(vhds.baothanhhoa.vn) - “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần đánh thức hàng nghìn nông sản, đặc sản ở các địa phương trong cả nước, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, kết tinh thêm các giá trị văn hóa đặc sắc vào sản phẩm.

Kinh nghiệm bước đầu của Thanh Hóa trong thực hiện chính sách hỗ trợ OCOP

“Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần đánh thức hàng nghìn nông sản, đặc sản ở các địa phương trong cả nước, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, kết tinh thêm các giá trị văn hóa đặc sắc vào sản phẩm.

Kinh nghiệm bước đầu của Thanh Hóa trong thực hiện chính sách hỗ trợ OCOP

Sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa giới thiệu tại tỉnh Sơn La.

Với ý nghĩa quan trọng trên, ngay từ khi Chương trình OCOP được triển khai trên cả nước theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (giai đoạn 2021-2025 là Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 1-8-2022), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện; thành lập và kiện toàn hệ thống tổ chức thực hiện từ tỉnh đến huyện, xã; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại và thành lập HTX OCOP Thanh Hóa để kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, hỗ trợ các chủ thể tham gia OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường trong và ngoài nước như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Hoa Kỳ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến Cói xuất khẩu Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; ghế tre thư giãn cao cấp, bộ dụng cụ nhà bếp, bộ ghế tre gấp gọn của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bamboo Vina đã xuất khẩu đi các thị trường Đức, Hoa Kỳ; dứa, ngô, dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…

Một giải pháp quan trọng tạo đột phá cho Chương trình OCOP Thanh Hóa đó là ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025 tại Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 với các nội dung hỗ trợ thiết thực, cần thiết cho chủ thể như: chi phí quảng bá, tuyên truyền, chi phí thiết kế, bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu…

Các sản phẩm OCOP được chứng nhận có mức hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm. Đồng thời khuyến khích các địa phương ban hành cơ chế chính sách riêng hỗ trợ thêm cho các sản phẩm OCOP. Khen thưởng cho sản phẩm đạt OCOP với mức: thưởng 10 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao; thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao; thưởng 100 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao, để khuyến khích, cổ vũ, động viên sự nỗ lực các tổ chức, cá nhân; tạo động lực cho các sản phẩm xếp hạng còn thấp phấn đấu lên thứ hạng cao hơn; tạo phong trào phát triển sản phẩm OCOP.

Với việc triển khai các nội dung theo chu trình OCOP, và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm OCOP; cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và các thành phần kinh tế trong tỉnh, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm: 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, của 158 chủ thể (49 doanh nghiệp, 51 HTX, 6 tổ hợp tác, 52 hộ sản xuất, kinh doanh) trên địa bàn 139 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.

Quá trình thực hiện chương trình, Thanh Hóa đã rút ra một số bài học, kinh nghiệm quý trong quá trình ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Việc xây dựng chính sách phải kịp thời để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển sản phẩm; trong quá trình lấy ý kiến, chờ thông qua chính sách, cần triển khai cơ chế hỗ trợ chương trình thông qua việc hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc lồng ghép các chính sách liên quan để thực hiện các nội dung hỗ trợ như: tập huấn, tham quan, phát triển sản phẩm, tư vấn, hướng dẫn, xúc tiến thương mại… để kịp thời hỗ trợ các chủ thể tham gia.

Việc xây dựng chính sách cần nghiên cứu tổng thể, trên cơ sở rà soát thực tế, đánh giá hiện trạng triển khai, những khó khăn gặp phải để lựa chọn nội dung xây dựng chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đúng với nhu cầu và tình hình thực tế ở địa phương.

Trong quá trình xây dựng chính sách cần khảo sát, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ tương tự, kết quả thực hiện cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai trước, trong và sau khi được ban hành; đồng thời nghiên cứu thành công, hạn chế những chính sách của các địa phương trong cả nước đã triển khai trước để học tập, rút kinh nghiệm, tránh trùng lặp trong quá trình xây dựng chính sách tại địa phương mình.

Việc giải ngân hỗ trợ các nội dung của chính sách phải đúng trình tự thủ tục hành chính nhưng phải nhanh chóng, kịp thời để động viên các chủ thể OCOP tham gia; thủ tục, hồ sơ hỗ trợ đơn giản, ngắn gọn đồng thời đảm bảo các quy định của pháp luật. Nội dung hỗ trợ của chính sách cần sát đúng nhu cầu hiện tại, mang tính ổn định, hiệu quả trong cả giai đoạn thực hiện sau đó.

Phan Xuân Hùng - Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh


Phan Xuân Hùng - Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]