(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, những năm qua các trường học trên địa bàn toàn tỉnh luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động chủ động phù hợp theo từng cấp học, nhằm giúp các em vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng để giải quyết hiệu quả những tình huống đặt ra trong học tập và cuộc sống.

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống đối với sự phát triển toàn diện của học sinh, những năm qua các trường học trên địa bàn toàn tỉnh luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động chủ động phù hợp theo từng cấp học, nhằm giúp các em vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng để giải quyết hiệu quả những tình huống đặt ra trong học tập và cuộc sống.

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Trường THCS Nguyễn Chích phối hợp với Trung tâm Giáo dục EduGarden tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước, cách sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh.

Trường THCS Nguyễn Chích là đơn vị điển hình của TP Thanh Hóa trong việc tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Cô giáo Nguyễn Thị Hùng, hiệu trưởng nhà trường giới thiệu với chúng tôi những hình ảnh, đoạn clip học sinh tham gia buổi học chuyên đề về kỹ năng phòng, chống đuối nước, cách sơ cấp cứu ban đầu. Từ đó, mới thấy được việc học sinh được tiếp cận với các tình huống giả định trong phòng, chống đuối nước thiết thực như thế nào.

Cô Hùng chia sẻ: “Nếu chỉ học lý thuyết mà không được thực hành thì học sinh sẽ rất lúng túng khi áp dụng vào thực tế. Qua buổi học chuyên đề này giúp các em có thêm kiến thức về phòng, chống đuối nước, biết cách sơ cấp cứu người bị đuối nước. Đồng thời, từ những kiến thức đã học, các em chia sẻ với gia đình, người thân để bảo vệ chính mình và cộng đồng”.

Cùng với việc tuyên truyền phòng, chống đuối nước, thời gian qua Trường THCS Nguyễn Chích đã phối hợp với Công an phường Rừng Thông và một số trung tâm giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn TP Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo từng chuyên đề, như: Kỹ năng phòng chống cháy nổ và thoát hiểm khi có hỏa hoạn; kỹ năng phòng, chống ma túy, các chất gây nghiện và tệ nạn xã hội; giáo dục kỹ năng sống yêu thương và trách nhiệm; kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương tại Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947. Từ những hoạt động trên đã giúp các em có thêm kỹ năng sống và kiến thức lịch sử quê hương, đất nước, nhân lên niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước của Nhân dân Việt Nam.

Tương tự, Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) đã tạo được nhiều sân chơi, hoạt động bổ ích trong rèn luyện kỹ năng sống để giúp học sinh có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế. Để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, hàng năm nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nhiều chủ đề khác nhau theo từng tháng. Một trong những hoạt động nổi bật của nhà trường là dạy các em học sinh kỹ năng cơ bản về giao tiếp, xây dựng tình bạn đẹp trong học đường. Mặt khác, nhà trường đưa việc giáo dục kỹ năng sống vào bài giảng chính khóa của nhiều môn học, như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý. Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ. Thông qua đó, giúp mỗi học sinh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần.

Thầy giáo Nguyễn Văn Chế, phó hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Kết quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%; có từ 40- 50 học sinh có điểm xét vào đại học 3 môn đạt trên 27 điểm trở lên”.

Xác định được tầm quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngay từ đầu năm học các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, các trường mầm non đều tập trung giáo dục, hướng dẫn trẻ những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân, tránh xâm hại cơ thể, giải quyết tình huống khi bị lạc đường; các kỹ năng trong ăn uống, sinh hoạt, học tập. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động mang tính khám phá, trải nghiệm, từ đó tạo không khí vui tươi giúp các em nhanh nhẹn, tự tin hơn trong giao tiếp. Đối với các trường tiểu học, THCS và THPT, nội dung giáo dục kỹ năng sống được tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh, cũng như giúp các em có thêm kỹ năng, kiến thức xã hội, định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Việc tổ chức các hoạt động kỹ năng sống trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh. Để hoạt động này đạt kết quả cao hơn, ngoài sự nỗ lực của nhà trường, cần có sự chung tay của phụ huynh và toàn xã hội trong việc giúp các em học sinh từng bước hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức, hiểu biết về cuộc sống, nhằm không ngừng phát triển toàn diện bản thân.

Bài và ảnh: Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]