Phát huy vai trò người có uy tín trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, thời gian qua đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn huyện Như Xuân luôn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ việc tuyên truyền, vận động của người có uy tín, người dân thị trấn Yên Cát đã tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thổ.
Là người có uy tín ở khu phố Thấng Sơn, thị trấn Yên Cát, ông Lê Ngọc Tuấn luôn được bà con trong khu phố quý mến vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Trong những năm qua, được “Đảng cử, dân tin” bầu làm trưởng khu phố, ông Tuấn luôn nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương, đặc biệt là tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thổ.
Ông Tuấn chia sẻ: "Người Thổ ở Thấng Sơn chiếm khoảng 95% dân số của toàn khu phố. Tự hào với nét văn hóa phong phú, đặc sắc của mình, vì vậy cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành thì mỗi người dân đều phải có ý thức trong việc chung tay gìn giữ, phát huy những bản sắc văn hóa đó. Với trách nhiệm là người đứng đầu thôn, tôi luôn động viên, khuyến khích bà con trong việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, trang phục... của dân tộc mình".
Để người dân chung tay phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, ông Tuấn luôn là hạt nhân tích cực, không chỉ nói được tiếng Thổ mà còn sưu tầm và truyền dạy văn hóa dân gian của dân tộc như: hát đúm, hát ru, hát chậm đò ho. Ông cũng là người đóng vai trò trong việc gắn kết giữa các thế hệ với nhau để thành lập đội văn nghệ, thu hút được đông đảo bà con tham gia trong việc giữ gìn văn hóa dân gian của dân tộc Thổ. Bên cạnh đó, ông cũng tích cực tuyên truyền trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư nơi có đồng bào dân tộc Thổ sinh sống tích cực nói tiếng Thổ; khuyến khích người dân mặc những trang phục truyền thống trong những ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước; vận động Nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đóng góp vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thổ trên địa bàn thị trấn Yên Cát, còn phải kể đến người có uy tín Lê Văn Tình ở khu phố 4. Bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, tại các buổi họp khu phố và cộng đồng, ông thường xuyên tuyên truyền cho bà con gìn giữ và phát huy những phong tục, sinh hoạt, tập quán tốt đẹp,... trong đồng bào dân tộc mình. Đồng thời với vai trò là trưởng ban liên lạc dòng họ Lê ở Như Xuân, ông Tình đã tích cực kêu gọi mọi người trong dòng họ đóng góp tiền để trùng tu, tôn tạo đình Thi là nơi thờ Tướng quân Lê Phúc Thành - người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là di tích đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh và là một nét văn hóa tâm linh mang đậm màu sắc của đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Thổ ở Như Xuân.
Ông Tình và ông Tuấn chỉ là hai trong số rất nhiều người có uy tín đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ trên địa bàn huyện Như Xuân. Với 124 người có uy tín ở 127 thôn, bản, gồm 4 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh, trong đó đồng bào dân tộc Thổ tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và các xã: Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Bãi Trành, Xuân Bình, Bình Lương với khoảng 10.000 người. Trong những năm qua, để công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Như Xuân luôn quan tâm bằng những việc làm cụ thể, như trong đồng bào dân tộc Thổ thực hiện việc sưu tầm, khôi phục các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội; phục dựng lưu giữ tiếng nói, trang phục; khôi phục lễ hội dân gian của người Thổ... Đặc biệt để người dân hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc tại địa phương mình, một trong những giải pháp quan trọng luôn được huyện chú trọng, quan tâm, đó là phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín.
Với vai trò của mình, bằng tinh thần, trách nhiệm và tình yêu với văn hóa của dân tộc mình, nhiều năm qua đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Như Xuân luôn trăn trở, tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhiều người đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Họ đã và đang góp phần “thổi hồn” dân tộc đến từng người dân, từ đó giúp mọi người hiểu, yêu mến và cùng có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần cùng nhau xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-05-16 08:05:00
Phát triển du lịch từ các danh hiệu, giải thưởng quốc tế
Quảng bá du lịch Việt Nam qua TikTok
Cận cảnh những bức chạm nổi về “giang sơn Việt Nam” trên Cửu đỉnh
22 bộ phim cạnh tranh giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes
Đồng hành để trẻ thành công trong thời đại số
Tổ chức triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
Sao lại gọi con ếch là “gà đồng”?
Lễ hội làng Phú Khê: Rước thần về thăm mẹ
Liên hoan phim AI hé lộ một tương lai mới của ngành điện ảnh thế giới
Khơi thông nguồn lực xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao