(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực tế phát triển du lịch tại một số khu BTTN trong cả nước cho thấy, do sự phát triển nhanh của hoạt động du lịch đã dẫn đến những tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa như: vấn đề rác thải, sự tác động lên cảnh quan, săn bắt chim, thú, bẻ cây, xâm hại các nhũ đá trong hang động... gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính nguyên vẹn của các khu BTTN.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên (Bài cuối): Cần phải bảo vệ các giá trị tài nguyên

(VH&ĐS) Thực tế phát triển du lịch tại một số khu BTTN trong cả nước cho thấy, do sự phát triển nhanh của hoạt động du lịch đã dẫn đến những tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa như: vấn đề rác thải, sự tác động lên cảnh quan, săn bắt chim, thú, bẻ cây, xâm hại các nhũ đá trong hang động... gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính nguyên vẹn của các khu BTTN.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999 theo quyết định số 495 ngày 27/3/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nằm trên địa phận của 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Khu BTTN Pù Luông cùng với VQG Cúc Phương và Khu BTTN Ngọc Sơn của tỉnh Hoà Bình tạo thành liên khu sinh cảnh đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, là một khu vực đại diện điển hình quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, có diện tích rộng lớn và có giá trị đa dạng sinh học cao còn lại duy nhất trên vùng đất thấp miền Bắc Việt Nam, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế xác định là khu vực ưu tiên cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây hoạt động du lịch sinh thái đã và đang tác động trực tiếp đến hệ sinh thái rừng tự nhiên và các vấn đề xã hội khác cần được quan tâm. Ngay từ khi thành lập khu bảo tồn, BQL đã chú trọng đến việc thu hút cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học cùng với phát triển hoạt động du lịch. Vì thế, tại đây, không di dời người dân ra khỏi khu bảo tồn mà để người dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên. Đến nay, Hiệp hội Du lịch sinh thái Pù Luông đã có 17 hộ gia đình kinh doanh du lịch. Các hộ gia đình này được tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (FFI) đầu tư, trang bị về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các dịch vụ kèm theo. Hiện nay, mỗi nhà nghỉ (homestay) có thể đón và phục vụ tới 80 khách, được trang bị nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhà sàn từ 3 đến 5 gian sạch sẽ và chắc chắn, một số nhà nghỉ còn có thêm từ 1 đến 3 chòi nghỉ dành cho 2 người. Trong đó, công tác đầu tư xây dựng đều tuân thủ và đảm bảo cho hoạt động du lịch thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nhằm phát triển du lịch gắn với bảo vệ các giá trị tài nguyên thiên nhiên, BQL Khu BTTN Pù Luông cũng đã đề ra định hướng, chiến lược một cách cụ thể. Trong đó, BQL Khu BTTN Pù Luông đã đề nghị UBND tỉnh cho đơn vị xây dựng phương án thu phí thăm quan du lịch sinh thái Pù Luông, đồng thời hỗ trợ đầu tư kinh phí để đơn vị triển khai thực hiện một số hoạt động đến cộng đồng như: đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng mới hoặc lựa chọn, hỗ trợđể nâng cấp một số nhà dân trong cộng đồng thôn làm nhà nghỉ du lịch; đào tạo về kỹ năng bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; lắp đặt một số bảng chỉ dẫn du lịch trên các tuyến đường vào khu du lịch; tập huấn cho người dân bản địa về bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp...

Khu BTTN Xuân Liên được BQL kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Cùng với Khu BTTN Pù Luông, các khu BTTN khác trên địa bàn tỉnh như khu BTTN Xuân Liên, khu BTTN Pù Hu cũng đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch. Trong đó, khu BTTN Xuân Liên (Thường Xuân) đã đề ra quy định phát triển du lịch sinh thái tuyệt đối không được tác động đến vùng lõi, xây dựng cơ sở vật chất theo hướng sinh thái, không bê tông hóa khu vực khu bảo tồn.

Theo TS. Phạm Hồng Long - Khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV: Để phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các vườn quốc gia (VQG), khu BTTN cần chú ý một vấn đề trọng tâm như: xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các VQG và khu BTTN làm cơ sở định hướng phát triển trên phạm vi toàn quốc và ở từng địa phương. Đẩy mạnh quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo các vùng, lãnh thổ, đến từng khu rừng đặc dụng, VQG, khu BTTN là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo phát triển du lịch sinh thái đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, xã hội, nhân văn của các vùng, lãnh thổ, cộng đồng dân cư... Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao chất lượng và có cơ chế tạo điều kiện làm việc cho nhân lực làm du lịch sinh thái để chuyên nghiệp hóa hoạt động, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức về môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái tại các VQG, khu BTTN. Ngoài ra, cần có chính sách và quy định đối với các tổ chức kinh doanh du lịch để đảm bảo có sự chia sẻ lợi nhuận bằng vật chất cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường nơi các tổ chức này khai thác phát triển du lịch. Đồng thời chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà nghỉ, nhà ăn, trạm dừng chân, chòi quan sát, đường mòn... sao cho thích hợp với nhiệm vụ bảo tồn, không để công tác xây dựng cơ sở vật chất trở thành nguyên nhân của sự tàn phá môi trường. Tất cả cần hướng đến sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên.

Hoài Anh - Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]