(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiếng trống khai trường đã điểm, cùng với cả nước, thầy, trò ở các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025 với niềm tin, khí thế và quyết tâm mới hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà.

Phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Tiếng trống khai trường đã điểm, cùng với cả nước, thầy, trò ở các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh hân hoan bước vào năm học mới 2024-2025 với niềm tin, khí thế và quyết tâm mới hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà.

Phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp giáo dục và đào tạoCô, trò Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh (Đông Sơn) hân hoan chào đón năm học mới 2024-2025.

Sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà trong năm học 2023-2024 tiếp tục “gặt hái” nhiều thành quả, nhất là công tác xây dựng đội ngũ. Năm học 2023-2024, Trung ương đã phân bổ bổ sung biên chế cho ngành giáo dục Thanh Hóa 2.654 chỉ tiêu. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết cho phép ngành giáo dục tuyển thêm 3.840 chỉ tiêu hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111 của Chính phủ. Đây là điều kiện quan trọng giúp ngành giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học trong tỉnh. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo cũng được chú trọng theo các đợt tập huấn của Bộ GD&ĐT và kế hoạch của sở. Qua rà soát, thống kê, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành có trình độ đạt chuẩn trở lên đã đạt 96,86%; trong đó trình độ trên chuẩn là 16.981 người, chiếm 32,79%.

Song song với việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được quan tâm xây dựng, quy hoạch khang trang. Trong năm học vừa qua, toàn tỉnh giảm 1 trường mầm non, 6 trường phổ thông công lập, cho mở mới 2 trường ngoài công lập. Đặc biệt, cùng với nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư trang thiết bị dạy học, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường, các địa phương đã vận dụng linh hoạt, ưu tiên nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 1.690/1.981 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85,31%. Đây được xem là tiền đề góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn trong toàn ngành.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, điểm sáng nhất trong “bức tranh” giáo dục của xứ Thanh trong năm học qua là chất lượng giáo dục đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng thi đua cho đông đảo thầy, cô giáo và các em học sinh. Lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có học sinh là em Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) đoạt ngôi quán quân Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2023.

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoàn Thanh Hóa đạt thành tích vượt bậc với tỷ lệ đoạt giải cao nhất cả nước (84/90 học sinh dự thi đoạt giải) và số giải nhất xếp thứ tư toàn quốc. Đây cũng là năm Thanh Hóa có tới 4 thí sinh được tuyển chọn tham gia dự thi Olympic Tin học và Vật lý quốc tế. Kết quả, có 1 thí sinh đoạt HCB, 2 thí sinh đoạt HCĐ tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á Thái Bình Dương và 1 thí sinh đoạt HCB kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế; 1 thí sinh đoạt HCĐ tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev năm 2024. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, toàn tỉnh có 914 em đạt điểm 10, xếp thứ nhất cả nước. Trong đó, có 2 thí sinh được xếp hạng thủ khoa toàn quốc khối C00 và A08. Đặc biệt, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 18 cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2023 và tăng 26 bậc so với năm 2020.

Ngoài ra, trong năm học 2023-2024, công tác chỉ đạo thi, kiểm tra, đánh giá tiếp tục được đổi mới; công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý giáo dục cũng có nhiều chuyển biến, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm đang được đặt ra trong giáo dục hiện nay. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài vẫn là điểm sáng của giáo dục cả nước...

Phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp giáo dục và đào tạoCô, trò Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) trong ngày tựu trường năm học mới 2024-2025.

Nhìn một cách tổng thể, trong năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trên cả 3 tiêu chí: Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục mũi nhọn duy trì trong tốp đầu cả nước và chất lượng giáo dục đại trà thăng hạng vượt bậc của giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là đã tạo dựng được trong toàn ngành môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương, đồng thuận và ngày càng đi vào nền nếp. Đó là nền tảng, động lực để toàn ngành bước vào năm học mới 2024-2025 với niềm tin và khí thế mới.

Năm học mới 2024-2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng - là năm cuối cùng triển khai phổ cập Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các bậc học, nhất là đối với các lớp 5, 9 và 12. Đây là năm đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; thi tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, vào lớp 10 công lập và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Thời gian tới, ngành giáo dục cả nước sẽ tập trung xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội với hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập trong thực thi các cơ chế, chính sách của giáo dục hiện nay. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025, tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, người đứng đầu ngành GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức bày tỏ mong muốn, mỗi cán bộ, giáo viên, từng cơ sở giáo dục và toàn ngành phải thực sự cầu thị, phát huy những kết quả đã đạt được, trăn trở tìm ra cách khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp hữu hiệu vì mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững sự nghiệp giáo dục trên quê hương Thanh Hóa giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]