(vhds.baothanhhoa.vn) - Qua 15 lần tổ chức, Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Hội thi) đã trở thành ngày hội văn hóa, TDTT truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là điểm tựa và cú hích để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT khu vực miền núi nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Phong trào TDTT các huyện miền núi: Nhìn từ thành công của Hội thi thể thao dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2023

Qua 15 lần tổ chức, Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Hội thi) đã trở thành ngày hội văn hóa, TDTT truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là điểm tựa và cú hích để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT khu vực miền núi nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Phong trào TDTT các huyện miền núi: Nhìn từ thành công của Hội thi thể thao dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2023Các VĐV tranh tài ở môn kéo co tại Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, năm 2023, Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV tổ chức tại Như Xuân đã có sự tham gia tranh tài sôi nổi của các VĐV đến từ 11 huyện miền núi và huyện Đông Sơn. Các địa phương tham gia đều có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đặc biệt là sớm xây dựng lực lượng thông qua việc tổ chức hội thi thể thao các dân tộc cấp huyện và các đợt tuyển chọn vận động viên (VĐV) ngay tại cơ sở. Các địa phương đã tổ chức thành công hội thi thể thao các dân tộc như các huyện Cẩm Thủy, Như Thanh. Một số huyện cũng đã linh hoạt lồng ghép, đưa các môn thể thao dân tộc vào Ngày hội văn hóa TDTT của địa phương trong năm, qua đó phát hiện và tuyển chọn được những VĐV tiêu biểu, xuất sắc nhất để chuẩn bị tham gia hội thi cấp tỉnh. Điều đáng mừng đó là các huyện đều có sự chủ động, ưu tiên tuyển chọn các VĐV được phát hiện từ địa phương cơ sở, qua đó tạo ra bản sắc riêng cho đơn vị mình. Việc các địa phương tổ chức hội thi và các giải đấu vào thời điểm gần với Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh được xem là đợt sát hạch quan trọng để tuyển chọn, xây dựng lực lượng VĐV với mục tiêu giành thứ hạng cao.

Là một trong những đơn vị thường xuyên nằm trong tốp 3 toàn đoàn, huyện Quan Sơn đã có cách làm riêng, linh hoạt và hiệu quả. Ông Phạm Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Quan Sơn, cho biết: Năm nay do điều kiện khó khăn nên huyện không tổ chức hội thi thể thao các dân tộc. Thay vào đó, huyện đã tổ chức đợt tuyển chọn VĐV quy mô với sự tham gia của 100% các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn. Các địa phương, đơn vị lựa chọn các gương mặt ưu tú nhất tham gia tuyển chọn. Đợt sát hạch quan trọng nhất trong năm của huyện được tổ chức sớm, chủ động, linh hoạt, nên các VĐV được tuyển chọn tham gia Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh năm 2023 có thời gian tập luyện, qua đó không ngừng nâng cao thành tích ở các môn thi đấu.

Lực lượng tham gia hội thi của huyện Quan Sơn hoàn toàn là những VĐV bản địa, những gương mặt xuất sắc từ phong trào TDTT các địa phương, đơn vị. Nhờ sự chuẩn bị tốt, huyện Quan Sơn đã giành vị trí thứ nhì toàn đoàn tại hội thi lần thứ XV – năm 2023, đạt mục tiêu đề ra. Các môn thế mạnh của huyện như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tung còn đều duy trì được thành tích. Đây là điều không quá ngạc nhiên khi huyện Quan Sơn đã từng giành vị trí nhất toàn đoàn tại hội thi năm 2019 ở Quan Hóa, thứ nhì toàn đoàn tại hội thi năm 2021 ở Như Thanh. Điều này cũng khẳng định sự phát triển không ngừng của phong trào TDTT huyện Quan Sơn với điểm tựa là các môn thể thao truyền thống, dân tộc.

Với định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần, Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng được luân phiên tổ chức trong 11 huyện miền núi. Các đơn vị đăng cai đều có sự nỗ lực, bảo đảm tốt các điều kiện để hội thi diễn ra an toàn, thành công. Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Lê Anh Tuấn cho biết: Những năm gần đây, huyện Như Xuân đã có sự nỗ lực, vượt khó dành sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, sân bãi cho hoạt động TDTT, trong đó đặc biệt là các môn thể thao truyền thống đã gắn bó với đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Về cơ bản, đến nay, 100% các thôn, bản trên địa bàn đều có sân TDTT có thể tổ chức các môn như bóng chuyền, đẩy gậy, tung còn, kéo co, bắn nỏ và một số môn khác như bóng đá, cầu lông. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng đã chú trọng nâng cao cơ sở vật chất nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hoạt động TDTT cho người dân. Các môn thể thao dân tộc luôn là thế mạnh và phổ biến nhất trên địa bàn huyện Như Xuân và việc duy trì các hoạt động tập luyện, tổ chức các hội thi, giải thể thao được xem là giải pháp quan trọng, thường xuyên để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời là cơ sở để tiếp tục phát triển phong trào TDTT của địa phương. Huyện cũng đã có sự nỗ lực để tổ chức thành công Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV – năm 2023 và Như Xuân đã giành vị trí nhất toàn đoàn. Đây là thành tích cao nhất mà huyện giành được qua nhiều kỳ hội thi. Thành tích này là cú hích để thúc đẩy phong trào TDTT của huyện Như Xuân trong những năm tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Duy Tự cho biết: Phong trào TDTT tại các huyện miền núi xứ Thanh luôn có điểm tựa là các môn thể thao truyền thống đã gắn bó với văn hóa, phong tục, đời sống, sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc. Việc duy trì tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và cũng là cơ sở quan trọng để không ngừng củng cố, thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT tại 11 huyện miền núi nói riêng và đối với sự nghiệp TDTT của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Qua đó, tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện “Đề án phát triển TDTT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Các kỳ hội thi được tổ chức ngày càng được nâng cao chất lượng từ công tác tổ chức cho tới chuyên môn. Các đơn vị tham gia đều có sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo nhất với mục tiêu cải thiện, nâng cao thành tích. Đây là yếu tố luôn đem lại thành công cho ngày hội TDTT lớn nhất dành cho các huyện miền núi. Sức hút của ngày hội đã lan tỏa tới các huyện khu vực đồng bằng. Tại kỳ hội thi năm 2021 trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX tổ chức tại Như Thanh, ngoài 11 huyện miền núi, có thêm 5 đoàn đến từ khu vực đồng bằng tham gia. Tại kỳ hội thi năm 2023, có 1 huyện đồng bằng là Đông Sơn tham gia. Hội thi lần thứ XVI – năm 2025 do huyện Cẩm Thủy đăng cai sẽ nằm trong chương trình Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ X, do đó dự kiến số lượng các VĐV và đoàn sẽ tăng cao. Ngay từ bây giờ, ngành và các địa phương sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cho sự kiện thể thao quan trọng này. Đây cũng là cơ sở để các địa phương tiếp tục thúc đẩy phong trào TDTT phát triển.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]