(vhds.baothanhhoa.vn) - Đình làng Hồ tọa lạc tại thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân), được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân địa phương.

Quan tâm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo đình làng Hồ

Đình làng Hồ tọa lạc tại thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh (Thường Xuân), được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân địa phương.

Quan tâm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo đình làng Hồ

Đình làng Hồ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Theo lời kể của một số người cao tuổi ở thôn Hồng Kỳ và tập sách “làng Hồ xưa, thôn Hồng Kỳ nay” do Chi bộ thôn Hồng Kỳ (xã Thọ Thanh) biên soạn năm 2012, đình làng Hồ là nơi thờ ông Lê Phúc Chân và Lê Phúc Trực. Họ đã vượt sông Chu đến vùng đất Ngọc Bối khai hoang, lập trang ấp làm ăn.

Thuở ấy, làng có tên là làng Vườn. Khi quân Lam Sơn tụ nghĩa, có những lúc để tránh quân Minh, chủ tướng Lê Lợi đã phải đến đây ẩn dật. Biết tin Lê Lợi vượt sông Chu, dân làng mang theo trầu, cau, gà, gạo, rượu thịt theo đón nồng hậu. Dừng lại đây, Lê Lợi đặt tên cho làng là Ngọc Bối sách (vùng đất quý). Theo từng năm, Ngọc Bối sách ngày một đông dân cư, diện tích canh tác mở mang, đời sống người dân từng bước được cải thiện nên các dòng họ đã hình thành những xóm ấp khác nhau rồi phân chia thành nhiều làng, trong đó có làng Hồ.

Theo tài liệu, đình làng được tôn tạo lần đầu năm 1907 và hoàn thành vào năm 1911. Đến năm 1927, đình được tôn tạo lần thứ 2, và hoàn thành vào năm 1937. Năm 1994, người dân công đức để lợp đảo lại ngói cho khỏi dột nát, lát nền, viết lại bức đại tự và đôi câu đối... Gần đây nhất, năm 2003, đình tiếp tục một lần nữa sửa chữa phần gỗ bị hư hỏng, mục nát.

Quan tâm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo đình làng Hồ

Di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đình làng Hồ đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Năm 1955-1957 nơi đây là Sở Chỉ huy bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Cũng chính nơi đây, bà con Nhân dân xã Thọ Thanh đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với lịch sử lâu đời và những kiến trúc đặc sắc. Năm 2013 đình đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn của các vị thần đã có công lập làng, chính quyền và người dân địa phương tổ chức lễ hội đình làng Hồ vào ngày 13/2 (âm lịch); ngày mùng 4, 5/4 (âm lịch); ngày 21, 22/8 (âm lịch) để cầu phúc, cầu yên, cầu hòa. Đây là dịp để người dân địa phương cũng như con em xa quê tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai đất, lập làng.

Trải qua biến cố của lịch sử, đình làng Hồ đang xuống cấp nghiêm trọng, cột đình bị mục, gây mất an toàn; hệ thống cửa bị hư hỏng nặng; rêu phủ khắp mặt sân, ảnh hưởng đến mỹ quan của khu di tích. Bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện, Dự án tu bổ, tôn tạo đình làng Hồ được khởi công vào tháng 2/2025. Dự án có mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bởi việc thực hiện tu bổ, tôn tạo phải có nhà bảo vệ làm bằng tôn để che nắng, mưa. Trong khi đó, trên mái đền có đường điện hạ thế chạy qua. Để đảm bảo an toàn cho quá trình tu bổ, tôn tạo phải di dời hệ thống điện ra vị trí khác.

Quan tâm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo đình làng Hồ

Cột đình bị mục, nát gây mất an toàn cho người dân khi đến thắp hương cầu phúc, cầu an.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Giang, Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, cho biết: Đình làng Hồ là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân xã Thọ Thanh nói riêng và huyện Thường Xuân nói chung. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhiều năm qua, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của Nhà nước, di tích đình làng Hồ được tu bổ, tôn tạo đáp ứng niềm mong đợi của Nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc tu bổ, tôn tạo gặp rất nhiều khó khăn. Bởi quá trình khảo sát, tư vấn, thiết kế lập dự toán đơn vị đã bỏ qua kinh phí di dời hệ thống điện. Vì vậy, đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tu bổ, tôn tạo đình. Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để việc tu bổ, tôn tạo đảm bảo tiến độ, sớm đưa đình làng Hồ vào sử dụng, phát huy giá trị của di tích.

Bài và ảnh: Xuân Cường


Bài và ảnh: Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]