(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngoài cần cù, chịu khó, người dân xã Đông Văn (Đông Sơn) còn năng động, nhạy bén ra Bắc, vào Nam gây dựng, phát triển nghề đá ốp lát xây dựng. Hơn 10 năm lăn lộn ngược xuôi, sản phẩm của họ không chỉ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường mà còn đưa họ từ vị thế người thợ trở thành chủ các cơ sở. Nhiều người trong số họ đã làm chủ doanh nghiệp có số vốn hàng chục tỷ đồng.

Đưa sản phẩm đá ốp lát đến thị trường tỉnh ngoài

Ngoài cần cù, chịu khó, người dân xã Đông Văn (Đông Sơn) còn năng động, nhạy bén ra Bắc, vào Nam gây dựng, phát triển nghề đá ốp lát xây dựng. Hơn 10 năm lăn lộn ngược xuôi, sản phẩm của họ không chỉ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường mà còn đưa họ từ vị thế người thợ trở thành chủ các cơ sở. Nhiều người trong số họ đã làm chủ doanh nghiệp có số vốn hàng chục tỷ đồng.

Đưa sản phẩm đá ốp lát đến thị trường tỉnh ngoàiÔng Lê Đình Khánh đã gây dựng được xưởng đá ở phường Quang Trung, TP Nam Định (Nam Định) có giá trị nhiều tỷ đồng.

Nói về việc phát triển nghề đá của người dân trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Văn, ông Lê Đoan Anh cho biết: Tuy nghề làm đá không còn phát triển ở địa phương, nhưng nhiều hộ dân trong xã đã năng động, nhạy bén đưa nghề đến nhiều tỉnh, thành để phát triển, gây dựng cơ sở. Từ người thợ đi làm thuê, đến nay hàng chục hộ đã phát triển, thành lập doanh nghiệp có trong tay số vốn hàng chục tỷ đồng. Số còn lại, tuy chưa đủ tiềm lực để thành lập công ty, nhưng họ đã mở các xưởng đá, với số vốn đầu tư ban đầu ít nhất 5 tỷ đồng/xưởng. Những hộ này đã thu hút, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động là con em địa phương với mức thu nhập ổn định từ 9-15 triệu đồng/người/tháng.

Hơn chục năm về trước, nghề đá xẻ ở xã Đông Văn phát triển rầm rộ, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, nghề làm đá xẻ không thể phát triển tại địa phương, vì mỏ đá trên địa bàn xã và một số xã lân cận bị cấm khai thác. Mỏ đá dừng hoạt động, đồng nghĩa những ông chủ đá và những người thợ làm đá buộc phải chuyển nghề, hoặc chuyển địa bàn. Một vài ông chủ có tiềm lực đã tìm mua, hoặc thuê được mặt bằng tiếp tục mở xưởng trên địa bàn các xã lân cận. Số còn lại, bán máy rồi chuyển nghề. Còn những người thợ lành nghề, không cam chịu, đã rong ruổi ra các tỉnh phía Bắc, rồi vào Nam lập nghiệp, an cư bằng nghề làm đá ốp lát xây dựng.

Nằm trong số hàng trăm hộ dân của xã đi làm ăn xa, ông Lê Đình Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Khánh Thành Đạt có trụ sở tại 287, đường Trường Chinh, phường Quang Trung, TP Nam Định (tỉnh Nam Định), hiện có số vốn khoảng 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động là con em xã Đông Văn, với mức lương dao động từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Ông Khánh kể: “Tôi theo học nghề đá từ năm 17 tuổi với chân thợ phụ cho mấy xưởng đá xẻ trên địa bàn xã. Là thợ phụ, lại làm tranh thủ vào những hôm không phải đến trường nên thu nhập chưa được 500.000 đồng/tháng. Số tiền này đã giúp tôi trang trải tiền học và mua sách, vở học tập. Học xong THPT, tôi cùng nhiều thanh niên đã từng làm nghề đá rời quê đến TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định tìm kiếm việc làm. Công việc của tôi lúc ấy chủ yếu làm thuê cho các ông chủ chuyên thầu công trình liên quan về đá. Làm thuê được một thời gian, tôi nhận thấy mình cũng có thể tự nhận được công trình để làm. Vậy là, tôi đầu tư phương tiện, máy móc rồi chọn Nam Định để lập nghiệp. Ban đầu, công trình tôi nhận chủ yếu là ốp đá cầu thang, bàn bếp và bậc tam cấp những căn hộ nhỏ, sau này mạnh dạn nhận ốp lát các biệt thự lớn có giá trị nhiều tỷ đồng. Chuyên làm đá ốp lát được một thời gian, tôi chuyển sang mở cửa hàng đá cung cấp đá nguyên liệu cho người có nhu cầu”.

Đưa sản phẩm đá ốp lát đến thị trường tỉnh ngoàiMột căn biệt thự ở phường Châu Khê, TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) do Công ty TNHH DP 68 thi công phần đá ốp lát.

Từng là ông chủ của xưởng đá xẻ ngay tại xã Đông Văn, ông Lê Đoan Khanh, Giám đốc Công ty TNHH DP 68, đã mở xưởng đá với diện tích trên 2.000m2 tại TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Xưởng được trang bị các loại máy xẻ, mài, bào, cắt bằng máy vi tính với giá trị khoảng 50 tỷ đồng. Hiện xưởng này tạo việc làm thường xuyên cho 70-100 lao động, chủ yếu là con em Thanh Hóa với mức thu nhập từ 12-15 triệu đồng/người/tháng. Ông cho biết: “Trước năm 2010, xưởng đá xẻ của gia đình tôi luôn thu hút, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng. Từ năm 2010 trở đi, mỏ đá trên địa bàn xã Đông Văn và các mỏ lân cận bị cấm khai thác, tôi tìm hiểu thị trường đá xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố. Sẵn có kinh nghiệm làm nghề đá, hơn nữa khả năng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, tôi đã hợp tác làm ăn với một số người có kinh nghiệm và chọn Từ Sơn (Bắc Ninh) để xây dựng xưởng đá, để vừa phục vụ công trình của mình, vừa cung cấp đá cho các nhà thầu. Thời gian đầu, tôi lấy đá nguyên liệu của những đại lý lớn trong nước, sau này, tôi mày mò, tìm hiểu rồi mạnh dạn bắt mối với các đối tác nhập đá trực tiếp từ nước ngoài”.

Được biết, trên địa bàn xã Đông Văn hiện có khoảng 600 hộ (tập trung chủ yếu ở thôn Văn Thắng) có người thân đi làm ăn xa. Trong số đó, nhiều hộ có cả 2 vợ chồng đến các tỉnh phía Bắc, phía Nam lập nghiệp bằng nghề đá ốp lát xây dựng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như gia đình ông Lê Đình Khánh, ông Lê Đoan Khanh..., góp phần đưa mức thu nhập bình quân của người dân Đông Văn lên gần 70 triệu đồng/năm. Những hộ này còn tham gia đóng góp xây dựng Đông Văn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Việc phát triển nghề và sản phẩm đá ốp lát ra tỉnh ngoài đã là một hướng đi phù hợp, tất yếu đối với những người thợ ở xã Đông Văn trong bối cảnh hiện nay. Sự năng động, nhạy bén và những cố gắng không mệt mỏi trong phát triển thị trường của họ không chỉ khẳng định tương lai tươi sáng, bền vững cho nghề đá ốp lát ở mảnh đất này, mà còn là kinh nghiệm, bài học quý giá để phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]