hoạt động liên tục khiến môi trường bị ô nhiễm. Chưa kể tiếng nghiền đá với những âm thanh chát chúa, tiếng còi xe inh ỏi... tạo ra những áp lực to lớn tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Một số hộ dân ở thôn Nam Thôn (Hà Tân) cho biết, từ trong nhà ra ngoài đường, cây cối luôn bị phủ một lớp bụi trắng xóa, nhà nào nhà nấy luôn phải sống khép mình bên trong bởi không chịu được khói bụi, tiếng “gầm, rú” của máy móc... Mùa nắng nóng, hễ có giông gió, khói bụi từ các đại công trường tạt hết vào nhà dân gây bụi mù mịt. Mùa mưa, đường sá nhầy nhụa, trơn trượt.

Theo người dân thôn Quan Tương (Hà Tân) mặc dù chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, quá tải. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong quá trình khai thác, chế biến đá còn để lại nhiều “lỗ hổng” trong xử lý nước thải tập trung, tình trạng rò rỉ nước thải lẫn bột đá ra môi trường. Chất thải từ bột đá chưa có giải pháp xử lý triệt để, phương tiện vận chuyển khoáng sản của các cơ sở khai thác chế biến đá còn sơ sài, riêng bụi có nồng độ ô nhiễm cao, tập trung dọc theo tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu.

Ô nhiễm môi trường tại các mỏ khai thác, chế biến đáHoạt động trong khai thác, chế biến tại các mỏ đá để lại nhiều hệ lụy cho môi trường và người dân.

Còn tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa) hiện có 3 mỏ khai thác, chế biến đá, mấy năm gần đây nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng xe ra vào ít hơn, nhưng không vì thế mà môi trường tại đây không bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Minh Tính, Bí thư chi bộ khu phố Nam Hưng cho biết: Dù cách xa khu dân cư nhưng bụi từ bột đá, tiếng ồn, khói bụi của xe chở đá... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Khảo sát ở nhiều gia đình sinh sống dọc tuyến đường từ ngã ba Nhồi đến cổng trại giam Thanh Phong, hầu hết đều cho biết: Chúng tôi đóng kín cửa nhà cả ngày, nếu không bụi đá bay vào bên trong ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm và vật dụng. Một số hộ không chịu đựng được còn phải bán nhà, chuyển nơi khác ở. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bà con cũng nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường để chính quyền địa phương sớm có cách khắc phục...

Qua tìm hiểu, TP Thanh Hóa có 9 điểm mỏ khai thác, chế biến đá, có những mỏ thời hạn khai thác đến 30 năm. Thời gian qua, nhìn chung, các chủ mỏ đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, chế biến, còn nhiều bất cập. Tại cụm công nghiệp núi Vức hiện tồn tại một bộ phận các hộ sản xuất, kinh doanh đá nhỏ lẻ chưa có đầy đủ thủ tục về thuê đất, giao đất cũng như hồ sơ về môi trường. Chưa đầu tư hệ thống thoát nước mưa, thu gom, xử lý nước thải. Trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường như bụi đá, tiếng ồn, ảnh hưởng khu dân cư xung quanh. Bột đá không được nạo vét thường xuyên, các hố lắng bị ứ đọng dẫn đến nước thải chảy qua sông nhà Lê, hoặc chảy tràn ra môi trường và tự thấm xuống đất... Qua công tác kiểm tra, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố đã tiến hành lập biên bản xử lý 6/10 đơn vị được kiểm tra về hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt 245 triệu đồng.

Để đảm bảo môi trường trong quá trình hoạt động cũng như vận chuyển đá, UBND TP Thanh Hóa tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở lắp đặt thêm hệ thống phun sương để giảm thiểu bụi bẩn phát tán, thường xuyên nạo vét các hố lắng không để nước thải chảy tràn, lắp đặt hệ thống các chân đế cao su để giảm thiểu tiếng ồn, bố trí thùng chứa rác thải sinh hoạt...

Bài và ảnh: Lê Viết



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]