(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp Tết Trung thu, người dân ở làng nghề hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) lại tất bật sản xuất những chiếc đèn lồng đầy màu sắc.

Làng nghề làm đèn Trung thu ở Mật Sơn

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp Tết Trung thu, người dân ở làng nghề hoa giấy Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) lại tất bật sản xuất những chiếc đèn lồng đầy màu sắc.

Làng nghề làm đèn Trung thu ở Mật SơnĐèn kéo quân đủ kích cỡ, màu sắc, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Phố Mật Sơn vốn nổi tiếng với nghề làm hoa giấy, hàng mã từ lâu đã được tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên cứ đến đầu tháng 8 âm lịch hàng năm, người làm nghề ở đây bắt đầu chuyển sang làm lồng đèn để phục vụ dịp Tết Trung thu. Những ngày này, người dân làng nghề hoa giấy Mật Sơn đã tất bật với công việc của mình, người chẻ nan luồng, buộc khung đèn, căng vải bạt, dán giấy bóng kính lên đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân. Bên cạnh đèn ông sao truyền thống, vài năm trở lại đây, người dân còn sáng tạo ra nhiều loại lồng đèn, đèn kéo quân với hình thức đa dạng, mẫu mã, kích cỡ lớn, nhỏ, như: hình tròn, hình trụ, hình hoa sen, hình rồng... với đủ màu sắc hấp dẫn nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Làng nghề làm đèn Trung thu ở Mật SơnMỗi dịp Trung thu, gia đình ông Nguyễn Đức Hùng, phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ lại tất bật với công việc làm đèn lồng, đèn kéo quân... phục vụ khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Hùng (62 tuổi, phố Mật Sơn 2) gắn bó với nghề đã hơn 40 năm nay. Mỗi dịp Trung thu, gia đình ông khá bận rộn do đơn đặt hàng của khách nhiều. Ông phải huy động con cháu làm việc hết công suất để tạo ra hàng trăm chiếc đèn lồng, đèn kéo quân loại to để kịp giao cho khách. Những chiếc đèn ông sao của gia đình được chế tạo theo phương pháp thủ công. Để làm được một chiếc đèn ông sao, theo ông Hùng phải chuẩn bị từ rất lâu và rất kỳ công với nhiều công đoạn khác nhau, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến trang trí, hoàn thiện. Một chiếc đèn Trung thu được coi là đẹp thì khung phải thật khít, kín, sắc nét, màu sắc rực rỡ, bắt mắt.

Do nhu cầu của thị trường hiện nay, khách hàng thường đặt nhiều loại đèn lồng, đèn kéo quân cỡ to nên công đoạn làm đèn cũng được người làm nghề ở Mật Sơn cải tiến nhiều. Với những chiếc đèn lồng cỡ to từ 1,5 - 2m, nhiều gia đình đã đầu tư súng hơi bắn ghim, khoan, máy cắt, máy vót tre, luồng, gỗ, đầu tư máy in bạt khổ lớn đảm bảo vừa bền vừa thẩm mỹ cho từng sản phẩm. Mỗi chiếc sau khi hoàn thiện có giá bán trên thị trường khoảng từ 250.000 đồng – 350.000 đồng/chiếc. Chị Nguyễn Thị Hồng, thợ thủ công làng nghề phố Mật Sơn 2, cho biết: So với các nghề thủ công mỹ nghệ khác, nghề làm đèn lồng đầu tư không nhiều mà cần nhất là sự kiên trì, khéo tay cùng với đôi mắt mỹ thuật để có thể tạo ra những chiếc đèn lồng đẹp mắt. Hiện nay trên thị trường có nhiều đồ chơi Trung thu với mẫu mã phong phú, đa dạng, hiện đại đòi hỏi người thợ phải có sự sáng tạo để sản phẩm truyền thống đến được với người sử dụng. Cụ thể là chiếc đèn lồng truyền thống ngày nay cần phải có mẫu mã, nét vẽ mới, sáng tạo, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Hay như với chiếc đèn kéo quân thường được trang trí bằng những bức tranh về lịch sử, truyền thống dân tộc, hình 12 con giáp thì nay có thêm những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, dễ thương, gần gũi thiên nhiên, cuộc sống...

Làng nghề làm đèn Trung thu ở Mật SơnNhững chiếc đèn ông sao được tạo nên bởi bàn tay, khéo léo của người thợ.

Những năm gần đây, xu hướng các bậc phụ huynh chọn mua những chiếc đèn hiện đại có xuất xứ nước ngoài cho con em chơi dịp Trung thu giảm rõ rệt. Thay vào đó, những chiếc đèn thủ công truyền thống được người dân yêu thích lựa chọn. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ, cho biết: Cứ dịp Tết Trung thu, người dân phố Mật Sơn 2 lại tranh thủ sản xuất đèn lồng phục vụ nhu cầu thị trường. Nhờ sản xuất nghề hoa giấy, hàng mã, đèn Trung thu, làng nghề đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Những hộ kinh doanh làm đầu mối thu gom và xuất hàng đi các địa phương trong cả nước có thể thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Trung thu, nhiều cơ sở đang huy động thêm nhân công để mở rộng quy mô sản xuất... Dù còn khó khăn nhưng những người làm nghề vẫn đam mê, tâm huyết giữ nghề và sống bằng nghề. Đây cũng chính là nét văn hóa truyền thống được giữ gìn qua bao thế hệ.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]