(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo những người dân nơi đây, từ xa xưa đánh bắt cá biển đã là nghề truyền thống của cư dân Quảng Nham. Cùng với nghề đánh bắt, việc chế biến hải sản (chượp, mắm tôm, nước mắm, cá khô…), đặc biệt là nghề làm nước mắm được người dân rất quan tâm. Cùng với các làng nghề nước mắm truyền thống khác ở các huyện Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, thị xã Sầm Sơn, người dân vùng biển Quảng Nham đã và đang gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại, nỗ lực nâng tầm để sản phẩm nước mắm Quảng Nham vươn xa hơn nữa.

Giữ nghề làm mắm truyền thống Quảng Nham

Theo những người dân nơi đây, từ xa xưa đánh bắt cá biển đã là nghề truyền thống của cư dân Quảng Nham. Cùng với nghề đánh bắt, việc chế biến hải sản (chượp, mắm tôm, nước mắm, cá khô…), đặc biệt là nghề làm nước mắm được người dân rất quan tâm. Cùng với các làng nghề nước mắm truyền thống khác ở các huyện Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, thị xã Sầm Sơn, người dân vùng biển Quảng Nham đã và đang gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại, nỗ lực nâng tầm để sản phẩm nước mắm Quảng Nham vươn xa hơn nữa.

Giữ nghề làm mắm truyền thống Quảng NhamNước mắm thơm ngon đặc trưng của vùng quê Quảng Nham được chắt chiu từ “lộc biển”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thạch Văn Hiểu, thôn Bình, xã Quảng Nham là một trong những hộ làm nước mắm lâu đời và hiện là giám đốc Công ty TNHH nước mắm Cự Nham. Vừa dẫn chúng tôi tham quan cơ sở làm mắm của gia đình mình, anh Hiểu chia sẻ về bí quyết làm nên những giọt nước mắm truyền thống cũng như định hướng phát triển sản phẩm. Từ nhỏ anh Hiểu đã yêu thích và gắn bó với xưởng nước mắm của gia đình và những chuyến tàu, bè của ngư dân vươn khơi trở về đem theo tôm, cá,… là sự háo hức, mong chờ của những người ở nhà. Sau này lớn lên, anh được bố truyền lại “bí quyết” làm nên nước mắm đặc trưng vùng Quảng Nham (hay còn gọi Cự Nham xưa). Nguyên liệu làm mắm ở đây chủ yếu là cá cơm, cá trích tươi. Sau từ 18 đến 20 tháng ủ chượp theo phương pháp truyền thống của địa phương, những dòng nước mắm cốt được rút ra từ hệ thống chum và các bể. Nước mắm cốt Cự Nham có màu vàng cánh gián, vị đậm, mùi thơm đặc trưng là niềm tự hào của những người làm nghề, giữ nghề như anh Hiểu. Với mong muốn nước mắm Quảng Nham ngày một phát triển, năm 2019, anh Hiểu đã thành lập Công ty TNHH nước mắm Cự Nham. Sở dĩ anh Hiểu lấy tên thương hiệu sản phẩm nước nắm Cự Nham là bởi anh mong muốn sản phẩm mang đặc trưng vùng quê Quảng Xương sẽ được nhiều người biết đến gắn với tên đất, tên làng nơi đây. Các sản phẩm mắm truyền thống từ công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận Bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2021, sản phẩm nước mắm Cự Nham và moi khô Cự Nham của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, sản phẩm mắm tôm Cự Nham được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là niềm tự hào, động lực để anh tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề làm mắm của cha ông. Hiện nay, ngoài hơn 300 chum sành để làm mắm, xưởng sản xuất của gia đình anh Hiểu còn có 11 bể muối mắm. Hàng năm, xưởng xuất ra thị trường hơn 120.000 lít mắm các loại, mẫu mã đa dạng để khách hàng thoải mái lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và mua làm quà. Đặc biệt, các sản phẩm nước mắm Cự Nham đã có mặt trên kệ hàng ở các siêu thị, các cửa hàng trong và ngoài tỉnh, tham gia trưng bày sản phẩm tại nhiều hội chợ thương mại. Cơ sở sản xuất tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 30 lao động thời vụ tại địa phương.

Giữ nghề làm mắm truyền thống Quảng NhamNghề làm mắm truyền thống ở Quảng Nham góp phần đem lại việc làm, thu nhập cho người dân.

Ở Quảng Nham, nhiều người còn biết đến thương hiệu nước mắm Sông Yên của gia đình anh Trần Văn Nuôi, thôn Thuận. Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Yên, anh Nuôi được bố mẹ truyền lại nghề làm mắm truyền thống. Anh đặt tên cơ sở sản xuất và các sản phẩm mang thương hiệu nước mắm Sông Yên như nhắc nhớ về quê hương về hình ảnh thuyền bè ngư dân đưa cá tôm từ biển cả về cập bến. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh Nuôi cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn lít nước mắm, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. Sản phẩm nước mắm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, được khách hàng tin dùng. Đến nay, gia đình anh Nuôi đã có gần 40 năm gắn bó với nghề. Năm 2021, sản phẩm nước mắm Sông Yên được công nhận sản phẩm OCOP như minh chứng cho sự cần cù, chịu khó và khẳng định thương hiệu, chất lượng của nước mắm vùng Quảng Nham do gia đình anh Trần Văn Nuôi tạo nên. Ngoài cơ sở nước mắm của anh Hiểu, anh Nuôi, ở Quảng Nham còn có các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống như: nước mắm Tuyên Xoan, thôn Tiến; nước mắm Đức Gái, thôn Trung; nước mắm Hoa, thôn Thanh…

Giữ nghề làm mắm truyền thống Quảng NhamSản phẩm nước mắm Cự Nham của Công ty TNHH nước mắm Cự Nham là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: Xã có 13 thôn, gần 4.000 hộ, nghề nghiệp chính là khai thác, chế biến thủy, hải sản. Toàn xã có 282 phương tiện tàu thuyền, tổng sản lượng khai thác ước đạt hàng năm hơn 10.000 tấn. Toàn xã có 14 tổ hợp chế biến hải sản ước tính chế biến hơn 12.000 tấn, trong đó dịch vụ đông lạnh chế biến hơn 8.000 tấn; cá khô, moi khô, cá nước đạt 3.400 tấn, chế biến nước mắm đạt 400 tấn. Quảng Nham tự hào khi có 4 sản phẩm được công nhận OCOP và có HTX nước mắm Cự Nham. Năm 2023, Quảng Nham phấn đấu có thêm 1 sản phẩm OCOP. Xác định khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, xã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản đạt 55.000 tấn trở lên, chiếm 47% cơ cấu kinh tế của xã, góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]