Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết – “Thủ lĩnh” phong trào Cần Vương trên đất Hoằng Hóa
Sinh ra trong gia đình nhà nho có truyền thống học hành ở làng Thọ Vực nay là thôn Phúc Thọ, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa), Nguyễn Đôn Tiết thi đỗ Phó bảng dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, bất bình trước chính sự khi thực dân Pháp xâm lược, với nghĩa khí của nhà nho yêu nước, ông đã từ quan về quê, tập hợp lực lượng, trở thành “thủ lĩnh” phong trào Cần Vương trên vùng đất học Hoằng Hóa.
Đất Gia Miêu nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung là quê hương của Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung.
Theo sử liệu và gia phả dòng họ, Nguyễn Đôn Tiết thuộc dòng dõi khai quốc công thần Lam Sơn Nguyễn Công Duẩn (Duẫn). Từ nhỏ, Nguyễn Đôn Tiết đã thể hiện tài học hơn người nên được gia đình dày công dạy dỗ. Lớn lên theo nghiệp chữ nghĩa, ông lại có duyên “tầm sư” theo học nhiều thầy giáo nổi tiếng trong và ngoài tỉnh thời bấy giờ như Thám hoa Mai Anh Tuấn, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị... Ông đỗ cử nhân, rồi Phó bảng năm Kỷ Mão (1879), sau đó làm Tri huyện Đức Thọ (nay thuộc Hà Tĩnh).
Thời gian này, thực dân Pháp ngày càng bộc lộ dã tâm xâm lược nước ta. Trước âm mưu và sức mạnh của kẻ xâm lược, triều đình nhà Nguyễn chia thành hai phe chủ chiến và chủ hòa... Bấy giờ, một biến cố xảy đến đã khiến Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết sau nhiều suy tư đã quyết định từ bỏ quan trường trở về quê nhà. Tuy nhiên, đó không phải sự “trốn chạy” thực tại để về vui thú điền viên, mà ngược lại, từ quan để đi theo con đường nhiều thử thách hơn - hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp.
Sau khi “nhận” được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tại quê hương Hoằng Hóa, Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết đã nhanh chóng liên lạc với nhiều văn thân, sĩ phu, người có uy tín trong vùng để bàn định kế hoạch hưởng ứng phong trào. Cùng với đó, ông nhanh chóng “bắt mối” với thủ lĩnh ở các huyện như Tống Duy Tân, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Hà Văn Mao...
“Đến nay, kết quả khảo sát tại địa bàn Hoằng Hóa cho biết đội ngũ các vị khoa bảng, hào mục cùng chí hướng với Nguyễn Đôn Tiết, đảm đương vai trò thủ lĩnh các cánh quân Cần Vương tại các làng, xã trong huyện là các vị: Cử nhân nguyên Án sát tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân ở làng Tào Xuyên (nay thuộc TP Thanh Hóa - PV), cử nhân Lê Trí Trực ở làng Trung Hậu (xã Hoằng Trung), cử nhân Lê Viết Huy và con là Bang tá Lê Viết Trạc ở làng Mỹ Đà... Nhiều hào mục tại các làng, tổng trong huyện như Lê Xuân Tuyển (xã Hoằng Tiến), Cai Chanh ở Thục Bành (xã Hoằng Yến), Lê Văn Phác ở làng Thanh Nga (xã Hoằng Trinh)... đều là thủ lĩnh các đội nghĩa quân, tập hợp và hoạt động dưới cờ nghĩa của Nguyễn Đôn Tiết. Và điều quan trọng hơn hết là tất cả đã tạo nên một phong trào khởi nghĩa toàn dân, sẵn sàng đối đầu... bằng tinh thần quả cảm và sức mạnh tự có của dân chúng, vì độc lập dân tộc trên lập trường của giới trí thức phong kiến” (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).
Khởi xướng và lãnh đạo phong trào Cần Vương trên đất Hoằng Hóa, Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết lựa chọn tổng Ngọc Chuế (xã Hoằng Tiến ngày nay) - đây cũng là nơi ông từng mở trường dạy học sau khi thi đỗ cử nhân, được người dân quý mến làm “căn cứ” để tập hợp, xây dựng lực lượng và luyện tập. Đội quân do ông lãnh đạo nhanh chóng được tổ chức với sự tham gia của đông đảo đàn ông, trai tráng trong vùng. Bên cạnh đó, dân làng các tổng cũng nhiệt tình đóng góp lương thực, tiền của để mua sắm vũ khí, quân trang cho nghĩa quân.
Không hoạt động độc lập, nghĩa quân do Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết làm thủ lĩnh phối hợp với nhiều đội nghĩa quân hưởng ứng phong trào Cần Vương trong tỉnh để cùng hành động. Trong kế hoạch tấn công vào thành Thanh Hóa - nơi thực dân Pháp mới thiết lập bộ máy cai trị vào đêm 11 rạng sáng ngày 12/3/1886, đội quân của Nguyễn Đôn Tiết được phân công phối hợp với một số nghĩa quân mai phục tại đoạn từ Hàm Rồng vào tỉnh lỵ với nhiệm vụ chặn đánh quân cứu viện của thực dân Pháp nếu chúng từ Ninh Bình kéo vào.
