(vhds.baothanhhoa.vn) - Cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ cùng nhiều điều thú vị ẩn chứa trong 623ha rừng tự nhiên của khu bảo tồn (KBT) các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, là tiềm năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Phát triển du lịch tại khu bảo tồn các loại hạt trần quý hiếm Nam Động

Cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ cùng nhiều điều thú vị ẩn chứa trong 623ha rừng tự nhiên của khu bảo tồn (KBT) các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, là tiềm năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Phát triển du lịch tại khu bảo tồn các loại hạt trần quý hiếm Nam ĐộngKhách du lịch khám phá bản Ngàm, xã Sơn Điện.

Với lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, các KBT tại Thanh Hóa đã phát huy thế mạnh, phát triển nhiều loại hình du lịch, trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích, nổi tiếng như KBT thiên nhiên Pù Luông. Đây cũng là một lợi thế của du lịch Thanh Hóa khi sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên giàu có, tập trung chủ yếu tại Vườn quốc gia Bến En, các KBT thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên và KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động.

Cách TP Thanh Hóa 150km về phía tây Bắc, KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động thuộc Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã và đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi khám phá vùng cao xứ Thanh. Theo ông Trần Ngọc Thông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa; “KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động có trên 623ha rừng tự nhiên. Qua điều tra, hiện KBT có 673 loài thực vật, trong đó có 9 loài thực vật hạt trần đặc hữu quý hiếm, gồm: thông pà cò, đỉnh tùng, dẻ tùng sọc hẹp, dẻ tùng sọc rộng, thông đỏ đá vôi, thông tre lá dài, gắm núi, gắm lá rộng; 467 loài cây dược liệu, trong đó có 30 loài dược liệu nguy cấp quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật nơi đây cũng vô cùng phong phú với 217 loài, trong đó có 45 loài động vật được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN, sách Đỏ Việt Nam. Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu khoa học lâm nghiệp đã phát hiện một số loài linh trưởng quý hiếm với số lượng lớn ở vùng lõi của KBT”. Sự đa dạng sinh học nhất là về hạt trần quý hiếm của KBT đã thu hút nhiều khách du lịch yêu thiên nhiên cả trong nước và quốc tế.

Và đây cũng chính là cơ sở để KBT xây dựng các chương trình, dự kiến các điểm, khu vực tổ chức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong đó, dự kiến các tuyến du lịch, gồm: Tuyến 1, từ trung tâm du khách Trạm Kiểm lâm Nam động đi khám phá 6 bản vùng đệm còn giữ nguyên bản sắc văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc, đặc biệt là khám phá văn hóa dân tộc người Thái; Tuyến 2, liên kết lồng ghép khớp nối quy hoạch du lịch sinh thái KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động với KBT thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông; Tuyến 3, tuyến du lịch sông nước, từ trung tâm du khách Trạm Kiểm lâm Nam Động đi du ngoạn dọc theo sông Luồng, đi các bản người Mường, người Thái xã Nam Động, huyện Quan Hóa và xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn; Tuyến 4, du lịch tìm hiểu hệ sinh thái rừng, du lịch mạo hiểm leo núi, khám phá hệ sinh thái rừng KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động và chinh phục đỉnh Pha Phanh (1.205m) nơi phân bố đặc trưng quần thể thông Pà Cò... Theo đó, trong thời gian tới KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động sẽ tập trung kêu gọi các chương trình, dự án để phát triển đa dạng các loại hình du lịch trong vùng lõi của khu bảo tồn; xây dựng phân khu du lịch gồm trung tâm du khách, hệ thống bảng biểu giới thiệu, công trình phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, bến thuyền trên sông Luồng; hỗ trợ, phát triển văn hóa dân tộc cho cộng đồng 11 bản sinh sống tại vùng đệm... góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đa dạng hệ sinh thái gắn với bảo vệ bền vững rừng tự nhiên.

Thời gian qua, tại vùng đệm của KBT, chính quyền và người dân nơi đây đã tận dụng lợi thế phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Điển hình như xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn. Trong đó, bản Ngàm đã và đang trở thành điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở xứ Thanh. Bên cạnh cảnh thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ bản Ngàm vẫn giữ được hàng chục ngôi nhà có kiến trúc độc đáo cùng nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Hiện bản Ngàm có 75 hộ dân, thì đã có 23 hộ đăng ký làm du lịch, đã có 11 hộ xây dựng được homstay, đủ điều kiện đón khách lưu trú qua đêm. Chị Lữ Thị Nguyện (bản Ngàm, xã Sơn Điện), một trong những hộ dân làm du lịch sớm nhất của xã cho biết: Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên khi nằm trong vùng đệm của KBT, được sự khích lệ của chính quyền, gia đình đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư cải tạo, xây mới cơ sở lưu trú, điểm ăn uống phục vụ khách du lịch. Nhờ có hoạt động du lịch, nay đời sống của Nhân dân chúng tôi đã có nhiều nét khởi sắc. Du khách đến đây cũng rất hài lòng khi được trải nghiệm bản sắc văn hóa và ẩm thực nơi đây”.

Vùng đệm của KBT các loài hạt trần quý hiếm Nam Động gồm 4 xã của các huyện Quan Sơn và Quan Hóa, có 3 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Thái... Đồng bào các dân tộc nơi đây còn lưu giữ được các giá trị văn hóa đặc sắc như nhà sàn cổ, ẩm thực bản địa, các trò chơi, trò diễn dân gian và các lễ hội truyền thống. Trong đó lễ hội Mường Xia đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên rừng nguyên sinh Nam Động gắn với việc khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch, trong đó có du lịch xanh, du lịch sinh thái cộng đồng ở vùng đệm của KBT sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương là hướng đi mới, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững rừng tự nhiên nơi đây.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]