(vhds.baothanhhoa.vn) - Sản xuất chiếu cói là nghề có từ lâu đời ở huyện Quảng Xương, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn.

Quảng Xương duy trì, phát triển nghề sản xuất chiếu cói

Sản xuất chiếu cói là nghề có từ lâu đời ở huyện Quảng Xương, tập trung ở các xã: Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn.

Quảng Xương duy trì, phát triển nghề sản xuất chiếu cóiSản xuất chiếu cói tại xã Quảng Phúc (Quảng Xương).

Để duy trì, phát triển nghề sản xuất chiếu cói, huyện Quảng Xương đã và đang chỉ đạo các xã duy trì diện tích trồng cói nguyên liệu và thực hiện các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng vùng trồng cói để đáp ứng yêu cầu nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Cùng với đó, huyện đã có nhiều cơ chế, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, truyền nghề. Đồng thời, khuyến khích phát triển các sản phẩm trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng thành lập các HTX để hỗ trợ người dân sản xuất cũng như trở thành “cầu nối” giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

Với việc định hướng, đồng hành cùng các địa phương của huyện trong những năm qua đã giúp nhiều xã duy trì và phát triển được nghề sản xuất chiếu cói. Đơn cử như xã Quảng Phúc, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp do huyện chỉ đạo, định hướng, nên đến nay toàn xã đã phát triển được gần 400 ha trồng cói nguyên liệu, sản lượng hàng năm đạt 8.000 tấn. Trên địa bàn xã có 5/6 thôn vẫn giữ nghề sản xuất chiếu như là nghề chính. Hiện trên địa bàn xã có hơn 200 máy dệt chiếu, mỗi năm cung cấp ra thị trường 2,4 triệu đôi chiếu các loại, trị giá gần 100 tỷ đồng.

Nghề sản xuất chiếu cói ở các xã khác trên địa bàn huyện Quảng Xương cũng có sự phát triển theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải tiến, đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Điều này đã và đang góp phần giúp nghề sản xuất chiếu cói huyện Quảng Xương phát triển theo hướng bền vững. Hiện, toàn huyện đã phát triển được 450 máy dệt chiếu và gần 1.000 hộ làm nghề sản xuất chiếu. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại. Nghề dệt chiếu cói Quảng Xương hiện đang tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm chiếu cói huyện Quảng Xương đang được đa dạng hóa về mẫu mã, kích thước, độ bền cũng ngày càng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại. Nhờ đó, chiếu cói Quảng Xương hiện không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...

Để phát triển bền vững nghề sản xuất chiếu cói, Quảng Xương xác định tiếp tục hỗ trợ chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề. Đồng thời, tích cực tiếp cận chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ cói. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất chiếu cói tham gia các hội chợ triển lãm trong nước, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]