Mộ phần Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa.
Trận tấn công này tuy không toàn thắng nhưng đã khiến thực dân Pháp khiếp sợ trước tinh thần và ý chí đánh giặc ngoại xâm của Nhân dân xứ Thanh. Chính vì thế, sau khi lấy lại tinh thần, chúng đã huy động lực lượng, cho quân đi càn quét, lùng sục để bắt những người tham gia nghĩa quân nhằm mưu đồ “bóp chết” phong trào Cần Vương trên quê hương xứ Thanh.
Theo các tài liệu, trước tình thế đó, Trần Xuân Soạn và Đinh Công Tráng đã quyết định huy động, tập hợp lực lượng ở các địa phương để đánh chiếm đồn giặc ở Bút Sơn (Hoằng Hóa) nhằm tạo thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ Ba Đình tại Nga Sơn. Trong kế hoạch này, Nguyễn Đôn Tiết, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt trực tiếp chỉ đạo.
“Từ làng Bộ Đầu (Hậu Lộc), đội nghĩa quân do Lê Văn Lộc và Hoàng Xuân Viện chỉ huy tới Bái Xuyên, qua sông Bút đánh vào mặt Bắc; đội nghĩa quân Lê Tánh từ Tào Xuyên thẳng xuống, đánh vào mặt Tây; đội nghĩa quân Nguyễn Đôn Tiết do Nguyễn Hiệu Tu - con trai ông chỉ huy, từ làng Tế Độ tấn công vào mặt Đông huyện lỵ” (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).
Về trận đối đầu này, sách Văn tài võ lược xứ Thanh cũng viết: “Trận đánh đồn Pháp và chiếm phủ lỵ Hoằng Hóa vào rạng sáng ngày 24 tháng 5 năm Bính Tuất (1886). Lực lượng chính của trận đánh này là nghĩa quân Hậu Lộc do một tùy tướng của Hoàng Bật Đạt chỉ huy, vượt sông Trà tiến sang; hỗ trợ có hai cánh quân khác là quân Hoằng Hóa do Nguyễn Đôn Tiết ở làng Thọ Vực và quân huyện Quảng Xương do Đỗ Đức Mậu chỉ huy vượt sông Mã sang”.
Sau khi bị tấn công, thực dân Pháp điên cuồng mở nhiều cuộc đàn áp, lùng bắt Nguyễn Đôn Tiết. Khi không tìm thấy ông, chúng cho lính bắt người thân nhằm ép ông ra hàng song đều không thể làm lung lay ý chí của nhà nho yêu nước. Đáng tiếc, trong một lần cải trang bơi qua sông Bút để tiếp tục hoạt động, ông bị chỉ điểm nên rơi vào tay kẻ địch.
Với nhiều chiêu trò mua chuộc, dụ dỗ và cả dùng vũ lực tra tấn song kẻ địch đều bất lực trong việc khiến Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết đầu hàng. Không thể lung lay được ý chí sắt đá của ông, cuối cùng chúng đưa ông đi giam giữ ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị).
Không chỉ riêng Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết, các con của ông cũng noi theo gương cha tham gia các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Và cả ba con trai của ông là Nguyễn Hiệu Tu, Nguyễn Đôn Dự và Nguyễn Hiệu Tác đều anh dũng hy sinh cho đất nước. Đặc biệt, cháu ngoại của cụ Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết là nhà lão thành cách mạng Lê Tất Đắc đã tiếp nối truyền thống ông cha, góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân ta.
Mất ở nhà tù Lao Bảo, về sau hài cốt nhà nho yêu nước Nguyễn Đôn Tiết đã được đưa về quê hương Hoằng Hóa, hiện nay đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa.
Về thôn Phúc Thọ, xã Hoằng Đức, thăm di tích Nhà thờ họ Nguyễn Công - nơi thờ các vị tiền nhân dòng họ Nguyễn và cụ Nguyễn Đôn Tiết, anh Nguyễn Văn Nghĩa - hậu duệ dòng họ Nguyễn, chia sẻ: “Cụ Phó bảng Nguyễn Đôn Tiết và các vị tiền nhân đã không tiếc thân mình hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Đó là niềm tự hào, cũng là tấm gương sáng để hậu thế nhắc nhớ, noi theo”.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa; Văn tài võ lược xứ Thanh).
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-03-09 07:15:00
Đặc sắc trang phục truyền thống các dân tộc xứ Thanh
Đồ cũ và hiện thực
Tháng ba yêu thương
Lục tìm ký ức
Phải kiên trì với giá trị cũ
Miền ký ức dưới bóng cây gạo già
Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10: Hạnh phúc là được phục vụ nhân dân
“Đào, Phở và Piano” vượt mốc doanh thu 11 tỷ đồng
Vĩnh Lộc tập huấn chương trình nghệ thuật dân gian
Phát huy giá trị các thiết chế văn hóa – thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân