(vhds.baothanhhoa.vn) - Ai từng qua vùng đất Thạch Thành cũng nhớ đến những vườn cam, vườn bưởi trĩu quả, những cánh đồng mía bạt ngàn chạy dọc trên các triền đồi, mảnh vườn..., nhưng có một loại mía đặc sản được nhiều người nhắc đến nhiều nhất chính là mía tím Kim Tân.

Ngọt mềm mía tím Kim Tân

Ai từng qua vùng đất Thạch Thành cũng nhớ đến những vườn cam, vườn bưởi trĩu quả, những cánh đồng mía bạt ngàn chạy dọc trên các triền đồi, mảnh vườn..., nhưng có một loại mía đặc sản được nhiều người nhắc đến nhiều nhất chính là mía tím Kim Tân.

Ngọt mềm mía tím Kim TânMía tím được bày bán ở khu chợ sầm uất của thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành.

Mía tím - đặc sản từ xa xưa

Vốn là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thạch Thành, vì vậy tôi tự hào bởi người dân nơi đây vẫn còn gìn giữ và phát triển cây mía tím. Mía tím Kim Tân - từ lâu được nhiều người biết đến là đặc sản, bởi cây mía có thân vừa tròn đều, vỏ màu tím, ruột vàng óng lấm tấm sắc mật, ăn vào mềm, ngọt, thơm quyến rũ. Vào mỗi dịp tết đến xuân về, ngoài mâm ngũ quả, câu đối đỏ, hai bên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình quê tôi đều không thể thiếu cây mía tím. Cây mía tím có mặt trong cuộc sống đời thường và bên bàn thờ gia tiên mỗi độ xuân về. Còn nhớ, khi tôi còn bé, trước nhà, mẹ thường dành khoảng vườn nhỏ để trồng mía tím. Quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng mía. Vườn mía sau nhà, trước nhà. Đến độ gần tết, mía trắng được chặt và đem đi nhập cho nhà máy đường, còn mía tím thường để dành cho dịp tết. Quê tôi, chợ phiên vào ngày 27 và ngày 29 tháng Chạp. Mẹ đem những cây mía tím vào chợ bán hoặc khi có khách đến chơi nhà hay họ hàng qua thăm, mẹ ra vườn, chọn những cây mía đẹp để biếu. Thường thì mẹ tôi sẽ ngắm nghía cả dãy mía tìm rồi chọn cây đẹp nhất rồi cẩn thận lấy dây buộc đánh dấu để dành cho tết. Vào ngày 29 tết, ngoài bày mâm ngũ quả, treo câu đối, thì mẹ cẩn thận chọn đôi mía tím ngoài vườn đẹp nhất, mập mạp, tán lá xanh mướt, mẹ lau từng óng mía cho sạch sẽ rồi cẩn thận dựng hai bên bàn thờ gia tiên. Bố tôi ngắm nghía bàn thờ gia tiên được sắp đặt tươm tất rồi gật gù ưng bụng.

Không ai biết giống mía tím có tự bao giờ. Theo lưu truyền từ các cụ cao niên trong các vùng trồng mía thì mía tím Kim Tân có tên gọi từ xa xưa, là vật tiến vua hàng năm. Tương truyền khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc để tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh có nghỉ lại xứ Kim Tân. Tại đây vua được thưởng thức giống mía ngon, lạ và quý nên rất thích. Sau khi đại phá quân xâm lược nhà Thanh, vua Quang Trung đã có chiếu dụ tổ chức hội mía tại Phố Cát (Thanh Hóa). Đến thời nhà Nguyễn, năm nào cũng cử người và xe ngựa ra bứng, chở từng bụi mía Kim Tân vào kinh thành Huế dâng vua. Mía tím Kim Tân rất kén đất, chỉ thích hợp với đất đỏ bazan. Khi trồng trên đất này mía đen nhánh, gióng dài, cây to, đặc biệt mía mềm và thơm ngon.

