Quan Hóa tích cực phòng, chống thiên tai
Hàng năm, trên địa bàn huyện Quan Hóa phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai gây ra những thiệt hại không nhỏ về cơ sở hạ tầng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), hàng năm huyện đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các lực lượng chức năng huyện Quan Hóa kiểm tra vị trí sạt lở núi vào nhà dân tại bản Chiềng, xã Phú Sơn.
Xã Nam Xuân (Quan Hóa) có địa hình phức tạp, nhiều núi cao, khe suối tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét rất cao. Vì vậy, ngay từ đầu năm, xã Nam Xuân đã rà soát các hộ dân sinh sống vùng có nguy cơ bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét để lên phương án bố trí, sắp xếp các điểm trú ẩn xen ghép tạm thời khi mưa bão xảy ra. Qua rà soát, trên địa bàn xã còn 26 hộ với 114 khẩu đang sinh sống trên các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, tập trung chủ yếu ở các bản: Bút, Bút Xuân, Nam Tân, Khuông...
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, Phạm Thị Nhị cho biết: Thực hiện phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả thiên tai”, ngay từ đầu năm, xã đã kiện toàn Ban chỉ huy và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; triển khai thực hiện kịp thời các công văn, công điện chỉ đạo của cấp trên mỗi khi có mưa bão xảy ra. Cùng với đó, xã thực hiện nghiêm túc công tác bố trí, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần phục vụ công tác PCTT, TKCN. Các thành viên trong Ban chỉ huy thường xuyên xuống các bản được phụ trách để kiểm tra và phối hợp cùng các lực lượng của bản giúp đỡ các hộ dân thực hiện công việc PCTT; đồng thời vận động Nhân dân gia cố, sửa chữa lại nhà cửa để phòng, tránh gió lốc...
Huyện Quan Hóa có địa hình phân cách, núi cao, độ dốc lớn, có 2 con sông lớn (sông Mã và sông Luồng) và nhiều khe suối nhỏ chảy qua. Dân cư phân bố rải rác dọc Quốc lộ 15 và Quốc lộ 15C. Mặc dù, huyện Quan Hóa có diện tích đất rộng, nhưng quỹ đất bằng để làm nhà kiên cố lại ít, nên người dân phải làm nhà tại những điểm không thực sự bằng phẳng hoặc phải san gạt khối lượng đất đá lớn mới tạo được mặt bằng. Vì vậy, vào mùa mưa, khi có mưa to kéo dài trên thượng nguồn sông Mã, sông Luồng, những hộ dân sinh sống ở ven sông, suối có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, ngập lụt. Những hộ dân sinh sống cạnh taluy âm và dương Quốc lộ, đường nội thôn, bản có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đất, đá.
Qua rà soát, huyện Quan Hóa còn 1.272 hộ, với 5.686 khẩu của 13 xã và 1 thị trấn sinh sống trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai. Trong đó, số hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông (nơi không có đê) có nguy cơ ngập lụt khi có lũ 111 hộ, với 479 khẩu; số hộ dân sinh sống ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt khi có mưa lớn 68 hộ, với 286 khẩu; số hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét 136 hộ, với 596 khẩu; số hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá 957 hộ, với 4.325 khẩu... Từ đầu năm đến tháng 10/2024, trên địa bàn huyện Quan Hóa đã hứng chịu 7 đợt thiên tai lớn, gây ra những thiệt hại không nhỏ về cơ sở hạ tầng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm trước mùa mưa, lũ, huyện đã kiện toàn ban chỉ huy và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng thời, xây dựng phương án PCTT theo từng cấp độ rủi ro, sát thực tế địa phương nên các thiệt hại thiên tai gây ra được hạn chế đến mức thấp nhất. Công tác huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần phục vụ công tác PCTT, TKCN được thực hiện đảm bảo. Theo đó, trên địa bàn huyện sẵn sàng huy động 4.442 cán bộ, chiến sĩ (bao gồm: đội xung kích PCTT các xã, thị trấn, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức, công an xã, các đoàn thể...) tham gia công tác PCTT, TKCN khi có tình huống xảy ra. Tùy theo tình hình diễn biến và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của bão, lũ để sẵn sàng huy động xe chở người, xuồng, thuyền các loại, phao cứu sinh, nhà bạt... Cùng với đó, công tác chuẩn bị vật tư y tế, dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết bảo đảm khi có tình huống thiên tai xảy ra. Nhờ đó, trong những năm vừa qua, thiên tai dù xảy ra khốc liệt nhưng trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người.
Theo Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự huyện Quan Hóa, xác định công tác PCTT, TKCN là một trong nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, huyện Quan Hóa thường xuyên cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch, phương án sát với thực tế của địa phương. Xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt đến tận bản, khu phố, chi tiết đến từng hộ gia đình. Khi có lũ xảy ra các xã, thị trấn triển khai kịp thời phương án, nắm chắc các hộ dân, số người, nơi đi, nơi đến, khẩn cấp sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, bố trí nơi ở cho dân theo phương án đã xây dựng, tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn, đảm bảo không để dân bị đói, rét. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự huyện thường xuyên xuống địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra; đồng thời tổ chức lực lượng trực ban 24/24 giờ theo quy định...
Bài và ảnh: Hải Đăng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-11-06 14:19:00
Những người có uy tín nơi vùng biên
Bản tin Tài chính 6/11: Giá vàng thế giới nhích nhẹ, vàng nhẫn tiếp đà giảm
[Infographics] - 10 sự kiện thời tiết chết chóc nhất trong 20 năm qua
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em
Bản tin Tài chính ngày 5/11: Diễn biến ngược của giá vàng trong nước trước bầu cử Mỹ
Theo chồng “gieo chữ” nơi vùng cao
Bản tin Tài chính 4/11: Sau tuần chốt lỗ đậm, giá vàng liệu có biến động?
Thời tiết ngày 4/11: Thanh Hóa đón không khí lạnh tăng cường
“Hồn làng” trong bức tranh nông thôn mới
Hương lúa quê nhà