(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu bảo tồn, nhân rộng và phát triển bền vững cây Quế Ngọc, những năm qua, huyện Thường Xuân đã tập trung vận động người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng quế. Đây là một trong những cây trồng chủ lực, tạo đòn bẩy giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Thường Xuân.

Bảo tồn và phát triển cây Quế Ngọc Thường Xuân

Với mục tiêu bảo tồn, nhân rộng và phát triển bền vững cây Quế Ngọc, những năm qua, huyện Thường Xuân đã tập trung vận động người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng quế. Đây là một trong những cây trồng chủ lực, tạo đòn bẩy giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Thường Xuân.

Bảo tồn và phát triển cây Quế Ngọc Thường XuânMột số sản phẩm từ quế được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, cây quế còn mang giá trị lịch sử, tính biểu tượng của mảnh đất Châu Thường. Đứng trước sự suy giảm nghiêm trọng về diện tích trồng quế, huyện đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế Ngọc Thường Xuân, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025”. Đề án đã thu hút một số chương trình, dự án, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững loại cây dược liệu lâu đời này. Sau gần 8 năm thực hiện đề án, huyện Thường Xuân hiện có gần 1.300ha trồng quế tập trung xen cây lâm nghiệp, nhiều xã có thế mạnh về phát triển cây quế, sản lượng quế người dân khai thác hằng năm lớn. Để kích cầu sản xuất, hằng năm huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như bảo tồn cây giống, trồng mới. Đồng thời xây dựng, quản lý hệ thống các phương tiện phục vụ quản lý chỉ dẫn địa lý, thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Quế Ngọc. Tập huấn kỹ thuật, khuyến khích người dân trồng quế tập trung và quế phân tán, hỗ trợ phát triển cơ sở chiết xuất tinh dầu... Đến nay, địa phương cũng xác định vùng trồng quế tập trung quy mô lớn tại các xã khu vực “5 Xuân”: Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Xuân Lộc, Vạn Xuân, Xuân Thắng.

Nhận thấy cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, năm 1997, ông Nguyễn Văn Minh (75 tuổi, khu phố Trung Chính, thị trấn Thường Xuân) mạnh dạn chuyển sang trồng quế. Hiện nay gia đình ông được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc 5ha quế tập trung, cùng một xưởng chế biến tinh dầu quế, hứa hẹn mang lại cho gia đình ông tổng thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Bảo tồn và phát triển cây Quế Ngọc Thường XuânÔng Nguyễn Văn Minh, khu phố Trung Chính, thị trấn Thường Xuân bên vườn quế rộng hơn 5ha của gia đình.

Để tạo sinh kế cho người trồng quế, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến tinh dầu Quế Ngọc gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân”. Đến nay, đơn vị đã xây dựng 2.000m2 vườn ươm giống quế, công suất 50 vạn cây giống với giàn che cố định cùng hệ thống tưới bán tự động. Đồng thời đã hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón và một phần nhân công trồng 90ha mô hình rừng trồng thâm canh cây quế; lắp đặt 5 nồi chưng cất tinh dầu quy mô hộ gia đình, tạo thu nhập từ sản phẩm cành lá, nâng cao giá trị cây quế. Khuyến khích người dân trồng xen canh cây quế và cây nông nghiệp khác dưới tán rừng, trồng xen keo để nâng hiệu quả sử dụng đất rừng sản xuất. Quế trồng xen canh cây nông nghiệp cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên còn phối hợp Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tuyển chọn các giống cây có sản lượng vỏ, hạt... lớn phục vụ nhu cầu cung cấp giống; chuyển giao, triển khai hiệu quả các quy trình khoa học công nghệ, gồm: quy trình nhân giống và trồng thâm canh cây quế, quy trình chăm sóc rừng trồng cây quế, quy trình bảo quản sơ chế cành lá, chưng cất tinh dầu từ cành và lá quế...

Ông Lương Công Thắng, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân cho biết: Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chặt bỏ những loại cây không hiệu quả chuyển sang trồng quế. Tính đến cuối tháng 8-2023, địa phương đã trồng được trên 71ha quế tập trung, trong đó có 50ha trồng năm 2018, 21ha trồng năm 2020 và hơn 3.000 cây quế phân tán. Tận dụng từ nguồn vốn phân bổ triển khai thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, 2023 trên địa bàn huyện, xã Vạn Xuân đã đăng ký tham gia dự án “trồng thâm canh cây Quế Ngọc”, hiện nay đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do chu kỳ trồng cây quế dài nên một số hộ dân còn băn khoăn, chưa mạnh dạn thực hiện. Bước đầu có 55 hộ dân đăng ký, diện tích dự kiến là 26ha. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng quế. Dự kiến năm 2025 xã sẽ trồng mới 40 - 50ha quế.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân: Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), 2 sản phẩm Tinh dầu quế và Quế Thanh do Công ty TNHH Một thành viên Quế Thường Xuân sản xuất, được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế Ngọc, địa phương tập trung hỗ trợ bà con về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt khoảng 2.000ha với 5,5 triệu cây quế phân tán; tìm kiếm thị trường, hỗ trợ nguồn lực, tài chính và kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ phát triển xây dựng các chuỗi liên kết, khép kín, tuần hoàn, có giá trị gia tăng cao...

Bài và ảnh: Lê Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]