Xây dựng thương hiệu mía tím Kim Tân

Ngày nay, mía tím Kim Tân được trồng nhiều nhất ở các xã Thành Trực, Thành Minh, Thành Tân, Ngọc Trạo..., trong đó diện tích mía tím nhiều nhất chính là xã Thành Trực. Từ thị trấn Kim Tân, ngược ngàn lên vùng đất xã Thành Trực, những ruộng mía được thu hoạch từ trong tết và còn rải rác cho đến tháng 3. Toàn xã Thành Trực có 1.437 hộ, 6.378 nhân khẩu, đây là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Thạch Thành. Người dân sinh sống, làm nghề chủ yếu là nông nghiệp, dịch vụ, kinh doanh nhỏ lẻ. Cây mía được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Toàn xã có hơn 320 ha trồng mía, trong đó diện tích mía tím khoảng 150 ha, mía nguyên liệu phục vụ nhà máy mía đường là 145 ha, còn lại là mía dùng ép nước. Mía tím được trồng nhiều nhất ở các thôn Xuân Thành, Chính Thành, Thủ Chính... HTX mía tím Thành Trực được thành lập năm 2018, đến nay có gần 300 hộ tham gia. Ở mỗi thôn có các tổ hợp tác sản xuất mía tím, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc tiêu thụ mía.

Ngọt mềm mía tím Kim TânCây mía tím được trồng nhiều nhất ở các thôn Chính Thành, Xuân Thành, Thủ Chính thuộc xã Thành Trực.

Thôn Thủ Chính là một trong những thôn có diện tích mía tím nhiều nhất xã Thành Trực với 45 ha. Từ năm 2017, mía tím trồng ở thôn Thủ Chính được công nhận VietGAP, sau đó năm 2021-2022, cây mía được trồng ở các thôn Chính Thành, Xuân Thành được công nhận VietGAP. Ở thôn Thủ Chính, mọi người đều biết đến gia đình ông Lê Văn Mạnh, hộ có diện tích trồng mía nhiều trong thôn. Hiện nay, gia đình ông Mạnh trồng 4 sào mía tím theo quy trình VietGAP. Theo ông Mạnh, cây mía tím được trồng trên đồng đất Thành Trực là vùng đất đỏ bazan tơi xốp, tầng canh tác sâu, nhiều chất dinh dưỡng không chỉ tạo điều kiện cho cây mía phát triển mà còn làm nên thương hiệu riêng cho cây mía tím Thành Trực. Mía tím được trồng ở đây với vị ngọt đặc biệt, thân mềm hơn các loại mía trồng ở đất khác. Ở thôn Xuân Thành, gia đình ông Vũ Văn Nho là một trong những hộ đầu tiên của xã Thành Trực trồng cây mía tím. Ông Nho trồng 6 sào mía tím, do có kinh nghiệm áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc mía theo quy trình VietGAP nên diện tích mía của gia đình ông luôn phát triển tốt, năng suất cao, được thương lái đến đặt mua hết tại ruộng. Giá mía bán tại ruộng là 8 - 9 nghìn đồng/cây, mỗi năm gia đình ông Nho thu được hơn 100 triệu đồng từ trồng cây mía tím.

Ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực cho biết: Những năm trước đây, người dân chỉ trồng rải rác, tự phát, giá bán cũng không cao. Từ năm 2017, chính quyền xã Thành Trực đã thành lập HTX trồng mía tím, quy hoạch lại các vùng trồng tập trung để áp dụng quy trình VietGAP. Đồng thời, xã giao cho HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thành Trực phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho các hộ trồng mía. Được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cây mía tím ở xã Thành Trực bán khá dễ, năm nào các thương lái trong và ngoài tỉnh cũng đến đặt mua trước khi thu hoạch. Trung bình 1 sào mía tím, trừ chi phí người dân thu lãi 14 triệu đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 53,54 triệu đồng/người. Xác định cây mía tím là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xã Thành Trực đã và đang lựa chọn cây mía tím để xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023. Xuất phát từ xa xưa, cây mía tím Kim Tân là đặc sản tiến vua, được Nhân dân trong vùng, cả nước biết đến, vì vậy cây mía tím được trồng trên vùng đất Thành Trực sẽ lấy tên là mía tím Kim Tân. Việc được công nhận sản phẩm OCOP cho cây mía tím Kim Tân sẽ góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Rời vùng đất xã Thành Trực, tôi xuôi về thị trấn Kim Tân, thăm khu chợ sầm uất ở trung tâm huyện, những dãy hàng quán, ki-ốt được sắp xếp gọn gàng. Nổi bật là những dãy hàng bán mía tím, cây mập mạp, tròn lẳn. Những chị bán hàng vui tính đon đả mời khách thưởng thức vị ngọt, mềm của mía và mua về làm quà. Cái nổi tiếng của mía tím Kim Tân có lẽ không chỉ là đặc trưng của đất, khí hậu làm nên mà còn bởi sự chân thành, nhiệt tình, mến khách của người dân.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]