(vhds.baothanhhoa.vn) - Các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thanh Hóa đều có lịch sử phát triển lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang tính cộng đồng cao. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá đó là hướng đi quan trọng góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ở các làng nghề truyền thống

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thanh Hóa đều có lịch sử phát triển lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang tính cộng đồng cao. Bởi vậy, việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá đó là hướng đi quan trọng góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ở các làng nghề truyền thống

Nghề làm nón lá ở xã Trường Giang (Nông Cống).

Chẳng biết có tự bao giờ, nghề làm nón lá ở xã Trường Giang (Nông Cống) được “cha truyền con nối”. Nghề tuy không vất vả nhưng lại yêu cầu sự cần mẫn, kiên trì cùng những đôi tay khéo léo.

Nón lá Trường Giang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát, đẹp và chắc chắn. Tất cả những vật liệu làm ra chiếc nón lá đều phải nhập từ nơi khác, nhưng tình yêu nghề làm nón đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Mỗi chiếc nón đều chứa đựng trong đó là tình cảm của người làng nghề.

Năm 2014, làng nghề nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống; năm 2015, sản phẩm nón lá Trường Giang vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước; năm 2016 sản phẩm được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể và từ đó Hiệp hội nón lá Trường Giang được thành lập.

Nghe như các cụ cao niên trong xã kể lại thời điểm hưng thịnh của nghề đường làng, ngõ xóm, sân đình, dưới gốc cây... đâu đâu cũng bắt gặp các bà, các cô, các em nhỏ tay đan thoăn thoắt, không khí sôi nổi và hăng say lao động vui như lễ tết. Nhưng đến nay chủ yếu là phụ nữ trung niên làm nón ở trong nhà, các cháu nhỏ khi đi học về tranh thủ làm. Người dân nơi đây đang nỗ lực vừa để có thu nhập vừa giữ gìn giá trị của làng nghề truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) được coi là “báu vật”, linh hồn của bà con nơi đây…Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và niềm đam mê những cô gái Mường đã làm cho nghề dệt thổ cẩm trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Cầm trên tay những sản phẩm du khách sẽ cảm nhận không gian của núi rừng được con người nơi đây gửi gắm trong những sắc màu thổ cẩm. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải còn thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Mường. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên từng sản phẩm, với những cô gái Mường đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm với đường nét rắn rỏi…

Bà Bùi Thị Thiếp, một người có thâm niên trong nghề dệt thổ cẩm ở làng Lương Ngọc cho biết nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời, do các bà, các mẹ truyền tay nhau. kỹ thuật dệt của người Mường từ bao đời nay cũng như cách trang trí họa tiết, hoa văn được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. Chính vì vậy, mẫu hoa văn được thêu trên trang phục của dân tộc Mường khá đa dạng và thể hiện những nét riêng nhất định của mỗi cá nhân, mỗi xứ Mường.

Những năm gần đây, cuộc sống có nhiều đổi thay, trang phục của người Mường cũng dần cách điệu cho phù hợp với nhịp điệu và hơi thở của cuộc sống mới, tuy vậy người phụ nữ Mường nơi đây vẫn trăn trở để cho ra những sản phẩm đẹp mắt vừa phục vụ nhu cầu du khách đến tham quan, vừa giữ nghề.

Theo số liệu thống kê toàn tỉnh có 155 nghề truyền thống, trong đó có 47 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Những làng nghề truyền thống không chỉ tạo được dấu ấn bởi sản phẩm tinh xảo được kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo của người dân xứ Thanh, mà qua quá trình lao động đã tạo nên những giá trị văn hoá; tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ví như làng nghề làm bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), sản xuất nước mắm truyền thống Ba Làng (Tĩnh Gia), dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa)... Để phát triển làng nghề nếu chỉ dựa vào giá trị vật chất mang lại sẽ không đủ, mà chỉ khi chú trọng đến phát huy những giá trị văn hóa vốn có, thì làng nghề mới phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]